Những khuyến nghị cho xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam
Xu hướng - Dự báo - Ngày đăng : 16:03, 03/10/2019
Thực tế đến nay trên cả nước đã có khoảng 30 địa phương phê duyệt và triển khai các đề án dự án về phát triển ĐTTM.
Khuyến nghị của Bộ TTTT
Trước thực tiễn triển khai ĐTTM tại Việt Nam, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TTTT đã chia sẻ những khuyến nghị khi triển khai ĐTTM cho các địa phương tại Hội thảo “Xây dựng ĐTTM trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia” ngày 2/10.
Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TTTT
Theo ông Nguyễn Thành Phúc, Đề án phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 950 đã xác định toàn diện từ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, phân công nhiệm vụ triển khai của các Bộ, ngành xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, xác định nội hàm triển khai mà các địa phương cần quan tâm.
Thực hiện Quyết định 950, Bộ TTTT được giao nhiệm vụ xây dựng Khung tham chiếu phát triển ĐTTM và đã ban hành, là các cơ sở để các địa phương xây dựng các đề án, dự án phát triển ứng dụng ĐTTM theo một kiến trúc tổng thể, đảm bảo triển khai đồng bộ, hiểu quả, không bị triển khai theo kiểu manh mún.
Trong thời gian qua, các địa phương, đặc biệt là các Sở TTTT, đơn vị được giao chủ trì triển khai ứng dụng ĐTTM đã đặt ra những câu hỏi như bắt đầu từ việc địa phương nên triển khai ứng dụng/dịch vụ nào cho ĐTTM, khi triển khai dịch vụ ĐTTM người dân thấy được lợi ích gì, chính quyền thấy lợi ích triển khai như thế nào, làm như thế nào khi đã chọn ứng dụng?
Trước những kiến nghị của địa phương, ông Phúc cho biết Bộ TTTT mong muốn các địa phương bắt đầu từ 2019 – 2020 nên chọn ứng dụng, dịch vụ hiệu quả ngay để tạo sự tin tưởng để xây dựng kế hoạch dài hạn hơn cho phát triển ĐTTM. “Phải chọn dịch vụ/ứng dụng người dân thấy ngay lợi ích của việc triển khai ĐTTM”.
Dịch vụ/ứng dụng phản ánh hiện trường cần được quan tâm đầu tiên. Có nhiều vấn đề nảy sinh trong đời sống hàng ngày như an ninh trật tự, giao thông, môi trường… Nhờ dịch vụ/ứng dụng này người dân có thể thông báo hiện trường tức thời cho chính quyền để xử lý, giải quyết ngay và theo đó, người dân đang tham gia vào quản lý thị trường. Chi phí cho dịch vụ/ứng dụng này không lớn nhưng hiệu quả, ông Phúc cho hay.
Tiếp theo, chính quyền cũng phải thấy lợi ích của việc triển khai ĐTTM. Chính quyền muốn giám sát chính ngay đội ngũ cán bộ có thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ, công việc, thời hạn được giao. Vậy, cần có ứng dụng giám sát cung cấp dịch vụ công cho người dân, DN. Những ứng dụng này rất dễ phát triển.
“Chính quyền muốn huy động được các Sở ban ngành tham gia vào quản lý đô thị. Điều này dễ thực hiện bằng cách thông qua hệ thống camera giám sát, bằng công nghệ xử lý dữ liệu, AI có thể hỗ trợ chuyển dữ liệu để xử lý”.
Thứ ba, ông Phúc khuyến nghị, cần sử dụng dữ liệu và AI trong việc hỗ trợ ra quyết định. “Khi triển khai nhiều hệ thống camera, IoT giám sát, chúng ta có rất nhiều tai mắt gửi dữ liệu hàng ngày về và chúng ta có trung tâm điều hành giám sát ĐTTM thu thập tất cả những dữ liệu đó và dùng những phần mềm AI xử lý để hỗ trợ chính quyền ra quyết định”.
Thứ 4, hàng nghìn camera, thiết bị IoT nằm rải rác ở khắp các đô thị thì vấn đề an toàn an ninh mạng rất quan trọng nên cần hình thành trung tâm giám sát an toàn an ninh mạng ở các địa phương triển khai ĐTTM, ông Phúc lưu ý.
“Quan điểm của Bộ TTTT là triển khai nền tảng trước, ứng dụng sau bởi nếu không sẽ chống chéo dẫn đến đầu tư không hiệu quả. Dữ liệu phải được dùng chung và điều hành tập trung. Nếu không thu thập được dữ liệu dùng chung để cho cơ quan, chính quyền địa phương sử dụng thì chúng ta chưa thành công và khi chúng ta có dữ liệu dùng chung thì dẫn đến điều hành tập trung. Đây là lợi ích ĐTTM mang lại”, ông Phúc nhấn mạnh.
