Các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng
Diễn đàn - Ngày đăng : 09:39, 02/08/2019
Chiều 1/8/2019 đã diễn ra buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2019 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng. Cùng dự họp báo có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành liên quan.
Thông tin tại họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Ngày 1/8, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 7/2019.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi họp báo.
Hoạt động “đền ơn, đáp nghĩa” được tổ chức chu đáo
Trong tháng 7/2019, nhân dịp 72 năm ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các bộ, ban, ngành, địa phương; các tổ chức chính trị, xã hội,… đã chuẩn bị và tổ chức chu đáo nhiều hoạt động “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” rất trang trọng, nhằm tri ân, tôn vinh công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công và gia đình người có công với cách mạng trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Từ đó khơi dậy nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội để làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.
Cũng trong tháng 7, ngành giáo dục và đạo tạo cùng với các địa phương đã tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng năm nay đạt nhiều kết quả tốt hơn. Đội tuyển quốc gia Việt Nam dự kỳ các Olympic quốc tế đều đạt những thành tích khá xuất sắc như: Toán (Đoạt 2 Vàng, 4 Bạc), Vật lý (Đoạt 3 Vàng, 2 bạc), Hóa học (Đoạt 2 Vàng, 2 Bạc), Sinh học (Đoạt 1 Bạc, 3 Đồng).
Một tin vui khác về kinh tế là 4 ngân hàng lớn của Việt Nam đồng loạt hạ lãi suất từ sáng ngày 1/8. Thời gian tới các ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục điều chỉnh hạ lãi suất, điều đó sẽ góp phần giảm chi phí sản xuất, tạo điều kiện cho kinh doanh, giúp tăng trưởng tốt hơn.
Các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực triển vọng kinh tế Việt Nam
Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng cho biết, Phiên họp Chính phủ lần này tập trung bàn một số nội dung chính như tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2019, đồng thời tiến hành đánh giá những điểm được, chưa được để tiếp tục có giải pháp chỉ đạo trong thời gian tới.
Như chúng ta biết, 7 tháng qua, tình hình thế giới tiếp tục biến động khó lường. Tổ chức Tiền tệ quốc tế (IMF) tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2019 xuống 3,2% (thấp hơn 0,1% điểm so với dự báo tháng 4/2019). Thương mại toàn cầu 6 tháng đầu năm 2019 chỉ tăng trưởng dưới 1% (quý 1/2019 tăng 0,5%). Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành chế tạo toàn cầu giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2012 còn 49,4 điểm. Hầu hết các nước có tăng trưởng thấp, trong đó nhiều nước có tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua.
Đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành tham dự họp báo.
Các tổ chức quốc tế vẫn đánh giá tích cực tình hình, triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2019. IMF dự báo tăng trưởng của Việt Nam khoảng 6,5% năm 2019; WB dự báo tăng trưởng ở mức 6,6%; ADB lạc quan hơn với dự báo tăng trưởng 6,8%.
Chỉ số phát triển bền vững năm 2019 (SDG Index 2019) mới được Ban Thư ký Liên Hợp Quốc công bố, theo đó Việt Nam xếp hạng 54/162 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong khu vực ASEAN, Việt Nam xếp thứ 2 sau Thái Lan, năm 2018 đứng thứ 3).
Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII Index 2019) mới được Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới (WIPO) công bố, Việt Nam tiếp tục tăng 3 bậc, xếp hạng 42/129 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong khu vực ASEAN xếp thứ 3 sau Singapore, Malaysia); nhiều chỉ số thành phần tăng mạnh (như chỉ số nghiên cứu và phát triển tăng 14 bậc; chỉ số cơ sở hạ tầng chung tăng 12 bậc; chỉ số tác động kiến thức tăng 14 bậc; chỉ số sáng tạo trực tuyến tăng 10 bậc). Đây là những chỉ số quan trọng nhất là khi chúng ta đang tập trung thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Nikkei cũng vừa công bố Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn phần lĩnh vực sản xuất Việt Nam tăng nhẹ từ 52,5 điểm của tháng 6 lên 52,6 điểm trong tháng 7. So sánh với các nước ASEAN, Việt Nam tiếp tục đứng thứ 2 sau Myanmar (52,9 điểm), xếp trên Philippines (52,1 điểm), Thái Lan (50,3 điểm). Ước tính dựa vào PMI cho thấy sản lượng ngành sản xuất sẽ có thể tiếp tục đạt mức tăng trưởng 2 con số theo năm vào quý III/2019.
Kinh tế vĩ mô ổn định, cân đối lớn luôn luôn được bảo đảm
Cũng tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thông báo một số kết quả nổi bật về tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng. Theo đó, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn luôn luôn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2019 tăng 0,18% so với tháng trước, bình quân 7 tháng năm 2019 tăng 2,61% so với cùng kỳ, đây là mức tăng bình quân 7 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây.
Tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) tăng khá, cả ngân sách Trung ương và địa phương đều tăng (thu NSTW 6 tháng đạt 51,5% dự toán, cùng kỳ đạt 46,7%, mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây); chi NSNN đang được siết chặt, giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển và quản lý chặt bội chi NSNN.
Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 145 tỷ USD, tăng 7,5%; đặc biệt tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của khu vực trong nước 12,2%, cao hơn tốc độ tăng của khu vực FDI là 5,6%; tỷ trọng của khu vực trong nước có xu hướng tăng lên, chiếm 30,3% (cùng kỳ là 29%). Xuất siêu 1,8 tỷ USD.
