Hướng tới "y tế thông minh" phục vụ người dân Việt Nam

Sách và cuộc sống - Ngày đăng : 16:42, 15/05/2019

Bộ Y tế đã xây dựng các đề án, các kế hoạch để đảm bảo ngành Y tế Việt Nam chủ động tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại trong khám chữa bệnh.

Chia sẻ tại Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam do Bộ TTTT lần đầu tiên tổ chức vào ngày 9/5, ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (CNTT), Bộ Y tế cho biết, trong thời gian vừa qua, thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt là Chỉ thị 16/CT-TTg về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), ngành Y tế đã đạt những thành tựu nhất định trong công tác ứng dụng thông tin y tế.

Bộ Y tế đang từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý CNTT, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các tài liệu chuyên môn và các hướng dẫn. Hiện nay, Bộ đã ban hành rất nhiều văn bản pháp luật và đã xuất bản cuốn sách về các văn phản pháp luật liên quan đến y tế. “Chúng tôi có thể mạnh dạn nói rằng Bộ Y tế hiện đã cơ bản hình thành hành lang pháp lý, đủ cơ sở pháp lý để số hóa toàn bộ các bệnh viện”, ông Tường cho biết.

Bộ cũng đưa ra tiêu chí rõ ràng cho mô hình bệnh viện thông minh, đặc biệt hướng tới không sử dụng bệnh án giấy và thanh toán tiền mặt trong bệnh viện.

Trong hơn một năm qua, việc triển khai thành công hệ thống văn bản điện tử V.Office, thư điện tử đã giúp kết nối bộ ngành địa phương. Nhờ đó, 99,5% các cơ sở khám chữa bệnh kết nối liên thông với các cơ quan bảo hiểm xã hội, từng bước thực hiện giám định điện tử. Đây cũng là bài toàn khó mà trong nhiều năm nhờ công nghệ mà Bộ Y tế mới giải quyết thành công.

Ông Trần Quý Tường cho biết, 37 dịch vụ công của toàn ngành đạt mức trực tuyến cấp độ 3 và 4. Trong đó có nhiều dự án lớn đã chứng minh hiệu quả khi đưa vào sử dụng như: triển khai thí điểm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hỗ trợ điều trị ung thư tại bệnh viện Đa khoa Phú Thọ, bệnh viện K Trung ương, bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh; phối hợp với Viettel triển khai phầm mềm tiêm chủng toàn quốc; cung ứng nhiều phần mềm, dữ liệu y tế ở mức toàn quốc...

Ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Y tế

Bên cạnh mặt tích cực, ngành Y tế vẫn gặp phải nhiều khó khăn như chưa có cơ sở dữ liệu y tế quốc gia khi tổng hợp thông tin, chia sẻ giữa các đơn vị. Ngoài ra, hệ thống văn bản điện tử, thư điện tử triển khai chậm, nhiều việc vẫn phải sử dụng giấy tờ. Hay việc chưa hình thành cổng dịch vụ công trực tuyến, chưa có hệ thống một cửa điện tử; việc quản lý các trạm y tế xã phường thị trấn có quá nhiều phần mềm riêng lẻ; thiếu hệ thống theo dõi thu thập thông tin, phân tích dự báo dịch bệnh,…

Đề xuất xây dựng y tế thông minh

Để khắc phục những tồn tại và tiếp cận CMCN 4.0, ngành Y tế mong muốn nhận được nhiều hỗ trợ trong ứng dụng công nghệ hiện đại để phát triển nền Y tế thông minh, gồm y tế điện tử và công nghệ thông minh. Đây cũng là vấn đề được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến khích nhằm triển khai dịch vụ y tế toàn diện hơn.

Để xây dựng nền y tế thông minh, đại diện Bộ Y tế đề xuất những mục tiêu, biện pháp cụ thể. Mục tiêu chung là ứng dụng và phát triển thông minh trong y tế góp phần xây dựng hệ thống y tế Việt Nam hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả, hội nhập quốc tế, giúp cho người dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ y tế hiệu quả cao nhất mọi lúc, mọi nơi và được bảo vệ chăm sóc, nâng cao sức khỏe liên tục, toàn diện, suốt đời.

