Khuyến nghị các chủ sở hữu quyền chủ động bảo vệ bản quyền nội dung bằng các biện pháp kỹ thuật và pháp lý
Chính phủ số - Ngày đăng : 10:14, 23/10/2019
Tại Hội thảo “Các giải pháp tăng doanh thu dịch vụ truyền hình trả tiền” vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tại Huế vào ngày 12 tháng 9 vừa qua, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Cục PTTH&TTĐT) đã khuyến nghị các chủ sở hữu quyền chủ động tự bảo vệ bản quyền nội dung bằng các biện pháp kỹ thuật và pháp lý; tích cực đồng hành cùng cơ quan quản lý nhà nước trong việc phát hiện và chặn vi phạm bản quyền.
Để công tác xử lý vi phạm bản quyền nội dung phát thanh, truyền hình trên mạng internet được hiệu quả, Cục PTTH&TTĐT đề nghị các đơn vị sở hữu bản quyền khi có kiến nghị về vi phạm bản quyền cần chuẩn bị hồ sơ đầy đủ gồm: tài liệu chứng minh sở hữu bản quyền đối với bản quyền nội dung, bằng chứng vi phạm kèm theo các cảnh báo vi phạm bản quyền đã gửi chủ thể vi phạm bản quyền nội dung thuộc sở hữu của đơn vị.
Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ tác phẩm điện ảnh, tác phẩm báo chí…là đối tượng bảo hộ về bản quyền tác giả. Vì vậy, hành vi sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 25 của Luật này; cho thuê tác phẩm mà không trả tiền nhuận bút, thù lao và quyền lợi vật chất khác cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả; nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả của các đơn vị khác khi sử dụng các tác phẩm mà không có sự đồng ý bằng văn bản và không trả tiền thù lao cho chủ sở hữu là hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định tại Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ và Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại; yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình theo quy định tại Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ. |