Nữ giới không học công nghệ sẽ bỏ lỡ 77% các nghề nghiệp trong tương lai
Diễn đàn - Ngày đăng : 16:08, 25/04/2019
Hội thảo là một trong nhiều hoạt động thuộc Chương tình DigiGirlz Day được Microsoft phối hợp cùng Cục CNTT - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Trung tâm CNTT-TT (Vietnet-ICT) và CED tổ chức.
Hội thảo mong muốn cung cấp cho nữ sinh cơ hội để tìm hiểu, khám phá về các nghề nghiệp trong lĩnh vực công nghệ nhằm nuôi dưỡng, phát triển và theo đuổi niềm đam mê với CNTT, đồng thời hướng ứng Ngày Quốc tế Nữ giới và công nghệ - Girls in ICT day (25/4/2019).
Sự kiện còn có sự tham gia đóng góp của các đối tác hoạt động trong lĩnh vực STEM bao gồm: Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam, Trung tâm InnEdu, Đại học Sư phạm Hà Nội, Học viện sáng tạo Teky, Growth Catalyst Việt Nam và Hệ thống Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aptech. Khách mời và nữ sinh còn có cơ hội được trải nghiệm các thí nghiệm thực tế thú vị do Microsoft và các đối tác tổ chức trong lĩnh vực này.
Một sự kiện ý nghĩa cho các nữ sinh theo đuổi đam mê công nghệ
Digigirlz là một chiến dịch toàn cầu được Microsoft thực hiện hàng năm vào tháng 3 và tháng 4 để truyền cảm hứng cho nữ sinh trung học theo đuổi các ngành nghề STEM, thông qua việc kết nối nữ sinh với các chuyên gia của Microsoft và các hình mẫu nữ giới thành công trong lĩnh vực STEM.
Trong năm 2019, gần 4000 học sinh của 12 tỉnh/thành phố trên khắp Việt Nam đã được định hướng nghề nghiệp trong lĩnh vực STEM thông qua chiến dịch này.
Ông Tô Hồng Nam phát biểu
Phát biểu tại Hội thảo, ông Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục CNTT - Bộ GD&ĐT cho biết DigiGirlz dành cho các nữ sinh từ 12 – 19 tuổi, đã được tổ chức trong 1 tháng nhưng đã thu hút được sự quan tâm của gần 40 trường với gần 3000 học sinh.
Trên thế giới, đặc biệt là khu vực châu Á chỉ có 20% nữ giới theo đuổi công nghệ, trong khi nữ giới có những lợi thế hơn hẳn nam giới và thực tế đã có nhiều phụ nữ thành công. DigiGirlz được tổ chức để truyền cảm hứng đam mê công nghệ cho các em học sinh ngay từ cấp học phổ thông để sau này các em nuôi dưỡng đam mê, tự tin theo đuổi nghề nghiệp trong lĩnh vực công nghệ.
“Trong bối cách CMCN 4.0, DigiGirklz là hoạt động rất thực tiễn, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mà Bộ GD&ĐT đã ban hành, hỗ trợ tốt cho học sinh học các ngành khoa học công nghệ, STEM trong các nhà trường”, ông Nam nhấn mạnh.
Bà Lê Hồng Nhi phát biểu
Bà Lê Hồng Nhi, Giám đốc chương trình cộng đồng khu vực Đông Nam Á, Microsoft chia sẻ "Cuộc CMCN lần thứ 4 mang lại rất nhiều cơ hội cho các bạn trẻ phát triển. Tuy nhiên, nữ giới đang nằm trong nhóm nguy cơ cao bị bỏ lại đằng sau vì sự hạn chế về kiến thức và kỹ năng trong lĩnh vực số so với nam giới.