Cuối cùng, ông Phúc đề nghị: địa phương triển khai ĐTTM cũng cần tham khảo học hỏi từ thành công triển khai ĐTTM của một địa phương khác.
Kinh nghiệm triển khai ĐTTM tại Việt Nam
Tại Hội thảo các DN công nghệ trong nước và quốc tế đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai ĐTTM cho một số địa phương.
Ông Lê Văn Thành, Giám đốc kỹ thuật hiện trường, Dell Technologies
Ông Lê Văn Thành,Dell Technologies cho biết:Mỗi thành phố có một đặc thù thách thức khác nhau, nên không có công thức chung nào cả. Mỗi thành phố nên chọn ra một vấn đề tiêu biểu, người dân quan tâm nhất hay gây bức xúc nhất để giải quyết. Khi người dân thấy được lợi ích cụ thể của một ứng dụng, người ta sẽ tham gia nhiều hơn.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Giám đốc Chiến lược VNPT
Với kinh nghiệm tư vấn cho hơn 20 đề án ĐTTM cho các địa phương, ông Nguyễn Đức Kiên, Giám đốc Chiến lược VNPT nhận định: ĐTTM cơ bản là chuyển đổi số, theo đó, cần khảo sát đô thị, làm việc với lãnh đạo tỉnh về xác định mức độ ưu tiên, dựa vào thực tế tài chính để lập lộ trình.
Trên thế giới có 3 hướng tiếp cận để xây dựng ĐTTM là: mỏ neo (bám vào thế mạnh của địa phương rồi mở rộng); Phát triển nền tảng đầy đủ trước, điều này chỉ phù hợp với Hà Nội và TP. HCM và thử nghiệm để xem cái gì tốt nhất, phù hợp nhất cho địa phương.
Trong khi đó, ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson khu vực Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào cho rằng càn thiết phải thiết lập hạ tầng CNTT của thành phố, kết nối Internet, băng rộng truyền tải tốc độ cao, năng lực tính toán… đó là những nền tảng của ĐTTM.
“Phải nâng cấp hệ thống CNTT. ĐTTM là phải giải quyết các vấn đề của thành phố thời gian thực, thoả mãn nhu cầu của người dân tức thời. Công nghệ giúp tạo sự sáng tạo mới, phải đầu tư thiết kế hệ thống mới, giải quyết vấn đề phức tạp. Phải có năng lực về mặt công nghệ, làm sao có thể cung cấp công nghệ để cho người dân hiệu quả hơn”, ông Denis Brunetti cho hay.
Chia sẻ một lưu ý trong triển khai ĐTTM là Việt Nam, Tổng giám đốc ABB Việt Nam Brian Hull cho biết: cũng như nhiều nước khác cũng đang thiếu nước. ĐTTM không thể thiếu nước. Nước rất quan trọng nên cần hệ thống thông minh. ĐTTM có thể sử dụng AI, IoT kết nối các hộ gia đình phát hiện rò rỉ nước. Ngoài ra, có thể sử dụng đồng hồ nước thông minh của ABB với công nghệ AI để giảm thiểu hàm lượng hoá chất trong nguồn nước sử dụng.
Ông Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc FPT IS
Ông Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc FPT IS cho biết: FPT đã có những thành tựu về xây dựng ĐTTM trên toàn quốc, đặc biệt trong hai lĩnh vực giao thông thông minh và y tế thông minh.
FPT đã tham gia xây dựng Trung tâm điều hành giao thông thông minh TP.HCM. Về y tế thông minh, mới đây nhất FPT triển khai bệnh án điện tử bệnh viện Đa khoa Hải Phòng, đưa bv này trở thành bệnh viện đầu tiên trên cả nước đạt mức 7/7 theo thông tư của Bộ Y tế. Người dân có thể tự truy cập, tra cứu kết quả trực tuyến.
Dữ liệu mở là yếu tố tạo nên thành công của ĐTTM Tuy nhiên vấn đề của Việt Nam là chưa có văn hóa chia sẻ dữ liệu dùng chung. Theo đó, FPT đề xuất giải pháp City API - Ngân hàng dữ liệu thành phố. Dữ liệu có cấu trúc, bán cấu trúc hay phi cấu trúc đều đưa vào kho dữ liệu để cung cấp cho người dân, chính phủ và DN.
Theo phương pháp cũ, các ứng dụng di động có thể truy cập nguồn dữ liệu qua cổng thông tin công của chính phủ. Nhưng với giải pháp của FPT, City API sẽ tạo điều kiện cho tất cả các nhà cung cấp giải pháp đều có thể sử dụng. Đồng thời, giúp người dân tham gia tốt hơn. Ví dụ: Ứng dụng miễn phí tra cứu nơi khám chữa bệnh ở TP.HCM, có chức năng đánh giá cơ sở khám chữa bệnh, từ đó là nguồn thông tin để người dân tham khảo.