Sự trỗi dậy của ứng dụng TMĐT di động ở Đông Nam Á

Diễn đàn - Ngày đăng : 16:40, 03/06/2019

Theo một nghiên cứu của iPrice Group, các ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) Shopee và Lazada chiếm ưu thế ở Đông Nam Á, nhưng các ứng dụng TMĐT nội địa như Tokopedia, Tiki cũng đang phát triển mạnh.

Các ứng dụng di động đang đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của TMĐT. Theo báo cáo của Google và Temasek, có hơn 350 triệu người dùng Internet tại 6 quốc gia lớn nhất Đông Nam Á gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Quan trọng hơn, hơn 90% người dân Đông Nam Á kết nối Internet chủ yếu thông qua các thiết bị di động. Con số này dự kiến sẽ tăng lên khi điện thoại thông minh phổ cập hơn và các mạng di động nhanh hơn. Google và Temasek dự báo thị trường TMĐT khu vực Đông Nam Á sẽ đạt giá trị 102 tỷ USD vào năm 2025.

Khi các công ty TMĐT chạy đua để hiện thực hóa tiềm năng trên thiết bị di động, iPrice Group đã thực hiện nghiên cứu tìm hiểu xem ứng dụng mua sắm di động nào được sử dụng tích cực nhất trong quý đầu tiên của năm 2019.

Theo đó, iPrice Group đã hợp tác với App Annie Intelligence, một công ty thông tin về thị trường ứng dụng, để tìm hiểu và xác định các ứng dụng di động TMĐT hoạt động mạnh mẽ như thế nào ở Đông Nam Á dựa trên số người dùng hoạt động trung bình hàng tháng (Average Monthly Active Users - MAU).

Nghiên cứu cũng kết hợp các xếp hạng truy cập máy tính để bàn và thiết bị di động (bảng dưới đây), dựa trên dữ liệu được SameWeb thu thập, cho thấy sự tương quan cao ở Đông Nam Á. Nghiên cứu "Tình trạng thương mại điện tử" (State of E-commerce) năm 2017 của iPrice lưu ý rằng trong khi người tiêu dùng sử dụng các ứng dụng di động để tìm kiếm thông tin, họ có nhiều khả năng mua hàng thực tế thông qua máy tính để bàn.

Một trong số 3 ứng dụng TMĐT hàng đầu của khu vực là ứng dụng mua sắm trên thiết bị di động của Lazada, đứng đầu bảng về MAU tại Philippines, Malaysia, Thái Lan và Singapore. Trang web của Lazada được Alibaba hậu thuẫn cũng đứng thứ 2 tại Việt Nam và đứng thứ 4 tại Indonesia.

Trong năm 2018, Lazada đã tập trung rất nhiều vào việc phát triển ứng dụng của mình để đáp ứng thói quen liên tục phát triển của người tiêu dùng. Trong số nhiều tính năng mới đáng chú ý là Phát trực tiếp (live-streaming) trong ứng dụng và tính năng Tìm kiếm hình ảnh (Image Search). Lazada cho biết có khoảng 500.000 khách hàng sử dụng các tính năng hàng ngày để tìm khoảng 20 triệu sản phẩm, cộng với trò chơi Shake It trong ứng dụng.

Đối thủ cạnh tranh theo sát Lazada trong khu vực là Shopee, xếp hạng cao nhất tại Việt Nam, thứ 2 ở Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan và thứ 3 tại Singapore.

Cũng nhận thức được tầm quan trọng của các ứng dụng di động trong khu vực, Shopee đã ưu tiên trải nghiệm người dùng "siêu cục bộ" (hyper-localised) bằng cách có một ứng dụng khác nhau cho mỗi quốc gia. Đây là một chiến lược hiệu quả, giúp Shopee tăng trưởng nhanh kể từ khi thành lập vào năm 2015.

