Phát triển vệ tinh để Việt Nam cung cấp Internet siêu băng rộng
Đời sống xã hội - Ngày đăng : 15:08, 28/06/2019
Ngày 28/6/2019, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Liên minh Vệ tinh toàn cầu (GSC) tổ chức Hội thảo quốc tế về thông tin vệ tinh với chủ đề “Những tiến bộ trong công nghệ vệ tinh”. Cục Tần số Vô tuyến điện (VTĐ) là đơn vị chủ trì Hội thảo.
Đại biểu tham dự Hội thảo là những chuyên gia hàng đầu thế giới về thông tin vệ tinh đến từ Liên minh Vệ tinh toàn cầu - GSC; cơ quan quản lý các nước Campuchia, Lào, Myamar và các doanh nghiệp vệ tinh hàng đầu thế giới như Inmarsat, Intelsat, SES, OneWeb, Viasat, Thaicom, Asiasat cùng đại diện nhiều cơ quan, đơn vị trong nước.
Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Hồng Hải phát biểu
Tham dự và phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Hồng Hải cho biết thế giới ngày nay đã thực sự đi vào kỷ nguyên Internet băng rộng, siêu băng rộng.
Cho đến thời điểm này, các giải pháp cung cấp băng rộng chủ yếu dựa trên cáp quang, di động đặc biệt là mạng di động 4G và sắp tới là 5G. Các dự báo cho thấy, trong những năm tới nhu cầu tiêu dùng dữ liệu tiếp tục tăng mạnh. Trong 6 năm tới, nhu cầu sử dụng dữ liệu di động tăng tới 5 lần.
Những năm gần đây đang có xu hướng phát triển các chùm vệ tinh địa tĩnh và chùm vệ tinh phi địa tĩnh cung cấp Internet băng rộng toàn cầu như các chùm vệ tinh của Oneweb, SES, Boeing… với số lượng vệ tinh lên tới con số chục ngàn. Các hệ thống này được kỳ vọng sẽ cung cấp Internet băng rộng giá rẻ.
Thứ trưởng nhận định với lợi thế vùng phủ toàn cầu, nếu thành công, các hệ thống vệ tinh này sẽ làm thay đổi môi trường cạnh tranh trong lĩnh vực viễn thông, thậm chí có thể làm thay đổi trật tự truyền thống trong lĩnh vực viễn thông.
Thứ trưởng khẳng định: “Hệ thống chùm vệ tinh mới, với những công nghệ mới có thể thành công trong kỷ nguyên Internet, có thể cung cấp dịch vụ Internet toàn cầu với giá thành rẻ, cạnh tranh”.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cho biết sự xuất hiện của các hệ thống này cũng đặt ra các câu hỏi cho công tác quản lý: việc cấp phép, cung cấp dịch vụ tại mỗi quốc gia, vấn đề sử dụng tài nguyên tần số, vấn đề đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng như thế nào cũng cần được đặt ra và xem xét.
Toàn cảnh Hội thảo
Trong những năm gần đây, thế giới chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của chùm vệ tinh địa tĩnh băng tần Ka và chùm vệ tinh phi địa tĩnh cung cấp Internet băng rộng toàn cầu, như các hệ thống GX của Inmarsat, EpicNG của Intelsat, Viasat 3 của Viasat, Starlink của SpaceX, chùm vệ tinh của Oneweb, SES, Boeing.
Điển hình là SpaceX công bố kế hoạch triển khai chùm 12.000 quả vệ tinh và đã phóng thử nghiệm hơn 60 quả; OneWeb có kế hoạch triển khai 720 quả vệ tinh và đã phóng thử nghiệm 6 quả vệ tinh.
