Bản đồ khởi nghiệp fintech tại Việt Nam

Diễn đàn - Ngày đăng : 15:38, 22/06/2019

Với tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng về số lượng, lượng truy cập Internet ngày càng tăng và dân số gần 100 triệu người, hầu hết là những người trẻ và am hiểu công nghệ, Việt Nam có tất cả các đặc điểm cần thiết để trở thành một thị trường fintech lớn.

New Vietnam Fintech Startup Map Showcases Vietnam’s Growing Fintech Landscape

Trong những năm qua, hệ sinh thái khởi nghiệp fintech của Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể và nước ta hiện là nhà của khoảng 120 công ty và thương hiệu, bao gồm nhiều dịch vụ: từ thanh toán kỹ thuật số và tài chính thay thế, đến quản lý tài sản và blockchain.

Với 35 công ty khởi nghiệp và nền tảng, thanh toán là phân khúc fintech đông đảo nhất. Các công ty và thương hiệu đáng chú ý trong phân khúc này bao gồm M_Service - nhà phát triển ứng dụng thanh toán di động MoMo và là một trong những công ty khởi nghiệp fintech nhận được nhiều tài trợ nhất tại Việt Nam, Moca - một ứng dụng thanh toán di động miễn phí cho người tiêu dùng Việt Nam, GrabPay - ví di động được tích hợp vào ứng dụng của Grab tại Việt Nam và ZION, công ty đứng sau Zalo Pay, dịch vụ tích hợp với nền tảng nhắn tin phổ biến của Việt Nam Zalo, cho phép người dùng liên kết thẻ thanh toán để thanh toán P2P, thanh toán qua NFC, mã QR, cũng như mua sản phẩm và dịch vụ trực tuyến, nạp tiền di động, và thanh toán hóa đơn tiện ích của mình.

Cho vay ngang hàng (peer to peer lending) là phân khúc fintech lớn thứ hai tại Việt Nam với hơn 20 công ty khởi nghiệp. Những doanh nghiệp và giải pháp trong khu vực bao gồm Tima - thị trường tài chính tiêu dùng và nền tảng cho vay P2P, Growth Wealth - nền tảng cho vay P2P dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) tại Việt Nam, cũng như TrustCircle và Vay Muon.

Blockchain và tiền điện tử là một lĩnh vực khác đã chứng kiến sự phát triển đáng kể trong những năm qua. Kể từ khi Bitcoin Việt Nam - thị trường trao đổi môi giới bitcoin đầu tiên tại Việt Nam ra mắt vào năm 2014, nhiều công ty đã nhập cuộc một cách nhanh chóng, tham gia vào thị trường blockchain và tiền điện tử. Một trong số các doanh nghiệp đó là TomoChain - một blockchain công khai hứa hẹn thực hiện các giao dịch nhanh hơn và rẻ hơn, được thiết kế để hỗ trợ các ứng dụng phi tập trung và Kyber Network - một giao thức thanh khoản trên chuỗi tổng hợp thanh khoản từ một loạt dự trữ, cho phép trao đổi mã thông báo tức thời và an toàn trong các ứng dụng phi tập trung.

Các phân khúc khác có mặt tại thị trường Việt Nam bao gồm các nền tảng so sánh, với những doanh nghiệp như TheBank và ebaohiem; insurtech, với những người doanh nghiệp như Papaya, Inso và Wicare, cũng như các nhà cung cấp hệ thống điểm bán hàng (POS) như bePOS, nền tảng quản lý tài sản như Finsify, các nền tảng ngân hàng kỹ thuật số như Timo và các công ty khởi nghiệp chấm điểm tín dụng như TrustingSocial.

Insurtech là sự kết hợp của “Insurance” (bảo hiểm) và “Technology” (công nghệ), được lấy cảm hứng từ thuật ngữ fintech (Finance Technology: công nghệ tài chính). Insurtech đề cập đến việc sử dụng các sáng tạo công nghệ để tận dụng các khoản tiết kiệm và hiệu quả từ mô hình ngành bảo hiểm hiện tại.

