Các tỉnh miền Trung cần dựa vào công nghệ số để bứt phá

Diễn đàn - Ngày đăng : 15:09, 24/08/2019

Tại Hội thảo Hợp tác phát triển CNTT-TT Việt Nam lần thứ 23 năm 2019 diễn từ ngày 22 - 24/8/2019, tại Phú Yên, Bộ trưởng Bộ TTTT đã nhấn mạnh miền Trung có nhiều lợi thế và cần dựa vào công nghệ số để phát triển và bứt phá.

Hội thảo với chủ đề “Chuyển đổi số: kết nối, chia sẻ dữ liệu hoàn thiện Chính quyền điện tử” được Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT), UBND tỉnh Phú Yên và Hội Tin học Việt Nam tổ chức nhằm thực hiện Nghị quyết 36a/2015/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính quyền điện tử và các chương trình của Bộ TTTT về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin (CNTT) đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng, hơn 800 đại biểu đến từ các cơ quan Chính phủ, các Bộ, Ngành, địa phương... cùng các chuyên gia, diễn giả, các doanh nghiệp (DN) về CNTT-TT đã tham dự Hội thảo .

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh đến chuyển đổi số: Đây là sự chuyển dịch mang tính cách mạng, sẽ làm thay đổi diện mạo của đất nước. Sứ mạng ấy được trao cho những người làm CNTT, những người làm công nghệ số nói chung. Bộ TTTT được Thủ tướng giao xây dựng Đề án Chuyển đổi số Quốc gia để ban hành trong năm nay. Chuyển đổi số sẽ là nhiệm vụ mới, thách thức mới cho chúng ta, nhưng cũng chính do thách thức này mà lực lượng làm CNTT của nước nhà sẽ có bước phát triển mới.

Theo Bộ trưởng, chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi cơ bản các hoạt động kinh tế và xã hội sang môi trường số, là khi phải thay đổi các mối quan hệ trong môi trường số, thí dụ như taxi công nghệ...

Chuyển đổi số bao gồm bước một là số hoá. Không chỉ con người được số hoá mà tất cả các vật vô tri vô giác sẽ được số hoá. Bước hai của chuyển đổi số là hình thành các mối quan hệ mới trong nền kinh tế số, xã hội số - các mối quan hệ mới trong thế giới ảo. Và đây mới là thách thức lớn nhất của chuyển đổi số. Nhưng chính những mối quan hệ mới này, những mô hình kinh doanh, mô hình quản trị mới này mới phát huy hiệu quả của chuyển đổi số.

Hạt nhân của quá trình chuyển đổi số là các DN công nghệ số, DN ICT Việt Nam. Theo đó, Bộ trưởng nhấn mạnh: “Chúng ta phải phát triển 100.000 DN ICT, nhất là các DN tại các tỉnh/thành phố, tập trung làm tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ, triển khai ứng dụng công nghệ vào mọi lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội”.

Bộ trưởng cũng cho biết cần đào tạo 1000 cán bộ chuyên gia về chuyển đổi số ở tất cả các ban, bộ, ngành, địa phương và DN, đây là lực lượng nòng cốt để dẫn dắt và lan toả. Chuyển đổi số là cuộc cách mạng toàn dân và do vậy, vai trò của truyền thông là vô cùng quan trọng, để nâng cao nhận thức, phổ biến kinh nghiệm tốt.

Cách để Việt Nam đẩy nhanh chuyển đổi số là phát triển các nền tảng (platform). Mỗi platform phục vụ cho hàng trăm ngàn người, hàng ngàn tổ chức chuyển đổi số.

Các yếu tố nền tảng của chuyển đổi số, theo Bộ trưởng, là Thể chế, Hạ tầng, Đổi mới sáng tạo, An ninh an toàn mạng, DN ICT và Đào tạo.

Nói về cơ hội của các tỉnh miền Trung trong chuyển đổi số, Bộ trưởng cho biết: Cuộc CMCN lần thứ 4 là cuộc cách mạng về công nghệ, nhất là các công nghệ số, cái quyết định không phải máy móc mà là trí tuệ con người. Các tỉnh miền Trung có nhân lực phù hợp để xây dựng các trung tâm nghiên cứu phát triển, các trung tâm phát triển công nghệ 4.0. Thí dụ, tại Bình Định, FPT đang đầu tư phát triển AI, TMA đang đầu tư phát triển công nghệ cao.

