Sản phẩm, dịch vụ ATTT Việt đã đáp ứng cả khách hàng khó tính
Diễn đàn - Ngày đăng : 15:23, 25/07/2019
Ông Vũ Quốc Khánh, Uỷ viên Ban chấp hành VNISA cho biết: Qua theo dõi và khảo sát của VNISA cũng như phản hồi của các DN có SPDV được vinh danh qua các Chương trình thì các SPDV ATTT đã nhận được sự quan tâm của khách hàng. Tỷ lệ thị trường đạt được tăng lên 20 - 25%. Có DN đã ký được nhiều hợp đồng sau 6 tháng SPDV được bình chọn. Điều đó cho thấy sự khả quan của quảng bá SPDV ATTT.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty An ninh mạng Viettel cho biết tỷ lệ thị trường chấp nhận SPDV ATTT Việt thực tế còn có thể cao hơn. Hiện tại, các Bộ, tỉnh/thành rất quan tâm đến sản phẩm ATTT Việt. Khi Viettel tiếp xúc với một số tỉnh đã đã sử dụng sản phẩm ATTT của Viettel, mở ra thị trường lớn cho các sản phẩm ATTT trong nước.
Ngoài ra, ông Tuấn cho biết những khách hàng khó tính trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính năm nay rất quan tâm đến các sản phẩm ATTT trong nước mà trước đây thường mua của nước ngoài.
“Chỉ cần năm nay và sang năm, chương trình bình chọn tiếp tục nâng chất lượng thì đây là tham chiếu tốt cho các khách hàng. Kết quả bình chọn sẽ có tác động lớn đối với người cung cấp và mua sản phẩm”, ông Tuấn cho hay.
11 đơn vị với 19 SPDV ATTT chất lượng cao, tiêu biểu năm 2018
Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Đạt, Công ty Công nghệ An ninh không gian mạng Việt Nam (VNCS) cho biết: Danh hiệu của Chương trình bình chọn năm ngoái đã giúp VNCS cải thiện chất lượng và nhận được hỗ trợ giới thiệu SPDV đến khách hàng.
Qua chương trình bình chọn, VNCS có thêm các khách hàng, giúp quảng bá sản phẩm trong nước và một số sản phẩm được quảng bá ra nước ngoài.
Ông Hoàng Minh Tiến, Phó Cục trưởng Cục ATTT – Bộ TTTT cho biết kết quả bình chọn SPDV ATTT năm nay sẽ được sử dụng là kênh tham chiếu, tham khảo để Cục ATTT tham mưu cho lãnh đạo Bộ TTTT ban hành danh mục các sản phẩm được khuyến nghị dùng trong các hệ thống thông tin quan trọng của Đảng và Nhà nước.
Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm của Bộ TTTT mới đây, ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục ATTT cho biết: Cục ATTT xác định cần phải phát triển một hệ sinh thái thị trường SPDV ATTT lành mạnh, trong đó có những doanh nghiệp (DN) lớn và đặc biệt các DN nhỏ cung cấp các SPDV sáng tạo để năm 2019 - 2020 phấn đấu có 100 DN an ninh mạng mạnh được cấp phép, khoảng 50 SPDV được sử dụng rộng rãi. Lực lượng chuyên gia ATTT đạt khoảng 1000 người, trong đó quy mô thị trường trong nước đạt tới 500 triệu đến 1 tỷ USD và cả thị trường nước ngoài sẽ đạt 2 tỷ USD.
Bên cạnh giám sát, phòng chống tấn công mạng về mặt kỹ thuật, ông Dũng lưu ý các Sở, địa phương cần chú ý khi gần đây có hình thức tấn công về mặt thông tin, tức là thông tin tiêu cực được các đối tượng tổ chức thành các cuộc chiến tranh thông tin để nhằm định hướng, kích động dư luận.
“Chúng ta có công cụ, giám sát thường xuyên xu hướng thông tin nóng, đặc biệt thông tin nóng về tình hình trên địa bàn của địa phương mình rất là cần thiết cùng với việc giám sát kỹ thuật”.
Theo đó, ông Dũng mong muốn hình thành các trung tâm điều hành an ninh mạng (SOC) có thể địa phương đầu tư hoặc thuê dịch vụ của các DN nhưng khuyến khích thuê dịch vụ của DN.
Các SOC địa phương được hình thành và chia sẻ thông tin liên tục trực tiếp về Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia – Cục ATTT. Qua đó, hình thành một hệ thống kỹ thuật, đội ngũ chuyên trách xuyên suốt từ trung ương xuống địa phương, đặc biệt có sự tham gia, gắn kết đội ngũ chuyên gia của các DN cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet và DN cung cấp dịch vụ ATTT. Từ đó, khi triển khai nhiệm vụ bảo đảm ATTT mạng thì đồng thời thị trường này cũng được mở rộng và năng lực của DN trong lĩnh vực này không ngừng được nâng cao.
“Việc này nhằm tăng cường hơn nữa tính linh hoạt, tính chủ động, sẵn sàng ứng phó với các cuộc tấn công mạng của mỗi cơ quan, tổ chức và quốc gia nói chung”, ông Dũng nhấn mạnh.