Những phát triển mới về ngành hậu cần tại Việt Nam

Diễn đàn - Ngày đăng : 16:09, 12/09/2019

Các nhà cung cấp dịch vụ hậu cần hàng đầu đang hướng đến việc đầu tư vào công nghệ và hậu cần điện tử (e – logistic) khi cơ sở hạ tầng và kết nối tại Việt Nam vẫn còn hạn chế.

Kết quả hình ảnh cho Vietnam e-logistics sorting out supply

Công ty vận tải và hậu cần của Pháp - FM Logistic đã bắt đầu xây dựng kho hàng rộng 5,2 ha đầu tiên của mình vào đầu năm nay tại Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore tại Bắc Ninh, với các tiêu chuẩn cao về phòng chống cháy nổ, thông gió và tiết kiệm năng lượng. Kho hàng được đầu tư lên tới 30 triệu đô la và giai đoạn đầu tiên sẽ được đưa vào hoạt động vào tháng 4 năm sau.

Công ty cũng đã mở một trung tâm phân phối rộng 6.500 m2 ở phía nam tỉnh Bình Dương vào tháng 5 vừa qua, được thiết kế để lưu trữ nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG – fast moving consumer goods), hàng bán lẻ và hàng tiêu dùng để phân phối cho thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khác.

Ông Hamza Harti, Quốc gia Giám đốc điều hành của FM Logistic Vietnam cho biết: “Thị trường hậu cần Việt Nam tiếp tục thay đổi nhanh chóng, nhu cầu mua sắm gia tăng đang được thúc đẩy bởi mức lương trung bình của người dân cao hơn, mức tiêu thụ lớn hơn, lực lượng dân số trẻ hùng hậu của đất nước, thương mại điện tử bùng nổ và sự xuất hiện của các kênh omni (bán hàng đa kênh trên cùng một nền tảng)”.

Toàn bộ chuỗi cung ứng của Việt Nam dự kiến ​​sẽ được số hóa trong tương lai gần, vì các công nghệ Công nghiệp 4.0 đang thay đổi hành vi của khách hàng và buộc các nhà cung cấp dịch vụ hậu cần ở khắp mọi nơi phải thích nghi với việc cung cấp dịch vụ suốt ngày đêm.

Sự thúc đẩy của thương mại điện tử & công nghệ

Việc sử dụng các thiết bị di động hiện đang là thói quen phổ biến của người tiêu dùng. Việc chuyển đổi trải nghiệm mua sắm từ các cửa hàng truyền thống và hướng tới thương mại điện tử là một thách thức lớn đối với các nhà bán lẻ và các nhà sản xuất, cũng như đối với các chuỗi cung ứng và hậu cần liên quan.

Người tiêu dùng và doanh nghiệp mong đợi trải nghiệm mua sắm và B2B (business to business: các giao dịch thương mại giữa các doanh nghiệp) liền mạch, vì vậy các nhà bán lẻ và những đơn vị trong chuỗi cung ứng cần phải thích ứng với các nhu cầu về kênh omni một cách nhanh chóng.

Sự thay đổi trong hành vi mua hàng của người tiêu dùng đã thay đổi cách các sản phẩm chảy qua chuỗi cung ứng.

Tiến sĩ Robert McClelland, Trưởng khoa Quản trị tại Đại học RMIT Việt Nam cho biết: “Sự phân phối hàng hóa đã phát triển từ một quy trình dễ dàng lên kế hoạch và có thể dự đoán được, lên đến một mức độ dịch vụ và mô hình phân phối được cá nhân hóa hơn”.

Ông cũng cho biết thêm: Các trung tâm lưu trữ và kho hàng dành cho kênh Omni đã xuất hiện để tạo điều kiện thuận lợi cho việc này. Tuy nhiên, những mô hình này đòi hỏi sự linh hoạt hơn về quy mô, dịch vụ và vị trí để đáp ứng nhu cầu trong thời gian ngắn nhất có thể.

Mô hình giao hàng bất cứ đâu và bất cứ khi nào cũng phải phát triển để đáp ứng nhu cầu cho người tiêu dùng cuối cùng. Để đáp ứng mong đợi của người tiêu dùng, các công ty cũng sẽ phải cung cấp các dịch vụ mới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc trả lại hàng một cách dễ dàng.

Phát triển thương mại B2B cũng sẽ yêu cầu các dịch vụ giao hàng chuyên biệt, đặc biệt là việc giao hàng có giá trị cao, giao hàng với thời gian ưu tiên. Và nền tảng đa kênh được chia sẻ giữa các nhà sản xuất, nhà bán lẻ và nhà cung cấp dịch vụ hậu cần sẽ là điều thiết yếu để có được tầm nhìn toàn diện về các tương tác của khách hàng và, quan trọng hơn, để dữ liệu và hàng tồn kho giữa kho hàng và các nền tảng khác dễ dàng được trao đổi để có thể đáp ứng nhu cầu cao nhất.