Tạo điều kiện phát triển ngành fintech

Ngành công nghiệp thanh toán phát triển nhanh chóng của Việt Nam song hành với sự bùng nổ của thanh toán không dùng tiền mặt, đã tăng hơn gấp đôi giá trị trong ba quý đầu năm 2018. Đặc biệt, theo số liệu của Ngân hàng nhà nước Việt Nam, các giao dịch trên ứng dụng di động và ví điện tử đều có mức tăng trưởng ấn tượng lần lượt là 126% và 161%.

Một báo cáo được công bố vào cuối năm 2018 bởi Allied Market Research ước tính rằng: thị trường thanh toán di động Việt Nam có thể đạt giá trị lên tới 70.937 triệu đô la Mỹ vào năm 2025, tốc độ tăng trưởng lũy kế hàng năm đạt tỷ lệ 18,2% từ năm 2018 đến năm 2025.

Các yếu tố chính đóng góp vào sự tăng trưởng của thị trường bao gồm: sự thay đổi thị hiếu của khách hàng từ tiền mặt sang thanh toán kỹ thuật số, nhu cầu giao dịch ngay lập tức tại Việt Nam, lượng truy cập internet và điện thoại thông minh ngày càng tăng và sự phát triển của ngành thương mại điện tử.

Sự tăng trưởng này cũng tương quan với tham vọng của chính phủ về việc phát triển các khoản thanh toán không dùng tiền mặt.

Vào tháng 1/2017, một quyết định chính sách đã được phê duyệt với mục tiêu giảm tỷ lệ giao dịch tiền mặt xuống 10% và có ít nhất 70% dân số có tài khoản ngân hàng vào năm 2020. Quyết định này được thực hiện chỉ một vài tháng sau khi Ngân hàng nhà nước Việt Nam thành lập Ban chỉ đạo Fintech, nhằm mục đích tư vấn cho Chính phủ để phát triển hệ sinh thái.

Nhìn về tương lai, các nhà quan sát và chuyên gia trong ngành đang tư vấn cho việc xây dựng một hộp cát điều tiết (regulatory sandbox), cho phép các công ty tài chính và các công ty fintech thử nghiệm các sản phẩm sáng tạo.

Theo ông Nguyễn Thành Bình, quyền trưởng khoa kinh tế tài chính của Đại học RMIT, cho biết trong một cuộc hội thảo: “Khung pháp lý hiện có ở Việt Nam hiện chưa rõ ràng và chưa bao gồm sự phát triển và thâm nhập của các sản phẩm công nghệ mới. Một hộp cát điều tiết sẽ giúp các công ty fintech và các công ty khởi nghiệp Việt Nam đẩy nhanh sự phát triển của họ”.

Ông Nguyễn Thế Hiển, giám đốc bán hàng tại công ty viễn thông VHT có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh, đồng ý với nhận đinh trên. Ông cũng bổ sung thêm rằng một hộp cát điều tiết cũng sẽ cho phép chính phủ theo kịp các công nghệ mới nổi và cải thiện sự giám sát của Chính phủ đối với các ngành công nghệ.

Ông Hiển trả lời phỏng vấn với Vietnam News: “Khi công nghệ thay đổi nhanh chóng, hộp cát điều tiết sẽ giúp các công ty công nghệ địa phương hoạt động một cách dễ dàng hơn và Chính phủ có thể cải thiện sự kiểm soát đối với các công nghệ mới. Bất kỳ công ty công nghệ nào không có khả năng sản xuất và thử nghiệm công nghệ của riêng mình sẽ bị xóa khỏi hộp cát, do đó, nó sẽ cải thiện sự giám sát của Chính phủ đối với ngành công nghệ Việt Nam”.

Trương Khánh Hợp, Nguyễn Tất Hưng