Tìm lời giải cho 5G tại Việt Nam và các nước ASEAN

Diễn đàn - Ngày đăng : 16:29, 16/08/2019

Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Hồng Hải nhấn mạnh: “5G có vai trò đặc biệt trong việc kết nối cơ sở hạ tầng và là yếu tố không thể thiếu trong việc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng ASEAN số”.

Ngày 16/8 tại Hà Nội, Cục Tần số Vô tuyến điện – Bộ TTTT đã chủ trì tổ chức Hội thảo ASEAN về tần số cho 5G. Hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ, tìm kiếm giải pháp quy hoạch băng tần phù hợp cho 5G, đảm bảo hài hoà phổ tần cho 5G trong khu vực ASEAN với sự tham dự của các nước ASEAN, các chuyên gia đến từ Hiệp hội thông tin di động toàn cầu (GSMA), Qualcomm, Huawei, NTT Docomo, Ericsson, Nokia, Axiata và các nhà mạng Việt Nam.

ASEAN số không thể thiếu 5G

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải nhấn mạnh cơ sở hạ tầng viễn thông không chỉ là cơ sở hạ tầng truyền thông, mà là cơ sở hạ tầng của nền kinh tế số, xã hội số, Internet vạn vật (IoT) và cơ sở hạ tầng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Hồng Hải phát biểu

5G có vai trò đặc biệt trong việc kết nối cơ sở hạ tầng và là yếu tố không thể thiếu trong việc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng ASEAN số”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Tại Việt Nam, để tận dụng lợi thế từ việc tiên phong triển khai công nghệ này, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cho biết Bộ TTTT đã lên kế hoạch thử nghiệm vào năm 2019, quy hoạch tần số trong năm 2019 - 2020 và cấp phép thương mại 5G vào năm 2020.

Việt Nam đã cấp phép thử nghiệm 5G cho 3 nhà mạng tại một số thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Vào ngày 10/5, Viettel đã thực hiện kết nối và cuộc gọi đầu tiên trên mạng di động 5G tại Việt Nam.

Để cung cấp dịch vụ 5G, trước tiên chúng ta phải có phổ tần cho mạng 5G”, Thứ trưởng cho biết.

Hài hoà băng tần cho 5G tại Việt Nam

Tháng 3/2019, Bộ TTTT đã tổ chức thành công Hội nghị ASEAN về 5G. Qua thảo luận tại Hội nghị, các nước ASEAN đều gặp khó khăn chung về vấn đề quy hoạch tần số cho 5G, như: Băng tần 3,5 GHz đang được nhiều nước trong khu vực sử dụng cho vệ tinh; băng tần mmW (tần số 26GHz hoặc 28GHz) còn có nhiều băn khoăn về vùng phủ.

Đáng chú ý, băng tần 3,5 GHz đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của 5G, vì hệ sinh thái thiết bị 5G rất lớn và đã sẵn sàng.

Tuy nhiên, ở Việt Nam cũng như một số nước ASEAN, việc xem xét sử dụng băng tần này cho 5G phải tính đến kết quả nghiên cứu và đo thực tế mức độ ảnh hưởng từ 5G đến các đài trái đất thông tin vệ tinh.

Thời gian vừa qua, Việt Nam đã phát thử nghiệm 5G ở băng tần 3,5GHz nhằm nghiên cứu, đánh giá mức độ ảnh hưởng để đưa ra quyết định chính xác nhất việc có quy hoạch sử dụng băng tần 3,5 GHz cho 5G hay không.

Là chuyên gia về tần số cho di động, ông Đoàn Quang Hoan, Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam cho biết hiện tại tất cả mọi người đều đánh giá rất cao vai trò của 5G đối với tương lai của thông tin di động và chuyển đổi số. Việc phát triển 5G ngoài vấn đề công nghệ, nó đòi hỏi một băng thông lớn, tức là phải có đủ tần số để phát triển 5G trên tất cả các ứng dụng của nó.

Cả 3 khu vực tần số cao, tần số trung bình và tần số thấp đều rất cần cho 5G. Khu vực tần số cao rất quan trọng đối với ứng dụng Internet tốc độ siêu cao. Băng tần trung bình là 2,6 GHz và 3,5GHz đáp ứng yêu cầu phát triển băng thông tốc độ cao nhưng vùng phủ lại tương đối. Trong khi đó, băng tần thấp đáp ứng yêu cầu về vùng phủ, đặc biệt là ở khu vực vùng sâu, vùng xa.

Đối với thông tin di động, băng tần thấp gần như đã sử dụng hết cho 3G và 4G. Băng tần hiện tại bị chia nhỏ nên khó có băng thông đủ lớn để phát triển 5G. Vậy nên, cả thế giới, khu vực và Việt Nam đều đang tập trung nghiên cứu việc sử dụng băng tần trung bình 2,6 GHz và 3,5 GHz.

Việc sử dụng băng tần 3,5 GHz có một khó khăn lớn, theo ông Đoàn Quang Hoan, băng tần này hiện đang được các nước gần xích đạo sử dụng cho thông tin vệ tinh. Đối với những nơi có lượng mưa lớn, việc sử dụng thông tin vệ tinh ở băng tần 3,5 GHz là cực kỳ quan trọng.

Vệ tinh VINASAT-1 của Việt Nam hiện đang dùng băng tần này để cung cấp dịch vụ viễn thông vệ tinh cho cả khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với việc cung cấp dịch vụ thông tin vệ tinh cho khu vực biên giới và hải đảo.