Các hệ thống này được xây dựng với mục đích cung cấp dịch vụ viễn thông giá rẻ cho hàng tỷ người dân ở các khu vực chưa có cơ hội tiếp cận Internet băng rộng. Trước đây, việc cung cấp dịch vụ Internet qua vệ tinh thông thường vẫn là lựa chọn cuối cùng cho khách hàng ở những khu vực không thể triển khai được các kết nối hữu tuyến hoặc di động (do các vấn đề về chi phí, tốc độ đường truyền và thiết bị đầu cuối). Nhưng hiện nay, các doanh nghiệp đang tận dụng những thành tựu trong công nghệ vệ tinh để thay đổi điều này.
Theo dự báo của Viện Nghiên cứu quốc phòng Mỹ (IDA), trong vòng 10 năm tới, các tiến bộ trong công nghệ vệ tinh hiện nay sẽ được thương mại hóa và thế giới sẽ hình thành ít nhất một chùm gồm nhiều vệ tinh cung cấp dịch vụ Internet trên toàn cầu.
Phát triển vệ tinh đáp ứng hệ sinh thái ICT tại Việt Nam
Đại diện của Cục Tần số VTĐ, ông Nguyễn Huy Cương cho biết tính đến hết năm 2018, Việt Nam hiện có 5 vệ tinh đang hoạt động là VINASAT-1 và VINASAT-2, VNREDSat-1, F-1, PicoDragon. Trong số này, VINASAT-1 và VINASAT-2 là các vệ tinh truyền thông thông tin, trong khi các vệ tinh khác có nhiệm vụ khảo sát mặt đất và khoa học.
Ông Nguyễn Huy Cương, Cục Tần số VTĐ
Đầu năm nay, Việt Nam đã phóng thành công vệ tinh thứ 6 là MicroDragon. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2022, Việt Nam sẽ phóng thêm 3 vệ tinh nữa là NanoDragon, LOTUSat-1 và LOTUSat-2. Trong đó, LOTUSat-1 và LOTUSat-2 là các vệ tinh radar đầu tiên của Việt Nam với sự hợp tác của các chuyên gia tới từ Nhật Bản.
Các chùm vệ tinh là một cơ hội lớn, tuy nhiên cũng mang tới nhiều thách thức cho Việt Nam. Theo ông Nguyễn Huy Cương, một trong những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý đối với các vệ tinh là giấy phép dịch vụ cũng như việc tiếp cận một cách công bằng giữa các hệ thống thông tin di động mặt đất và vệ tinh trong sử dụng tài nguyên tần số.
“Các nhà khai thác viễn thông đã trả rất nhiều tiền để có được giấy phép sử dụng tần số. Tuy nhiên, các nhà khai thác vệ tinh thì lại không trả tiền cho việc sử dụng nguồn tài nguyên này”, ông Cương cho hay.
Vấn đề thứ hai là làm sao để đảm bảo được sự an toàn thông tin. Bên cạnh đó, việc phối hợp tần số và tính toán can nhiễu giữa các hệ thống phi địa tĩnh và địa tĩnh cũng là một vấn đề phức tạp mà Việt Nam đang tìm cách giải quyết. Đây là các vấn đề cần phải tìm ra câu trả lời bởi hàng ngàn vệ tinh sẽ được các công ty công nghệ phóng lên chỉ trong một vài năm tới.
Một số vấn đề quản lý nhà nước được đại diện Cục Tần số VTĐ cho biết là giấy phép dịch vụ, đảm bảo an toàn thông tin giúp người dùng kết nối với vệ tinh nhưng phải kiểm soát được ATTT. Việc điều phối chùm vệ tinh khá phức tạp do sự xuyên nhiễu mà hiện chưa có hướng dẫn của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) nên cần chuẩn bị cho nhân lực vì trong tương lai hàng ngàn vệ tinh địa tĩnh sẽ được phóng lên không gian.
Ông Cương cũng khẳng định: “Công nghệ vệ tinh đang đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong xã hội Việt Nam. Các chùm vệ tinh là cơ hội lớn và thách thức. Nếu làm việc cùng nhau thì sẽ đạt thành công để cung cấp Interrnet băng rộng cho tới mọi ngõ ngách trên hành tinh này”.