Sản xuất nông nghiệp còn nhiều khó khăn, nhưng ngành nông nghiệp tiếp tục có những chuyển biến tốt về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến (đàn gia cầm tăng 7,9%; đàn bò tăng 2,6%; sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng 6,3%; sản lượng thủy sản khai thác 4,9%; xuất khẩu một số nông sản tiếp tục tăng khá).
Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng khá 9,4%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao 10,7%; ngành khai khoáng tăng nhẹ; sản xuất và phân phối điện bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng của người dân.
Khách quốc tế tháng 7/2019 đã tăng trở lại, đạt hơn 1,3 triệu lượt, tính chung 7 tháng đạt 9,8 triệu lượt, tăng 7,9%. Nhiều điểm du lịch trong nước được bình chọn là địa điểm du lịch hàng đầu châu Á và thế giới. Hà Nội là điểm ẩm thực hấp dẫn nhất thế giới, Cao Bằng vào TOP 50 điểm tham quan tốt nhất thế giới, Hội An là thành phố quyến rũ nhất thế giới năm 2019...
Vốn FDI thực hiện đạt 10,6 tỷ USD, tăng 7,1%. Tổng giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 8,52 tỷ USD, tăng 77,8%. Có 79.300 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới, tăng 4,6% về số DN và tăng 29,6% về vốn đăng ký. Có 24.300 DN quay trở lại hoạt động, tăng 29,9%.
Công tác an sinh xã hội, việc làm, giảm nghèo, y tế, giáo dục được chú trọng; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, đời sống người dân tiếp tục cải thiện (số hộ phát sinh thiếu đói giảm 31,7% so với cùng kỳ; hỗ trợ thiếu đói gần 3.900 tấn gạo). Việc vận động doanh nghiệp, người dân giảm sử dụng đồ nhựa một lần đang đạt kết quả tích cực.
Tại phiên họp, Tổ công tác của Thủ tướng đã có báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ giao các bộ ngành, địa phương và kết quả kiểm tra tháng 7 của Tổ công tác. Trong 7 tháng, có tổng số 8.243 nhiệm vụ, 3.404 nhiệm vụ đã hoàn thành, còn 4.541 nhiệm vụ trong hạn, 308 nhiệm vụ quá hạn (chiếm 3,7%, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước). Còn 12 bộ, cơ quan nợ 30/238 đề án trong chương trình công tác, chiếm 12,6%. Còn nợ đọng 15 văn bản quy định chi tiết các luật đã có hiệu lực; ngoài ra các cơ quan còn phải xây dựng 61 văn bản quy định chi tiết có hiệu lực từ năm 2020.
"Như vậy, trong tháng 7 và 7 tháng, tổng quan chung là chúng ta phát triển toàn diện trên tất cả các mặt, đặc biệt cả công tác đối ngoại vẫn được duy trì tốt. Trong khu vực mối quan hệ được xử lý khéo léo, không bị động, bất ngờ”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn những tồn tại, thách thức. Ngành nông nghiệp gặp khó khăn với nắng nóng, hạn hán, sạt lở Đồng bằng Sông Cửu Long, dịch tả lợn châu Phi, cháy rừng, giá nông sản. Nhiều công trình công nghiệp giao thông trọng điểm tiếp tục chậm tiến độ.
Sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nhất là một số DN nhỏ và vừa. Công tác cổ phần hóa và thoái vốn còn chậm (từ đầu năm đến nay, bán cổ phần thu về trên 562 tỷ đồng; thoái vốn thu về gần 4,6 nghìn tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với giai đoạn 2016-2018).
Phát sinh một số vấn đề về văn hóa, xã hội, an ninh trật tự mà chúng ta cần phải quan tâm nhiều hơn nữa, như dịch bệnh, các vấn đề môi trường, ma túy, đánh bạc, an toàn giao thông... Cải cách hành chính còn chậm, vẫn còn tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết, đòi hỏi các Bộ phải làm tốt hơn.
Thường xuyên theo dõi, đánh giá, phân tích tình hình kinh tế thế giới, các vấn đề trong nước để có đối sách phù hợp, kịp thời, hiệu quả
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng; nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát, tạo thêm dư địa cho điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, vận dụng các chính sách vĩ mô linh hoạt để ứng phó với diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực, đồng thời bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thường xuyên theo dõi, đánh giá, phân tích tình hình kinh tế thế giới, các vấn đề trong nước để có đối sách phù hợp, kịp thời, hiệu quả, không để bị động bất ngờ.
Tiếp tục tập trung kiểm soát, khống chế dịch tả lợn châu Phi. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì tổ chức các hội nghị, tập huấn và có hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh cơ cấu lại ngành chăn nuôi, đa dạng hóa vật nuôi, phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, thủy sản... để bù đắp khi thiếu hụt sản phẩm thịt lợn nhằm phục vụ tốt đời sống và người dân.
Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, không để xảy ra tình trạng cháy rừng trên diện rộng. Các bộ, ngành hữu quan khẩn trương rà soát, hoàn thiện quy chế chỉ đạo, điều hành và phối hợp trong phòng cháy, chữa cháy rừng; nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh bảo cháy rừng; xây dựng và triển khai phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, đảm bảo phù hợp, sát thực tiễn, hiệu quả…