Một đối thủ cạnh tranh nổi bật khác là Tokopedia, công ty dẫn đầu thị trường Indonesia, nền kinh tế lớn nhất và là quốc gia lớn nhất của ASEAN. Năm ngoái, Tokopedia là nền tảng TMĐT được truy cập nhiều thứ 3 ở Đông Nam Á mặc dù nó chỉ hiện ở một quốc gia duy nhất, với trung bình 125 triệu khách truy cập mỗi tháng.

Các ứng dụng di động TMĐT của Trung Quốc và Hoa Kỳ cũng được sử dụng tích cực trong khu vực, trong đó có Amazon, eBay, Taobao và AliExpress.

Các ứng dụng của Trung Quốc như Taobao hoạt động mạnh mẽ tại các quốc gia có nhiều người tiêu dùng thông thạo tiếng Trung Quốc hơn. Điều này đã được chứng minh ở Singapore và Malaysia, nơi ứng dụng lần lượt xếp thứ 4 và thứ 3. Taobao hiện diện chủ yếu bằng tiếng Trung Quốc và cũng cung cấp dịch vụ giao hàng đến Đông Nam Á.

Trong khi đó, AliExpress, được tối ưu hóa cho người tiêu dùng không nói hoặc đọc được tiếng Trung Quốc và được sử dụng mạnh mẽ ở Thái Lan (vị trí thứ 3), Philippines (thứ 5), Malaysia (thứ 5), Việt Nam (thứ 6) và Indonesia (vị trí thứ 8) .

Amazon.com rất phổ biến ở Philippines, đứng vị trí thứ 4 về tổng thể, trên các đối thủ của Trung Quốc là AliExpress (thứ 5) và AliExpress (thứ 9).

Tại Đông Nam Á, Amazon chính thức ra mắt các dịch vụ của mình tại Singapore vào năm 2017 với Amazon Prime Now và hiện đứng thứ 9 tại quốc đảo này. Amazon cũng đứng thứ 5 ở Thái Lan và thứ 7 tại Việt Nam.

Sự trỗi dậy của các ứng dụng TMĐT địa phương

Tokopedia là ứng dụng TMĐT di động nội địa duy nhất ở ASEAN giữ ngôi đầu ở thị trường trong nước là Indonesia. Công ty Indonesia sở hữu ứng dụng này gần đây đã nhận được 1 tỷ USD từ các nhà đầu tư hiện tại, giúp trở thành công ty khởi nghiệp có giá trị nhất ở Indonesia.

Người sáng lập Tokopedia là William Tanuwijaya đã khai thác tối đa sự phổ biến nhanh chóng của điện thoại thông minh ở Indonesia và gia tăng sự thoải mái cho khách hàng mua sắm trực tuyến. Tokopedia dẫn đầu cả về lượt truy cập trên thiết bị di động và máy tính để bàn tại thị trường trong nước.

Các ứng dụng TMĐT khác hoạt động mạnh mẽ ở thị trường nội địa còn có thể kể đến là Qoo10 (thứ 2 tại Singapore), Tiki (thứ 3 tại Việt Nam) và 11street (thứ 4 tại Malaysia).

Các kết quả đáng chú ý khác từ cuộc nghiên cứu quý 1 năm 2019 iPrice Group còn cho thấy:

Shopee là nền tảng TMĐT được truy cập nhiều nhất ở Đông Nam Á nói chung (gồm cả tìm kiếm trên di động cộng và máy tính để bàn) trong quý đầu tiên với tổng số trung bình là 184,8 triệu khách truy cập mỗi tháng.

Lazada đã sụt giảm 12% số lượt truy cập trung bình hàng tháng so với quý trước, xuống còn 179,7 triệu khách truy cập.

Tokopedia (Indonesia), Bukalapak (Indonesia) và Tiki (Việt Nam) là các nền tảng TMĐT được truy cập nhiều thứ 3, thứ 4 và thứ 5 ở Đông Nam Á, mặc dù mỗi nền tảng chỉ có ở một thị trường duy nhất.

Mặc dù giảm 12% trong tổng số lượt truy cập trung bình, Lazada vẫn là nền tảng TMĐT được truy cập nhiều nhất ở Philippines, Thái Lan, Malaysia và Singapore.