Vậy nên, theo ông Đoàn Quang Hoan, cần nghiên cứu làm sao để có thể sử dụng hài hoà băng tần này giữa 5G và thông tin vệ tinh. Đây là một việc hết sức khó, ông Đoàn Quang Hoan cho biết.

Hiện Việt Nam đang thử nghiệm và nghiên cứu cách phối hợp sử dụng băng tần này. Tuy vậy, ông Hoan cho rằng, để nghiên cứu khả năng phối hợp và chia sẻ giữa dịch vụ mặt đất và dịch vụ thông tin vệ tinh, đòi hỏi phải có sự tham gia trực tiếp của người đang sử dụng băng tần này cho dịch vụ vệ tinh, đó là VNPT.

Phổ tần 5G trên thế giới và ASEAN

Tại hội thảo, các chuyên gia về tần số đã chia sẻ nhiều thông tin về tần số được sử dụng cho 5G trên thế giới và ASEAN.

Toàn cảnh Hội thảo

Ông Peng Zhao, Giám đốc cấp cao của GSMA phụ trách phổ tần đã thông tin tình hình 5G trên thế giới. Theo đó, khu vực châu Âu sẽ đạt tới 214 triệu kết nối 5G vào năm 2025, chỉ hơn 30% tổng số kết nối. Đến năm 2025, vùng phủ sóng 5G dự kiến sẽ đạt gần 3/4 dân số.

Khu vực Trung Đông và Bắc Phi dự kiến triển khai các dịch vụ 5G, chiếm khoảng 30% dân số khu vực vào năm 2025. Đến năm 2025, các kết nối 5G (không bao gồm IoT) của khu vực này được dự báo vượt quá 50 triệu kết nối.

Khu vực Bắc Mỹ dự kiến sẽ có tốc độ chấp nhận các dịch vụ 5G nhanh chóng như đã từng với 4G. Khu vực này sẽ đạt 100 triệu kết nối 5G vào năm 2023, 4 năm sau khi ra mắt như với 4G. Việc triển khai 5G sẽ diễn ra nhanh hơn ở bất kỳ khu vực nào khác - khoảng một nửa kết nối 5G sẽ đạt được vào năm 2025

Khu vực châu Á sẽ dẫn đầu tăng trưởng kết nối 5G, với 617 triệu kết nối 5G vào năm 2025, hầu hết sẽ ở Trung Quốc. Việc ra mắt 5G vào năm 2020, Trung Quốc sẽ mở rộng nhanh chóng, dẫn đầu với 392 triệu kết nối vào năm 2025 (25%  trong tổng số kết nối không bao gồm kết nối máy tới máy - M2M). Nhật Bản và Hàn Quốc cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong khu vực, với lần lượt 88 triệu kết nối (45%) và 37 triệu kết nối (60%).

Sự sẵn sàng và hài hoà về phổ tần rất quan trọng để triển khai 5G thành công”, ông Peng zhao nhấn mạnh.

Ông Lê Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết trên thế giới đã có hơn 300 nhà mạng thử nghiệm 5G, phần lớn các nhà mạng sử dụng băng tần C để thử nghiệm (115 nhà mạng) và băng 26/28 GHz (91 nhà mạng thử nghiệm). 26 quốc gia đã cấp phép phổ tần 5G, phần lớn cấp phép trên băng C và băng 26/28GHz. 13 nhà mạng ở 7 quốc gia đã thương mại 5G, trong đó có 8 nhà mạng sử dụng băng tần 3,5 GHz và 5 nhà mạng sử dụng băng 28 GHz.

"Tần số trung bình có vai trò quan trọng trong giai đoạn đầu triển khai 5G", ông Tuấn cho hay.

Đến từ Plum Consulting, ông Yi Shen Chan cho biết tình hình sử dụng băng tần cho 5G ở các nước ASEAN. Tại Malaysia, nhóm đặc trách 5G quốc gia được thành lập vào năm 2018 hiện đang hướng tới việc xác định và phân bổ băng tần cần thiết cho sử dụng dịch vụ, và sẽ đề xuất lộ trình 5G dựa trên sự sẵn sàng của hệ sinh thái. Trong khi đó, Indonesia đang nỗ lực đáng kể để tối ưu hóa việc sử dụng băng tần 3,5 GHz cho 5G do đang sử dụng vệ tinh trên toàn quần đảo Indonesia. Indonesia đã thực hiện thử nghiệm 5G trong nhà và ngoài trời kể từ năm 2017. Lào đang chuẩn bị tiến lên với 5G và xem xét thời hạn để triển khai mạng 5G cũng như xác định nhu cầu của người dùng. Còn Myanmar đã dành băng 3,4 - 3,6 GHz cho sử dụng IMT/5G. Tại Phillipines, hai nhà mạng Smart and Globe Telecom mỗi nhà mạng có 60 MHz của băng tần 3,5 GHz và sử dụng nó để triển khai 5G. Global Telecom đã ra mắt 5G. Tại Singapore, băng tần 3,5 GHz hiện đang được sử dụng rộng rãi cho thông tin vệ tinh, nhưng Cơ quan phát triển Truyền thông Singapore (IMDA) có kế hoạch cung cấp băng tần này để triển khai 5G sớm nhất vào năm 2021. Thái Lan cũng đã sẵn sàng sử dụng băng 3,5 GHz cho 5G.

Lan Phương