Doanh nghiệp ICT đồng loạt giới thiệu dịch vụ hỗ trợ IPv6
Truyền thông - Ngày đăng : 16:38, 07/05/2019
Netnam, VNPT cung cấp dịch vụ hỗ trợ IPv6 tại trung tâm dữ liệu
Đại diện cho Netnam, ông Nguyễn Trường Thắng, Giám đốc công nghệ cho biết từ năm 2013, Netnam đã tham gia triển khai khai IPv6. Hiện nay, Netnam đã triển khai IPv6 cho toàn bộ hạ tầng, đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Netnam đã chuẩn hóa các gói dịch vụ hỗ trợ IPv6, có thể cung cấp hầu hết các dịch vụ từ nền IPv4 sang IPv6 như DIA, IP transit - Data transmission (L2VPN MPLS, L3VPN MPLS), Hosting, FTTx, các dịch vụ nội bộ như Office, quản trị…
Trong thời gian tới, Netnam tiếp tục triển khai WiFi IPv6 cho các sự kiện, khai trương trung tâm dữ liệu (DC) sẵn sàng đáp ứng các dịch vụ hosting hỗ trợ IPv6, triển khai các gói tích hợp giải pháp IPv6 cho mạng DN, cơ quan nhà nước (CQNN).
Netnam đã triển khai IPv6 cho Panasonic, VNNIC, TMA Solutions, Pyco Group, đặc biệt cho Bộ TTTT, CQNN đi đầu về ứng dụng CNTT
Trong khi đó, ông Ngô Thúc Hanh, đại diện cho VNPT-IT cho biết các dịch vụ hỗ trợ IPv6 được VNPT cung cấp tại các IDC của DN này gồm các dịch vụ colocation truyền thống (45%), cloud VNPT (IaaS, PaaS) (35%), MSS (managed security service) (20%). Dịch vụ Cloud VNPT là dịch vụ sử dụng đến đâu trả tiền đến đó và vừa nhận giải thưởng nhân tài Đất Việt 2018.
Thiết bị tại các IDC của VNPT đều hỗ trợ tốt triển khai IPv6. VNPT triển khai giải pháp dual-stack để đảm bảo duy trì và không làm gián đoạn các dịch vụ IPv4 hiện tại của khách hàng. Theo đó, hai phương án cấp IPv6 của VNPT gồm khách hàng đặt trực tiếp IPv6 trên server và gateway là thiết bị gateway tại IDC VNPT. Khách hàng có thiết bị mạng đặt tại IDC và tham gia định tuyến với router gateway tại IDC VNPT.
Hầu hết các hạ tầng thiết bị mạng của VNPT đang được sử dụng nhờ công nghệ tiên tiến mới nhất và được bảo mật. Các tường lửa mạng, ứng dụng được trang bị để bảo vệ các dịch vụ IPv6. Hệ thống core firewall hỗ trợ sẵn sàng triển khai dual-stack, hỗ trợ đầy đủ tính năng như IPv4.
Tường lửa mạng hỗ trợ tính năng bảo mật lớp 4 theo nhu cầu khách hàng. Các thiết bị bảo mật lớp ứng dụng, hỗ trợ các dịch vụ IPv6, có thể phát hiện, ngăn chặn và chống tấn công lớp ứng dụng, đồng thời triển khai giải pháp cân bằng tải (load blancing) cho ứng dụng web của khách hàng.
Viettel, CMC cung cấp dịch vụ đám mây hỗ trợ IPv6
Đại diện cho Viettel, ông Trần Văn Thành, Tổng công ty mạng lưới Viettel cho biết Viettel có 5 trung tâm dữ liệu lớn được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế đặt rải rác trên toàn quốc đã sẵn sàng hỗ trợ IPv6. Năm 2019 Viettel sẽ đẩy rất mạnh cung cấp dịch vụ cho khách hàng thực tế trên nền IPv6.