Ngoài Indonesia và Việt Nam, các nền tảng TMĐT có trụ sở tại địa phương khác hoạt động tốt là Lelong (thứ 3 ở Malaysia), Argomall (thứ 4 ở Philippines), Qoo10 (thứ nhất ở Singapore) và Chilindo (thứ 3 ở Thái Lan).

Cần đầu tư cho website/ứng dụng di động TMĐT Việt Nam

Theo báo cáo Chỉ số TMĐT Việt Nam năm 2019 do Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) thực hiện, người tiêu dùng thông minh đang thay đổi cách thức tìm kiếm và mua sắm của họ từ những cách truyền thống sang những trải nghiệm mới tiện dụng hơn.

Tuy nhiên, việc ứng dụng tốt các nền tảng di động vẫn chỉ dừng lại ở các DN lớn có quy mô, chiến lược và nguồn lực. Xét về tổng thể chung trong cả nước thì đa số DN (đặc biệt là các DN nhỏ và vừa) vẫn chưa thực sự sẵn sàng cho sự thay đổi này.

Khảo sát chung trong cả nước chỉ ra năm 2018 có khoảng 17% DN cho biết có website phiên bản di động, tỷ lệ này cũng không có sự chênh lệnh nhiều trong vòng 3 năm trở lại đây.

Tương tự với tỷ lệ DN có website phiên bản di động, tỷ lệ DN có ứng dụng bàn hàng trên thiết bị di động năm 2018 cũng chỉ chiếm 14% và không có sự thay đổi nhiều so với các năm trước.

Tỷ lệ có ứng dụng bán hàng trên thiết bị di động qua các năm

Thời gian trung bình lưu lại của khách hàng khi truy cập website TMĐT phiên bản di động hoặc ứng dụng bán hàng năm 2018 vẫn chưa cao, điều này phản ánh mức độ hấp dẫn cũng như tính tiện dụng của các phiên bản di động chưa thực sự thu hút được khách hàng. Theo đó, chỉ có 18% DN tham gia khảo sát cho biết thời gian trung bình lưu lại trên 20 phút, đa số khách hàng vẫn truy cập từ 5 - 10 phút (chiếm 39%) và dưới 5 phút (chiếm 28%).

Trong số các DN tham gia khảo sát có website phiên bản di động hoặc ứng dụng di động, có 43% DN cho biết đã cho phép người mua thực hiện toàn bộ quy trình mua sắm trên thiết bị di động, 31% DN cho biết có triển khai chương trình khuyến mại dành riêng cho khách hàng sử dụng thiết bị di động để mua hàng hóa/dịch vụ, 45% DN cho biết có nhận đơn đặt hàng qua ứng dụng bán hàng trên thiết bị di động. Các chỉ số này không có sự thay đổi nhiều trong vòng ba năm trở lại đây.

Cũng theo báo cáo chỉ số TMĐT Việt Nam 2019, xét về mức đầu tư, xây dựng và vận hành website/ứng dụng di động trên tổng vốn đầu tư TMĐT của doanh nghiệp thì có tới 62% DN năm 2018 tham gia khảo sát cho biết mới đầu tư dưới 20% trong tổng ngân sách đầu tư về TMĐT, 29% DN đã đầu tư từ 20%-50% ngân sách và mới có 9% DN đầu tư trên 50% ngân sách chung của TMĐT. Điều này phản ánh thực trang đa số DN chưa thực sự tập trung vào website/ứng dụng di động.

Phân theo quy mô DN thì nhóm DN lớn có sự đầu tư mạnh hơn vào nền tảng di động so với nhóm DN nhỏ và vừa. Điển hình có thể thấy ở mức đầu tư trên 50% cho website/ứng dụng di động trên tổng vốn đầu tư TMĐT của DN thì có tới 15% DN lớn, trong khi đó tỷ lệ này ở nhóm DN nhỏ và vừa mới dừng ở mức 8%.

Hoàng Linh