Cần phải có các phân tích nâng cao và trí tuệ nhân tạo để tạo điều kiện cho vấn đề này, và nó sẽ đóng một vai trò quan trọng đối với các nền tảng.

Một trong những công ty lớn nhất trong thị trường hậu cần địa phương, Lazada E-Logistics (LEL) Việt Nam, đã đầu tư rất nhiều vào việc mở rộng dấu ấn của mình trên khắp đất nước, thông qua các trung tâm dịch vụ mới: 5 trung tậm tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng để có thể tăng tốc độ và độ chính xác khi giao hàng.

Ông Mr. Fabian Wandt, Giám đốc điều hành của LEL Vietnam, đã cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “18 tháng qua là một giai đoạn thú vị cho ngành công nghiệp hậu cần điện tử, phát triển toàn diện, cơ sở hạ tầng mới và những công nghệ mới nhất”.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những thách thức liên quan đến khía cạnh kỹ thuật số của dịch vụ hậu cần, vì các công nghệ Công nghiệp 4.0 như Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn và thực tế tăng cường đang khiến ngành công nghiệp bị đảo lộn.

Những đổi mới kỹ thuật số này hứa hẹn sẽ cắt giảm chi phí vận chuyển, cải thiện việc theo dõi các lô hàng và đảm bảo an ninh cho hàng hóa xuyên biên giới.

Đổi mới kỹ thuật số đã cải thiện đáng kể tầm nhìn, tính minh bạch, tính tuân thủ và độ tin cậy trong chuỗi cung ứng.

Ông Mark Cheong, Trưởng phòng Tiếp thị và Bán hàng của DHL Global Forwarding cho biết: “Số hóa điện tử đang ảnh hưởng đến tất cả các bộ phận của chuỗi cung ứng. Khách hàng có thể muốn những dịch vụ nhanh hơn và câu hỏi đặt ra là liệu các nhà cung cấp dịch vụ hậu cần có thể đáp ứng nhu cầu đó hay không. DHL đang hợp tác chặt chẽ với Hiệp hội Hậu cần Việt Nam để khám phá các giải pháp, bao gồm các giải pháp kỹ thuật số để có thể giúp giảm chi phí hậu cần”.

Chiến lược thích ứng

Công nghiệp 4.0 sẽ cho phép ngành công nghiệp hậu cần của Việt Nam nhảy vọt trong tương lai, đặc biệt là với sự tăng trưởng của các công ty khởi nghiệp địa phương sử dụng công nghệ để chuyển đổi phân khúc vận chuyển và kho bãi. Tiến sĩ McClelland cho biết: “Thách thức và cơ hội đều nằm ở công nghệ”.

Ông cho biết thêm: “Công nghệ liên tục đưa ra những cách thức mới và sáng tạo để thay đổi cách con người làm việc, cung cấp cho chúng ta cơ hội để vượt lên trên các đối thủ của mình và có thể tăng thêm 5 hoặc 10% lợi nhuận. Đầu tư và triển khai phần mềm và phần cứng phù hợp có thể khiến các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn. Nếu không hành động thì doanh nghiệp của bạn có thể nhanh chóng bị chậm lại và thụt về phía sau”.

Để thích ứng với thị trường trong nước, FM Logistic đang làm việc với các khách hàng sử dụng một số cải tiến toàn cầu của mình, như xe đẩy thương mại điện tử (e-commerce trolley), để có thể triển khai vào năm tới.

Giải pháp công nghệ đầu tiên mà công ty triển khai tại Việt Nam là Hệ thống quản lý kho, cung cấp các chức năng mạnh mẽ mới nhất phù hợp với các hoạt động kho bán lẻ, thương mại điện tử và kênh omni, tối ưu hóa cả chất lượng, năng suất và tốc độ hoạt động trong khi giảm thiểu tất cả các thủ tục giấy tờ. Và tất cả những điều này được thực hiện với chi phí phù hợp tại Việt Nam.

Tại LEL Vietnam, công ty đã ra mắt dịch vụ tự thu gom đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 6 vừa qua.

Ông Wandt cho biết: “Giờ đây, khách hàng của Lazada có thể chọn nhận hàng tại một điểm thu gom trước khi thanh toán và sau đó chuyển hướng bưu kiện của họ đến bất kỳ địa điểm nào họ chọn. Công nghệ cao cho phép chúng tôi chia sẻ thông tin trong thời gian thực, thông qua việc tích hợp hệ thống với tất cả các đối tác của chúng tôi trong hệ sinh thái. Chia sẻ thông tin trong thời gian thực cũng cho phép chúng tôi tối ưu hóa tốt hơn việc sử dụng các dịch vụ hậu cần hàng ngày và cũng gia tăng hiệu quả. Đây là hai động lực lớn nhất trong việc cải thiện chi phí”.

