Du lịch trực tuyến xu hướng tất yếu trong tương lai

Diễn đàn - Ngày đăng : 19:06, 27/06/2019

“Xu hướng tất yếu của du lịch trực tuyến” là chủ đề của Ngày Du lịch trực tuyến 2019.

Ngày Du lịch trực tuyến 2019 do Hiệp hội Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam (VECOM) và Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) đồng tổ chức trong 1 ngày 26/6/2019.

Theo báo cáo e-Conomy SEA 2018 của Google và Temasek, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam năm 2018 là 9 tỷ USD.

Báo cáo cũng dự báo tốc độ tăng trưởng kép trung bình năm (Compound Average Growth Rate – CAGR) của giai đoạn 2015 - 2018 là 25% và thị trường đạt 33 tỷ USD vào năm 2025. Nếu kịch bản này xảy ra, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam năm 2025 đứng thứ 3 Đông Nam Á, sau Indonesia (100 tỷ USD) và Thái Lan (43 tỷ USD).

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam phát biểu.

Từ năm 2015, Hiệp hội TMĐT Việt Nam đánh giá từ năm 2016 TMĐT bước sang giai đoạn mới với nét nổi bật là tốc độ phát triển nhanh và ổn định. Ước tính tốc độ tăng trưởng của TMĐT năm 2018 so với năm 2017 đạt trên 30% . Với điểm xuất phát thấp khoảng 4 tỷ USD vào năm 2015 nhưng nhờ tốc độ tăng trưởng trung bình trong 3 năm liên tiếp cao nên quy mô thị trường TMĐT năm 2018 lên tới 7,8 tỷ USD. Thị trường này bao gồm bán lẻ trực tuyến và du lịch trực tuyến, tiếp thị trực tuyến, giải trí trực tuyến và mua bán trực tuyến và các sản phẩm số hóa khác.

Báo cáo khẳng địnhnếu tốc độ phát triển năm 2019 và 2020 tiếp tục ở mức độ 30% tới năm 2020. Theo mục tiêu này, quy mô TMĐT bán lẻ (B2C) đạt 10 tỷ USD vào năm 2020 .

Theo đánh giá của ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam về thị trường du lịch trực tuyến ở Việt Nam và khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có tỷ lệ các hộ gia đình tiếp cận du lịch trực tuyến cao nhất là Nhật Bản 93%, Việt Nam đạt 66% và thấp nhất Ấn Độ là 34%. Việc lập kế hoạch đi du lịch và đặt phòng trực tuyến đã phổ biến với 80% các tour du lịch được tổ chức sử dụng các hoạt động trực tuyến, 30% những người sử dụng Internet thường xuyên truy cập các trang web du lịch. Trong khi đó, khách dụ lịch đặt tour truyền thống giảm mạnh, từ 82% năm 2015 xuống còn 47% năm 2017.

Ông cũng nhấn mạnh: “Để phát triển du lịch trực tuyến tại Việt Nam thì việc phát triển nền tảng kỹ thuật số là trọng tâm, như nền tảng kỹ thuật số về điểm đến, cung cấp nhiều và nhanh thông tin, cung cấp các dịch vụ đa dạng. Sự hấp dẫn làm tăng sự thu hút khách là cơ hội tăng trưởng du lịch trực tuyến rất lớn, tăng GDP và việc làm cho lao động trong nước”.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam

Từ thực tiễn ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh, ông Nguyễn Bình Long, công ty Du lịch Vietravel cho biết: Vietravel đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trong du lịch, xác định mục tiêu phát triển du lịch trực tuyến là xu hướng tất yếu.

Vietravel phấn đấu năm 2019 ước tính phục vụ 930.000 lượt khách lượng khách chủ yếu là khách hàng giao dịch qua dịch vụ trực tuyến, đạt tốp 30 châu Á. Vietravel có 13 văn phòng đại diện ở nước ngoài, phấn đấu đến năm 2022 sẽ đạt tốp 20 châu Á đến năm 2025 đạt tốp 10 châu Á.

Ông Nguyễn Bình Long

Chủ tịch Gotadi, ông Ngô Minh Đức chia sẻ bài học kinh nghiệm của Gotadi trong sự dịch chuyển tất yếu từ ngoại tuyến (offline) lên trực tuyến (online). Đứng trước bối cảnh hiện nay Gotadi tập trung đầu tư vào CNTT, sử dụng các sản phẩm công nghệ để giảm thiểu nhân lực lao động.

Gotadi đã đưa công nghệ OTA (công ty/đại lý du lịch trực tuyến) đầu tiên tại Việt Nam có kết nối giao diện lập trình ứng dụng API trực tiếp đến các hãng hàng không Vietjet Air, Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và Bamboo Airways.

Hiện nay, các công việc tìm kiếm, đặt chỗ, thanh toán đến xuất vé đã được tự động hóa và tính năng auto-scale (có thể thêm hoặc loại bỏ tài nguyên tính toán tùy thuộc vào cách sử dụng thực tế) của công nghệ điện toán đám mây đã giúp công ty tiếp cận đến thị trường rộng lớn. Các dịch vụ đã tiếp cận với khách hàng trên tất cả các kênh web, chat, thoại (voice), mạng xã hội…

Ông cũng dự báo trong những năm tới Việt Nam có nhiều thuận lợi do số người sử dụng Internet ngày càng tăng từ người trẻ tuổi đến người trung tuổi. Cùng với đó là các thuận lợi do cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, đặc biệt mạng 5G được triển khai sẽ làm tăng sự kết nối Internet và giao dịch TMĐT.

Ông Ngô Minh Đức

Ông Đức cũng nhấn mạnh ở Việt Nam hiện nay, nguồn nhân lực trong nước phải bắt kịp xu hướng sử dụng công nghệ. Nền tảng công nghệ  trong nước phải nâng cao chất lượng các sản phẩm công nghệ để tạo ra những sản phẩm công nghệ thông tin của người Việt, không phải sao chép, gia công từ các sản phẩm công nghệ nước ngoài, đáp ứng được nhu cầu sử dụng công nghệ trực tuyến trong nước.

Toàn cảnh Hội nghị

Sự kiện là cơ hội hữu ích để các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trực tuyến gặp gỡ các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác thúc đẩy hợp tác kinh doanh để thích ứng kịp thời với sự bùng nổ của du lịch trực tuyến như hiện nay.

Đoàn Hòa