38% người dùng từ bỏ mạng xã hội để bảo vệ quyền riêng tư khi trực tuyến
Xu hướng - Dự báo - Ngày đăng : 14:50, 24/06/2019
Báo cáo gần đây của Kaspersky “Người dùng có tự “bán khống” quyền riêng tư của họ khi trực tuyến?” (The true value of digital privacy: are consumers selling themselves short?), 38% người dùng cho biết sẽ từ bỏ mạng xã hội để bảo vệ quyền riêng tư của họ trên internet.
Báo cáo đã chỉ ra vì sao thông tin cá nhân dần trở nên vô cùng quý giá đối với người dùng, nhất là trong thời đại Internet đang bùng nổ như hiện nay.
Theo báo cáo của Kaspersky, các mạng xã hội, như Facebook, Instagram hay Twitter, đang cực kỳ phổ biến trong cuộc sống của chúng ta, với số người dùng mạng xã hội chiếm đến 82%.
Để lấy dữ liệu từ người dùng, các nền tảng truyền thông xã hội mang đến cho họ nhiều cơ hội thể hiện bản thân, giao tiếp với bạn bè và gia đình, cũng như tìm hiểu tin tức, khám phá ý tưởng và xu hướng mới mà không cần ra khỏi nhà.
Mặc dù được hưởng nhiều lợi ích như vậy, một số người dùng vẫn muốn từ bỏ mạng xã hội nếu việc này giúp họ bảo vệ quyền riêng tư khi trực tuyến. Điều đó có nghĩa là 12% người dùng sẽ không thể tiếp tục tham gia những trò chơi giải trí như “bạn trông giống người nổi tiếng nào?” hoặc “bữa ăn yêu thích của bạn là gì?”, vì họ phải cung cấp thông tin cá nhân nếu muốn biết câu trả lời.
Ngoài ra, 58% người dùng cũng sẽ không thể đăng nhập hay xác minh tài khoản website muốn truy cập một cách nhanh chóng và tiện lợi chỉ với thao tác sử dụng thông tin đăng nhập mạng xã hội mình đang có.
Đáng chú ý, mặc dù số người sử dụng điện thoại di động tăng 2% so với năm 2018, 19% người dùng sẵn sàng “chào tạm biệt” với thiết bị cầm tay để dữ liệu riêng tư của họ được bảo mật.
Mạng xã hội ngày nay đang ở giai đoạn mà chất lượng trải nghiệm của người dùng tỉ lệ thuận với lượng thông tin cá nhân được chia sẻ - dù đó là thông tin về tài chính, địa điểm, thói quen mua sắm, sở thích ăn uống, hay tình trạng mối quan hệ. Do đó, trong tương lai, có lẽ cảm giác hụt hẫng khi sự riêng tư mãi mãi biến mất sẽ không còn xa lạ đối với người dùng.
Tuy nhiên, giải pháp “biến mất” hoàn toàn trên mạng xã hội vẫn chưa đủ để bảo vệ quyền riêng tư khi trực tuyến, vì việc này là cả một quá trình, chứ không thể được giải quyết chỉ sau thời gian ngắn.
Bà Marina Titova - Trưởng phòng tiếp thị sản phẩm tiêu dùng của Kaspersky cho biết: “Nhiều năm về trước, mọi người chia sẻ thông tin cá nhân lên những phương tiện truyền thông xã hội để trải nghiệm nhiều lợi ích khác nhau mà không hề nghĩ đến những mối đe dọa tiềm ẩn và hậu quả của việc này. Với số vụ rò rỉ dữ liệu ngày càng tăng nhanh trên thế giới, chúng ta đang chứng kiến một xu hướng mới của người tiêu dùng. Nhiều người dùng không muốn những thông tin cá nhân được tiết lộ, và họ đang cẩn trọng hơn khi chia sẻ thông tin của họ trên mạng xã hội”.
Tuy nhiên, bà Marina Titova cũng cho biết phần lớn người dùng vẫn chưa biết cách bảo vệ quyền riêng tư của họ khi online và chọn cách từ bỏ mạng xã hội để đảm bảo thông tin được bảo mật. Giữ an toàn thông tin cá nhân - bằng cách thường xuyên cập nhật mật khẩu tài khoản mạng xã hội và sử dụng các giải pháp bảo mật - sẽ giúp người tiêu dùng an tâm hơn khi bảo mật dữ liệu trực tuyến.”
Để giữ an toàn cho quyền riêng tư khi trực tuyến, Kaspersky khuyên người dùng nên: thường xuyên kiểm tra cài đặt thiết bị và chọn mật khẩu mạnh cho các tài khoản đang sử dụng; Không mở hoặc lưu trữ các tệp lạ, vì chúng có thể chứa mã độc; Không bị đánh lừa bởi những người hứa hẹn đổi vật phẩm có giá trị để lấy dữ liệu cá nhân. Không nên chia sẻ quá nhiều về bản thân với những người chưa tin tưởng và không sử dụng cùng một mật khẩu cho nhiều trang web hoặc dịch vụ
Người dùng cũng có thể xem xét sử dụng những giải pháp bảo mật đáng tin cậy, như Kaspersky Security Cloud, Kaspersky Secure Connection và Kaspersky Password Manager, để giảm thiểu rủi ro vi phạm quyền riêng tư.