LEL cũng đã ra mắt Nền tảng chuỗi cung ứng và bán lẻ (ASCP) mới của Alibaba tại Đông Nam Á. Nền tảng mới cho phép nó hướng tới hai chiến lược quan trọng: cho phép tất cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tiếp cận thương mại toàn cầu và tối ưu hóa chuỗi cung ứng cho các thương hiệu và nhà bán lẻ.

Ông cho biết: “Các hệ thống mới của chúng tôi sẽ cải thiện đáng kể các trải nghiệm của khách hàng, trao quyền cho người bán và thúc đẩy tự động hóa trong toàn bộ chuỗi giá trị. Hệ thống mới hoàn toàn tự động hóa các quy trình bán hàng của chúng tôi, từ dự báo và bổ sung đến giá cả, mức độ dịch vụ, quản lý hàng tồn kho và vị trí kho hàng. Tất cả các quy trình của chúng tôi hiện được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo”.

Trong khi đó, các cải tiến công nghệ gần đây của DHL Express, bao gồm máy quét chuyển phát nhanh, công cụ vận chuyển điện tử và quy trình khai báo hải quan giúp khách hàng theo dõi chính xác vị trí của các gói hàng của họ mọi lúc.

Ông Shoeib Reza Choudhury, Giám đốc quốc gia của DHL-VNPT Express Vietnam cho biết: “Chúng tôi đã đầu tư hơn 8 triệu đô la vào Việt Nam trong ba năm qua và có kế hoạch cho một tốc độ đầu tư tương tự trong những năm tới”.

“Gần đây, chúng tôi cũng đã bắt đầu chấp nhận các công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt mới để cung cấp cho khách hàng những phương thức mới để thanh toán và chuyển sang hóa đơn điện tử trong năm qua, điều này không chỉ tạo thuận tiện hơn cho khách hàng mà còn giúp chúng tôi tiết kiệm khoảng 720.000 tờ giấy mỗi năm”.

Những hạn chế lớn

Ông Cheong từ DHL cho biết: “Trong lĩnh vực hậu cần, thông tin là điều quan trọng nhất. Công nghệ có thể cho phép chúng tôi cung cấp thông tin cho khách hàng một cách hiệu quả và hỗ trợ họ trong quá trình ra quyết định của mình”.

“Một lần nữa, cơ sở hạ tầng hậu cần của Việt Nam có thể đủ cho hiện tại, nhưng để tăng trưởng dài hạn, Việt Nam cần nhiều sự đầu tư hơn để thúc đẩy các ý tưởng tiến về phía trước”

Theo Ủy ban Kinh tế và Xã hội Liên Hiệp Quốc về Châu Á và Thái Bình Dương (ESCAP), nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng ở Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020 đã được dự kiến ​​ở mức khoảng 24 tỷ USD; gần gấp đôi nhu cầu trong năm năm trước.

Tiến sĩ McClelland chỉ ra rằng những thách thức chính ở đây là những hạn chế về tài khóa và không đủ vốn để tài trợ cho các dự án giao thông lớn từ nguồn vốn của Nhà nước, kế hoạch đầu tư và phân bổ tài chính công không hiệu quả, thị trường vốn chưa phát triển, thiếu năng lực cần thiết trong nước và thiếu môi trường cho đầu tư tư nhân.

Theo ông Russell Reed, Giám đốc điều hành của UPS Thái Lan và Việt Nam cho biết: Hơn nữa, có những thách thức khác nhau ở mỗi quốc gia khi nói đến luật pháp và cơ sở hạ tầng, và Việt Nam cũng không là ngoại lệ.

Ví dụ, đường cao tốc ở quốc gia không có sức chứa tương đương với những đường cao tốc ở những nước Đông Nam và Đông Á khác, và điều này có thể dẫn đến sự tắc nghẽn, thường là trong giờ cao điểm, khi cơ sở hạ tầng giao thông thực sự cần hoạt động tốt nhất.

Tuy nhiên, đồng thời, ông vẫn lạc quan về trọng tâm mà Chính phủ Việt Nam đang đặt ra để nâng cấp và mở rộng cơ sở hạ tầng của đất nước, với các dự án PPP trị giá 52 tỷ USD hiện đang được triển khai.

Dự án Đường cao tốc Bắc - Nam sắp tới sẽ đặc biệt hữu ích trong việc cắt giảm tắc nghẽn. Trong khi đó, về mặt pháp lý, Việt Nam phê chuẩn Hiệp định toàn diện và tiến bộ cho quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các thỏa thuận thương mại khác có nghĩa là chính phủ đang giải quyết các vấn đề như hải quan và sở hữu trí tuệ; những vấn đề cực kỳ quan trọng để đảm bảo Việt Nam có thể tiếp tục trở thành đối tác thương mại an toàn và đáng tin cậy.

Trương Khánh Hợp, Nguyễn Tất Hưng