Các dịch vụ cung cấp đường truyền kết nối cho CQNN, DN của Viettel như thuê kênh Internet, kênh truyền, mạng riêng ảo (VPN) hỗ trợ IPv6 và có nhiều ưu điểm vượt trội như vùng phủ rộng khắp toàn quốc; Linh hoạt tùy biến cho khách hàng: khách hàng tùy chọn loại giao diện đấu nối (FE, GE…) và tốc độ từ Megabit/s lên tới hàng trăm Gigabits; Độ ổn định cao nhất: Độ khả dụng dịch vụ đạt 99,99%.
Ngoài ra, quy trình tiếp nhận hỗ trợ và xử lý sự cố nhanh, thời gian tiếp nhận sự cố 2 - 6 giờ thời gian hỗ trợ 24/7/365.
Các dịch vụ IDC của Viettel được cung cấp trên nền tảng hạ tầng thiết kế chuẩn quốc tế TIA-942-B Tier 3 và vận hành theo hệ thống quản lý quốc tế ISO9001, ISO27001, ISO 27017 hỗ trợ IPv6 và nhiều ưu điểm vượt trội: Dựa trên nền tảng các trung tâm dữ liệu hiện đại và lớn nhất Việt Nam; Đạt các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng dịch vụ và an toàn thông tin.
Đặc biệt, Viettel IDC là nhà cung cấp dịch vụ đám mây (cloud) đầu tiên của Việt Nam được cấp chứng chỉ ISO 27017 dành riêng cho các dịch vụ Cloud (tương đương các nhà cung cấp lớn trên thế giới như Amazon Web Service, Microsoft). Hệ thống được thiết kế để mở rộng không giới hạn, hỗ trợ công cụ tự động (Self-service Portal) để khách hàng có thể tự đăng ký, sử dụng dịch vụ trong vòng vài phút.
Các dịch vụ được Viettel cung cấp cho các cơ quan Đảng, nhà nước, DN có nhu cầu hỗ trợ IPv6 như CPĐT, dự án CNTT, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 - 4, hệ thống máy tính kế nối Internet, các ứng dụng CNTT, đề án chuyển đổi số quốc gia, đề án xây dựng hệ sinh thái số, sản phẩm, đô thị thông minh.
Về phía CMC Telecom, ông Nguyễn Đức Dũng, Trung tâm Kinh doanh Giá trị gia tăng cho biết ngày 1/5/2019, trên toàn thế giới 27% các thiết bị IoT trong hàng tỷ thiết bị IoT đã sử dụng IPv6. Việt Nam đứng thứ 7 thế giới về lưu lượng sử dụng IPv6 khi các thiết bị đẩy dữ liệu về server, hệ thống back-end xử lý dữ liệu vẫn là IPv4. Để đảm bảo hệ thống back-end là IPv6, CMC Telecom là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam cung cấp dịch vụ server đám mây hỗ trợ IPv6.
Điều này có nghĩa là bất kỳ DN, khách hàng nào vào hệ thống CMC Cloud khởi tạo 1 server đám mây mới là có thể chọn được địa chỉ IPv6 ngay khi khởi tại và chỉ mất 30 giây để khởi tạo 1 server mới.
CMC Cloud là tên chung của tất cả các dịch vụ cloud mà CMC cung cấp, trong đó có dịch vụ server đám mây. CMC đã đầu tư hệ thống đám mây lớn tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, theo đó khách hàng có thể chọn bất cứ vị trí nào tại hai thành phố dễ dàng khởi tạo hàng loạt tài nguyên lớn và nâng cấp dễ dàng.
Tại Hội thảo ngày IPv6 Việt Nam 2019, Phó Trưởng Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia, Giám đốc VNNIC Trần Minh Tân cho biết IPv6 mang lại nhiều lợi ích, mang lại nguồn tài nguyên vô tận, đảm bảo kết nối, bảo mật, định tuyến tốt hơn.
Bên cạnh đó, việc triển khai IPv6 còn đáp ứng các nhu cầu dịch vụ của tương lai như IoT, thành phố thông minh, 4G, 5G. Tiểu ban tiêu chuẩn công nghệ thế giới IAB đã thông báo ngừng IPv4, quy định triển khai IPv6 là yêu cầu bắt buộc.