DigiGirlz Day là một trong những phần cam kết lâu dài của Microsoft nhằm khuyến khích nữ sinh theo đuổi đam mê với công nghệ thông qua việc đem đến cho các nữ sinh cơ hội gặp gỡ và giao lưu với các chuyên gia nữ, các lãnh đạo nữ làm việc trong lĩnh vực công nghệ như Microsoft, và cho các em thấy những cơ hội hấp dẫn mà ngành công nghệ có thể mang lại. Các hình mẫu nữ giới thành công trong lĩnh vực công nghệ sẽ là nguồn cảm hứng để các em gái tự tin tiến vào lĩnh vực này”.
Cơ hội và thách thức cho nữ giới theo đuổi lĩnh vực công nghệ
Bà Ngô Minh Trang, Giám đốc Vietnet-ICT cho biết: 65% công việc mà các em ở đây sẽ làm hiện nay chưa tồn tại. 10 năm nữa sẽ có những lượng công việc mới mà bản thân các em cũng chưa biết và làm thế nào để kiến thức các em học tập hôm nay có thể đáp ứng những công việc ấy.
Bà Ngô Minh Trang chia sẻ về những cơ hội việc làm khi theo đuổi đam mê công nghệ
Các nghiên cứu của Bộ Lao động Mỹ cho biết 50% các việc làm đòi hỏi một số kỹ năng công việc nhưng trong 10 năm nữa 2/3 các công việc sẽ đòi hỏi các kỹ năng công nghệ.
Trong lĩnh vực công nghệ, nam giới đang chiếm số đông nhưng nếu không học công nghệ sẽ bỏ lỡ 77% các nghề nghiệp trong tương lai. Nói lớn hơn trong lĩnh vực STEM, 71% công việc trong lĩnh vực STEM sẽ thuộc ngành khoa học máy tính nhưng chỉ có 8% sinh viên tốt nghiệp ra trường học lĩnh vực này.
Theo số liệu của code.org năm 2016, trong tất cả các ngành nghề từ phục vụ công cộng, giao thông, kỹ sư, giáo dục, xây dựng hành chính… họ lấy số lượng việc làm mới nhân với mức lương thì ngành nghề máy tính nói chung đang ở số 1, chiếm 16,3% về cả số lượng việc làm mới và mức lương.
“Số lượng công việc trong lĩnh vực STEM rất là dồi dào, đòi hỏi gắt gao và đây là thị trường màu mỡ nên tham gia khi nữ giới chiếm nửa dân số thế giới. Nếu nữ giới không tham gia thì sự thiếu hụt sẽ càng rất lớn”, bà Trang nhấn mạnh.
Các nữ sinh hứng thú trải nghiệm công nghệ
Tuy nhiên, bà Trang cũng cho biết khi thị trường lao động, việc làm thay đổi, chúng ta nhận ra rằng robot và tự động hóa đang thay thế những việc làm của con người và đây là sự thật.
Theo Diễn đàn kinh tế thế giới, cứ 1 việc làm mới được tạo ra cho nam giới thì có 4 việc làm cũ của nam giới bị thay thế nhưng 1 việc làm mới được tạo ra cho nữ giới thì 20 việc làm cũ của nữ giới bị thay thế bởi vì nữ giới hay tham gia vào những công việc dễ bị tự động hóa, không đòi hỏi có kỹ năng cao.
Bên cạnh đó, các thống kê khác nữa cũng rất đáng chú ý là số nữ sinh viên (SV) năm thứ nhất theo học khoa học máy tính đã giảm 79% từ năm 2000 - 2011, chỉ có 35% sinh viên ngành STEM là nữ, chỉ 3% SV ở cấp đại học/sau đại học chọn học CNTT - một tỷ lệ rất thấp. Chỉ có 17 phụ nữ từng đạt giải Nobel về vật lý, hóa học, y học từ khi Marie Curie đoạt giải năm 1903 so với 572 nam.
“Điều này cho thấy nữ giới đang bị bỏ lại phía sau rất rõ ràng và đáng lo ngại khi mà chúng ta đang ở trong thời đại số. Theo nghiên cứu của UNESCO, khả năng học KHCN của cả nam và nữ là như nhau chỉ có định kiến, tự tin bản thân là rào cản duy nhất”, bà Trang cho hay.