Cụ thể, Bộ sẽ xây dựng và từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh thông minh, góp phần thực hiện tốt chương trình sức khỏe Việt Nam. Đồng thời triển khai khám chữa bệnh thông minh gồm ứng dụng CNTT toàn diện, cải cách cơ sở khám bệnh chữa bệnh, cải cách hành chính, giảm quá tải bệnh viện, sử dụng một số bệnh án điện tử, tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử, hình thành các bệnh viện thông minh.

Ngoài ra, ngành Y tế sẽ chú trọng quản trị y tế thông minh như tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác quản lý y tế, triển khai các hệ thống văn phòng điện tử, cổng dịch vụ công trực tuyến, giải quyết thủ tục hành chính trên nền quản trị y tế thông minh.

Từ những mục tiêu này, ông Tường cũng đưa ra 10 nhiệm vụ cần thực hiện sớm. Đó là phát triển hạ tầng CNTT y tế; chăm sóc và phòng bệnh thông minh; triển khai khám chữa bệnh thông minh; quản trị y tế thông minh; phát triển nhân lực; khuyến khích nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực y tế, hợp tác quốc tế; tăng cường tuyên truyền về y tế thông minh; xây dựng tiêu chí đánh giá ứng dụng CNTT.

Về kinh phí, cơ chế tài chính, Bộ sẽ huy động từ các nguồn ngân sách Nhà nước, kinh phí của các đơn vị, vốn ODA... Sắp tới, ngành y tế cũng xây dựng quy định giá dịch vụ y tế, nghiên cứu, ban hành cơ chế thu phí và đẩy mạnh thuê dịch vụ.

18 nhiệm vụ ưu tiên của Bộ Y tế

Để thực hiện, ông Trần Quý Tường đưa ra 18 nhiệm vụ ưu tiên của Bộ Y tế. Đó là:

Triển khai phần mềm hồ sơ sức khoẻ điện tử; Xây dựng hệ thống cảnh báo và theo dõi dịch bệnh; Phát triển các ứng dụng cung cấp tri thức phòng bệnh, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ người dân, các thông tin về cơ sở y tế, bác sĩ, dịch vụ y tế trên môi trường web, di động; Kết nối với hệ thống tri thức việt số hoá; Triển khai cải cách hàng chính tại khoa khám bệnh, chữa bệnh; Đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến, triển khai bệnh án điện tử, không giấy tờ, không tiền mặt; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Đồng thời, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán, điều trị và dự phòng bằng y học cổ truyền; Triển khai, hoàn thiện các ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành điện tử, triển khai cổng dịch vụ Bộ Y tế, triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; Hoàn thành hệ thống thông tin một cửa điện tử; Triển khai thống kê y tế điện tử, hoàn thành cơ sở dữ liệu y tế quốc gia; Xây dựng, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật CNTT y tế, tính giá dịch vụ CNTT trong giá dịch vụ y tế.

Xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn về kết nối liên thông giữa các hệ thống phần mềm trong ngành y tế, kiến trúc y tế điện tử, quy định về đảm bảo an toàn, an ninh, tính riêng tư của thông tin y tế; Xây dựng, ban hành quy định về số định danh y tế cho mỗi công dân, xây dựng quy chế sử dụng hồ sơ sức khoẻ điện tử; Phát triển trung tâm dữ liệu y tế quốc gia; Xây dựng trung tâm dữ liệu gen người tại Việt Nam; Nâng cấp hệ thống CNTT cơ quan Bộ Y tế.

Việc triển khai các lớp đào tạo, bồi dưỡng CNTT y tế thông minh hàng năm cũng rất cần thiết. Bên cạnh đó là triển khai các chương trình truyền thông về CNTT y tế thông minh, tổ chức các đoàn kiểm tra, đánh giá thực hiện các nhiệm vụ.

Giải pháp y tế thông minh được giới thiệu tại Diễn đàn

Cũng theo ông Trần Quý Tường, cần đầu tư hơn nữa cho các doanh nghiệp công nghệ trong phát triển y tế thông minh; đầu tư, xã hội hoá trong lĩnh vực y tế thông minh; đồng thời triển khai các ứng dụng y tế thông minh theo các tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ Y tế để phục vụ liên thông, kết nối, chia sẻ thông tin y tế.

TH