Bởi vậy, “Tập trung cho đào tạo, từ phổ thông tới đại học, khơi dậy tinh thần ham học, kêu gọi các tập đoàn, Tổng công ty lớn tới đây đầu tư nghiên cứu phát triển có thể sẽ là con đường đi căn cơ cho miền Trung. Các trường đại học chất lượng cao miền Trung sẽ là nhân tố quan trọng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tiếp theo, hạ tầng Viễn thông (VT) - CNTT là nền tảng của kinh tế số và xã hội số, do vậy cần được đầu tư đi trước. “Các tỉnh miền Trung lại càng phải dựa vào hạ tầng số, công nghệ số để giải quyết các vấn đề của mình và để phát triển”.

Theo Bộ trưởng, đầu tư hạ tầng số chỉ khoảng 1/10 - 1/20 so với hạ tầng giao thông. Muốn là trung tâm phát triển công nghệ thì điều kiện tiên quyết là hạ tầng VT-CNTT. Các tỉnh miền Trung cần phải đi đầu về VT - CNTT. Bộ TTTT sẽ chỉ đạo xây dựng miền Trung thành một Hub về ICT, kết nối quốc tế.

Về chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số, đô thị thông minh tiến tới xã hội số, chuyển đổi số tiến tới kinh tế số, xã hội số, Bộ trưởng khẳng định: “Các tỉnh miền Trung hoàn toàn có thể đi đầu, đi trước, đi nhanh hơn về các nội dung trên, và chỉ có như vậy các tỉnh miền Trung mới bứt phá lên được. Càng khó khăn thì càng phải đi đầu, càng phải ứng dụng công nghệ mới và càng có cơ hội để công nghệ mới, mô hình mới mang lại giá trị lớn. Thí dụ, tỉnh đi đầu về đô thị thông minh và đạt kết quả tốt nhất đến thời điểm hiện tại, là một tỉnh miền Trung, đó là Thừa Thiên Huế”.

Cuộc cách mạng 4.0 còn là cuộc cách mạng về chính sách và thể chế. Rất nhiều mô hình kinh doanh, mô hình quản trị mới xuất hiện.

Theo đó, Bộ trưởng cho rằng, các tỉnh miền Trung không có nhiều thứ để mất, vì vậy có thể chấp nhận cái mới nhanh hơn. “Chấp nhận cái mới thì công nghệ mới, nhân tài công nghệ, DN công nghệ sẽ về miền Trung. Đổi mới sáng tạo cả về công nghệ, mô hình kinh doanh, mô hình quản trị sẽ giúp miền Trung bứt phá. Với thị trường 20 triệu dân là đủ lớn để làm cái nôi phát triển công nghệ mới, sản phẩm mới”.

Chuyển đổi số sẽ cần rất nhiều DN công nghệ địa phương, qui mô không cần lớn, để tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ, triển khai công nghệ, đưa công nghệ ứng dụng vào mọi lĩnh vực kinh tế - văn hóa – xã hội, từ trung tâm thành phố tới các bản làng.

Bởi vậy, Bộ trưởng mong muốn: “Các tỉnh miền Trung cần có kế hoạch phát triển các DN công nghệ. Cứ 1000 người dân thì phải có 1 DN công nghệ địa phương”.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Sôi nổi nhiều hoạt động tại Hội thảo

Tại phiên khai mạc Hội thảo, các nhà quản lý và chuyên gia chia sẻ một số kinh nghiệm về: Xu thế “Chuyển đổi số” - cơ hội và thách thức với Việt Nam; Đề án Chuyển đổi số Quốc gia; Đề xuất giải pháp thúc đẩy nhanh Chuyển đổi số Quốc gia; Thúc đẩy cách bạn sống và làm việc; Xu hướng an toàn thông tin (ATTT) trong chuyển đổi số; Các giải pháp đồng bộ xây dựng hệ thống kho dữ liệu dùng chung; Hệ thống ứng dụng CNTT phục vụ điều hành không giấy tờ VNPT-eCabinet; Bộ giải pháp ứng dụng công nghệ AI chuyển văn bản thành giọng nói.