Ông Bashir Patel, Cố vấn cao cấp khu vực của GSC, cho biết: Nền kinh tế không gian toàn cầu chiếm 339,1 tỷ USD, trong đó các dịch vụ vệ tinh chiếm 127,1 tỷ , thiết bị mặt đất chiếm 113,4 tỷ USD.
Ông Bashir Patel, Cố vấn cao cấp khu vực của GSC
Thế giới đang mở rộng các lợi ích của sự phát triển sáng tạo và công nghệ cho xã hội, do đó các khoảng cách số, giáo dục, y tế, xã hội… giữa các vùng địa lý, các nền kinh tế sẽ được thu hẹp nhờ các giải pháp vệ tinh. Khoảng cách số sẽ tồi tệ hơn với 5G nếu không có vệ tinh.
Mọi người tư duy là công nghệ di động có thể giải quyết tất cả các vấn đề nhưng hệ sinh thái cần tất cả các công nghệ. Chúng ta cần có cái nhìn rộng kết hợp các công nghệ để đưa ra giải pháp hiệu quả, và hệ sinh thái độc đáo sử dụng các công nghệ di động, cáp quang, vệ tinh để phục vụ những người khác nhau, độ trễ và mức độ sử dụng khác nhau và giải quyết các vấn đề khác nhau.
Có những quốc gia có tới 60% - 70% dân số sống ở nông thôn, sống bằng nông nghiệp và cần vệ tinh quan trắc để phát triển nông nghiệp, nâng cao năng suất lao động.
Ông khẳng định: “Vệ tinh là một cấu phần quan trọng của toàn bộ hệ sinh thái ICT bên cạnh cáp quang, di động”.
Ông Bashir Patel cũng cho biết công nghệ vệ tinh đã đạt được nhiều tiến bộ. Hiện nay các vệ tinh đã nhẹ hơn, mang nhiều tải, bộ nhớ rẻ hơn, bộ xử lý nhanh hơn, có động cơ điện… giúp điều chỉnh búp sóng, có độ phủ rộng hơn.
Các tiến bộ trong công nghệ vệ tinh
Vệ tinh là phần quan trọng của hệ sinh thái 5G
Nói về vai trò của vệ tinh đối với 5G, ông Peter Girvan, Phó Chủ tịch GSC phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết khả năng của vệ tinh để mở rộng các mạng lưới là cần thiết cho một xã hội số bao trùm để đảm bảo rằng các lợi ích của 5G (hoặc thậm chí 4G) được cung cấp ở mọi nơi.
Mặt khác, 5G và 4G sẽ chỉ cung cấp băng thông rộng hơn cho những người đã được phủ sóng di động. Vệ tinh ngày nay đã mở rộng mạng thế hệ tiếp theo đến những nơi mà các công nghệ khác không thể tiếp cận - khả năng di động 2G/3G/4G được hỗ trợ bởi vệ tinh đến tận người dùng cuối, Wi-Fi nông thôn, cho băng rộng hàng không và hàng hải.
Các hệ thống vệ tinh thông lượng cao (HTS) mới - cả địa tĩnh và phi địa tĩnh - đang mang lại tốc độ truyền tải dữ liệu cao hơn, chi phí mỗi bit và độ trễ thấp hơn (khi cần) cung cấp mạng 4G và các mạng 5G /Wi-Gig (chuẩn kết nối không dây tốc độ siêu cao) nhờ sự hỗ trợ của vệ tinh trong tương lai.
Vệ tinh cũng hỗ trợ nhiều mạng IoT hiện nay (ví dụ: theo dõi tài sản toàn cầu và hệ thống điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu SCADA) và có thể mở rộng để đáp ứng các yêu cầu IoT mở rộng trong tương lai, ví dụ: kết nối xe hơi, máy bay và tàu biển.