Sau Cao Bằng, Việt Nam tiếp tục nộp hồ sơ công nhận Đắc Nông là công viên địa chất toàn cầu

Diễn đàn - Ngày đăng : 10:18, 12/09/2019

Đây là thông tin mà các chuyên gia địa chất, văn hóa cung cấp cho các phóng viên để chuẩn bị cho chuyến công tác tại Cao Bằng và Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng trong trung tuần tháng 9/2019.

Công viên địa chất Non Nước Cao Bằng, nằm ở phía Bắc Việt Nam cách Hà Nội khoảng 300km, có diện tích khoảng 3.200km2, được thành lập  cuối năm 2015 và được Đại hội đồng UNESCO công nhận là Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO ngày 12/4/2018.

Công viên địa chất Non nước Cao Bằng có lịch sử tiến hóa địa chất trên 500 triệu năm, 18 phân vị địa tầng cùng các hoạt động kiến tạo, magma, phun trào đa dạng, rộng khắp đã để lại nơi đây vô cùng phong phú các giá trị di sản địa chất.

TS. Trần Tân Văn, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết yếu tố di sản địa chất  là một trong những giá trị quan trọng, đầu tiên để được xét công nhận là công viên địa chất toàn cầu.

Bộ TTTT tổ chức cung cấp thông tin cho báo chí về Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng

Để được công nhận là công viên địa chất toàn cầu, ông Trần Quốc Khánh, Đại diện Ủy ban quốc gia UNESCO cho biết cần thời gian, công sức, tâm huyết của nhiều bên, trong đó có vai trò quan trọng của cơ quan quản lý nhà nước.

Tiếp theo, địa phương đóng vai trò rất quan trọng trước và sau khi được công nhận. Chủ tịch tỉnh Cao Bằng trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Công viên địa chất Non nước Cao Bằng. Các nhà khoa học tham gia đánh giá địa chất và xây dựng hồ sơ công nhận đóng vai trò quan trọng.

Yếu tố nữa không thể thiếu, theo ông Trần Quốc Khánh, là sự tham gia, ủng hộ của người dân địa phương. Công viên địa chất Cao Bằng trải rộng 9 huyện với 250.000 dân. Nếu người dân bản địa không ủng hộ, hoặc không tham gia, không hiểu đầy đủ giá trị thì dù có công viên địa chất đi chăng nữa thì không có ý nghĩa nhiều.

Hình ảnh tuyệt đẹp của Công viên địa chất  Non Nước Cao  Bằng (http://caobanggeopark.com)

Ông Trần Quốc Khánh nhấn mạnh: “Một giá trị căn bản của công viên địa chất toàn cầu là mang lại giá trị sinh kế, tốt đẹp cho người dân, cho văn hóa bản địa nên vai trò của người dân rất là quan trọng. Muốn để người dân bản địa hiểu, nhận thức được đầy đủ giá trị của Công viên và tham gia vào quá trình phát huy các giá trị cần có sự chung tay của các phòng viên báo chí, giúp cho người dân hiểu”.

Báo chí còn có vai trò giới thiệu, góp phần đưa giá trị, vẻ đẹp của Việt Nam ra thế giới giúp bạn bè quốc tế biết về Việt Nam. Báo chí cũng có chức năng tư vấn kinh nghiệm, báo động cho cơ quan quản lý nhưng vấn đề cần quản lý đối với Công viên.

Ông cũng cho biết sau Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn - Hà Giang và Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng được công nhận, các địa phương có tiềm năng ở Việt Nam đã bắt đầu quan tâm đến công viên địa chất như là xu hướng phát triển gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, giá trị dân tộc. Hiện, Đắc Nông đang nộp hồ sơ để được công nhận là công viên địa chất toàn cầu. Lý Sơn cũng đang muốn tham gia mạng lưới công viên địa chất toàn cầu.

Sau khi Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng được công nhận, năm 2018 khách du lịch đến Cao Bằng ước đạt 1,2 triệu lượt người, tăng 30% so với năm  2017, trong đó khách quốc tế tăng 68% so với năm 2017. Tổng doanh thu đạt 360 tỷ đồng, tăng 90% so với năm 2017.

Theo số liệu của Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch Cao Bằng, năm 2019 (từ đầu năm đến 4/2019), lượng khách du lịch đến Cao Bằng tăng 19,8% so với cùng kỳ - 280.000 lượt khách, trong đó khách du lịch quốc tế là 32.000 tăng 62%, khách nội địa tăng 16%. Doanh thu từ du lịch ước đạt 50 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ.

Còn theo số liệu của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Cao Bằng, kỳ nghỉ lễ 30/4 -1/5/2019, lượng khách đến các khu, điểm du lịch đạt trên 101.608 lượt  khách, tăng  54,4% so với cùng  kỳ  năm  2018. Công suất sử dụng buồng phòng, đạt  trên 95%.

Được biết, trên toàn cầu có 147 công viên địa chất tại 41 quốc gia, châu Âu nhiều nhất với 75 công viên, châu Á - Thái Bình Dương là 60, trong đó Việt Nam có 2 công viên. Các công viên còn lại ở các châu lục khác.

Lan Phương