Tại Hội thảo cũng diễn ra hai chuyên đề. Chuyên đề “Chuyển đổi số: Nâng cao hiệu quả Chính quyền điện tử”, với các nội dung: Xây dựng trung tâm dữ liệu lớn phục vụ khai thác, chia sẻ phát triển Chính quyền điện tử; Bảo đảm an ninh mạng trong bối cảnh cuộc CMCN lần thứ 4, thực trạng và giải pháp; Kinh nghiệm triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến và một cửa điện tử theo mô hình tập trung của Bộ Giao thông Vận tải; Giải pháp tối ưu cho hệ thống cơ sở hạ tầng CPĐT và Cổng dịch vụ công quốc gia; Bưu chính Công ích: Thực trạng và Giải pháp; Kiến trúc CPĐT dựa trên đám mây; Kinh nghiệm triển khai Chính quyền điện tử tỉnh Bình Dương hướng đến xây dựng thành phố thông minh (TPTM); Giới thiệu giải pháp triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu  dùng chung cấp tỉnh, thành phố (Giải pháp GovOne) Chuyển đổi số với Panasonic để quản lý dữ liệu tốt hơn; An toàn dữ liệu trong xây dựng chính quyền điện tử - Thực trạng và giải pháp.

Đối với chuyên đề “Chuyển đổi số:  Nông nghiệp, Du lịch và Biến đổi khí hậu, môi trường thông minh”, các nhà quản lý, chuyên gia CNTT trao đổi các nội dung về: Xu hướng chuyển đổi số và thực tiễn tại TP. Đà Nẵng; Giải pháp giám sát TPTM bằng AI Camera; Vấn đề quan trắc chất lượng vùng nước nuôi trồng thủy sản và môi trường ở Phú Yên; Chiến lược ATTT cho TPTM; Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam và những vấn đề đặt ra; Ứng dụng công nghệ IoT và AI mới nhất trong trồng trọt cà chua của Nhật Bản tại Việt Nam; Hỗ trợ kết nối DN trong thời Chuyển đổi số; Giải pháp bảo mật của Barracuda Network; Hệ thống chuyển đổi số và quản lí lưu trữ dữ liệu số tại các cơ quan ban ngành, tỉnh/thành; SAVIS DIGITAL GOV 2.0 – Giải pháp chuyển đổi số, kết nối chia sẻ dữ liệu chính quyền - DN - công dân; Giải pháp Hội họp hiệu quả trong kỷ nguyên 4.

Hội thảo cũng công bố Báo cáo kết quả kiểm tra đánh giá và xếp hạng ATTT các Cổng/Trang thông tin điện tử Việt Nam 2019; Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT Việt Nam (Việt Nam ICT Index 2019); Ký kết hợp tác giữa Bộ TTTT và UBND tỉnh Phú Yên; tổ chức các Chương trình Chào cờ và đón ánh bình minh tại Mũi Điện - Điểm cực đông trên đất liền của Tổ quốc (huyện Đông Hòa); Triển lãm sản phẩm CNTT-TT: Giới thiệu các sản phẩm, giải pháp công nghệ mới trong lĩnh vực CNTT-TT; Trao tặng thiết bị tin học cho các trường học, các xã đặc biệt khó khăn, các xã phấn đấu xây dựng nông thôn mới năm 2019…

Hội thảo là cơ hội để tỉnh Phú Yên học tập kinh nghiệm từ các địa phương ứng dụng hiệu quả CNTT trong quản lý, phát triển kinh tế - xã hội; kết nối, hợp tác với các chuyên gia, các DN  CNTT-TT để ứng dụng những thành tựu về CNTT thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của ngành, góp phần đưa Phú Yên tiến kịp cùng các địa phương trong cuộc cách mạng lần này.

Hội thảo Hợp tác Phát triển TTTT lần thứ 23 năm 2019 tại Phú Yên cũng là dịp để tỉnh Phú Yên quảng bá hình ảnh của một địa phương có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, có nền văn hóa, ẩm thực phong phú, đa dạng, con người thân thiện và mến khách. Đặc biệt là tiềm năng, thế mạnh của Phú Yên để phát triển du lịch, kinh tế biển, nông nghiệp công nghệ cao, chắc chắn sẽ thu hút sự quan tâm của các DN, nhà đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

PV