Các Bộ Tài chính, Công Thương, TTTT dẫn đầu về mức độ ứng dụng CNTT năm 2018

Diễn đàn - Ngày đăng : 15:59, 25/04/2019

Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) lần lượt giữ các vị trí đầu về chỉ số tổng thể mức độ ứng dụng CNTT của các bộ, cơ quan quan ngang bộ năm 2018.

Ngày 25/4/2019, tại Hà Nội, Cục tin học hóa - Bộ TTTT đã phối hợp cùng Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) tổ chức hội thảo “Phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) - Đánh giá kết quả và chia sẻ bài học kinh nghiệm xây dựng CPĐT của các bộ, ngành và địa phương năm 2018".

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Minh Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ TTTT, Chủ tịch VDCA cho biết, đây là năm thứ hai Hội phối hợp với Cục Tin học hóa tổ chức tọa đàm và công bố kết quả đánh giá về mức độ ứng dụng CNTT, phát triển CPĐT của các bộ, ngành, địa phương. 

“Tọa đàm sẽ giúp các bộ ngành địa phương biết rõ mức độ ứng dụng CNTT của mình, mặt mạnh, mặt yếu, những mặt làm tốt, những mặt chưa làm tốt để có thể khắc phục và phát triển dịch vụ rộng hơn trong thời gian tới”.

Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam Nguyễn Minh Hồng phát biểu khai mạc Hội thảo

Tại hội thảo, Cục Tin học hóa - Bộ TTTT đã công bố “Báo cáo đánh giá mức độ ứng dụng CNTT của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương 2018”.

Theo Cục Tin học hóa, báo cáo này được xây dựng trên kết quả tổng hợp, kiểm tra, đánh giá của Bộ TTTT từ báo cáo ứng dụng CNTT, phát triển CPĐT của các Bộ, ngành và địa phương. Công tác đánh giá được thực hiện theo 6 hạng mục là: (1) Hạ tầng kỹ thuật CNTT; (2) Ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan; (3) Trang/Cổng thông tin điện tử (Cung cấp, cập nhật thông tin; Các chức năng hỗ trợ trên trang/cổng thông tin điện tử); (4) Cung cấp dịch vụ công trực tuyến; (5) Cơ chế, chính sách và quy định cho ứng dụng CNTT và (6) Nhân lực cho ứng dụng CNTT. Mỗi hạng mục được kiểm tra, tính điểm, tổng điểm của các hạng mục được sử dụng để xếp hạng tổng thể cho cơ quan.

Số liệu sử dụng trong báo cáo được tổng hợp từ báo cáo tình hình ứng dụng CNTT quý IV năm 2018 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và qua công tác kiểm tra trực tuyến trên trang/cổng thông tin điện tử của các cơ quan. Hiện kết quả đánh giá xếp hạng ứng dụng CNTT của các cơ quan nhà nước năm 2018 đã được Cục Tin học hóa - Bộ TTTT đăng tải công khai trên website của Bộ (mic.gov.vn) và website của Cục Tin học hóa (aita.gov.vn).

Theo báo cáo này, Bộ Tài chính tiếp tục giữ vị trí đứng đầu về chỉ số tổng thể mức độ ứng dụng CNTT của các bộ, cơ quan quan ngang bộ. Bộ Công Thương vươn lên vị trí thứ 2 và được coi là có tiến bộ vượt bậc so với vị trí thứ 17 của năm 2017. Đứng thứ 3 trong danh sách này là Bộ TTTT.

Chỉ số và xếp hạng tổng thể mức độ ứng dụng CNTT của các Bộ, cơ quan ngang Bộ

Đối với các cơ quan thuộc Chính phủ, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tiếp tục giữ top đầu, vị trí thứ 2 và 3 của 2 năm gần đây được hoán đổi giữa Thông tấn Xã Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam.

Về tổng thể mức độ ứng dụng CNTT của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng xếp ở vị trí đầu bảng, sau đó đến Thừa Thiên - Huế. Các tỉnh tiếp theo đứng trong top 10 tỉnh, thành phố bao gồm: Quảng Ninh, Bình Dương, Lâm Đồng, Khánh Hòa, TP.  Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Thanh Hóa và Bình Định. Đặc biệt, bảng xếp hạng năm nay ghi nhận sự cố gắng vượt bậc của Ninh Bình, vượt 34 bậc so với năm 2017, vươn lên nắm giữ vị trí thứ 16 trong bảng xếp hạng. Trong danh sách các tỉnh có chuyển biến vượt bậc, phải kể tới Hậu Giang (vượt 32 bậc, đứng thứ 27), Nam Định (vượt 30 bậc, đứng thứ 22), Quảng Nam (vượt 27 bậc, xếp thứ 31),…

Cần phổ biến dịch vụ công hơn nữa

Ngoài ra, trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia đã trình bày và đưa ra những phân tích, đánh giá về việc triển khai dịch vụ công trực tuyến trong các cơ quan Nhà nước hiện nay, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm xây dựng hệ thống quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến hiệu quả.

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) thuộc VDCA cho biết những thách thức lớn đối với việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến là: Tư duy “dự án CNTT”; Dữ liệu “cát cứ” và “phân mảnh”; Rủi ro lãng phí ngân sách từ dự án CNTT; Bảo vệ dữ liệu cá nhân/quyền riêng tư; Mức độ tiếp nhận của người sử dụng dịch vụ.

Trên cơ sở đó, đại diện Viện IPS đề xuất, CPĐT trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam cần tập trung vào mục đích: phục vụ tốt nhất, thuận tiện nhất cho giao dịch hành chính và tương tác giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền.

Bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia phân tích chính sách công, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc, chia sẻ tại Hội thảo

Còn theo bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia phân tích chính sách công, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, tại Việt Nam, các cơ quan Nhà nước đã xây dựng thêm nhiều dịch vụ hành chính trên nền tảng điện tử. Thống kê cho thấy, số người sử dụng cổng thông tin điện tử của chính quyền để làm thủ tục hành chính tăng nhẹ qua các năm. Tuy nhiên, việc phổ biến dịch vụ chính quyền điện tử còn hạn chế. Một khó khăn lớn là việc đưa dịch vụ công trực tuyến tới các xã.

Để tới được các xã thì rõ ràng chúng ta thấy cần rất nhiều nỗ lực ở các cấp cơ sở. Các xã là nơi người dân mới có thể tiếp cận dịch vụ công trực tuyến, còn hiện tại chúng ta mới chỉ tập trung rất nhiều vào cấp tỉnh và cấp huyện... Vì vậy, các cơ quan, đơn vị cần tăng cường phổ biến thông tin về sự hiện diện của cổng dịch vụ công trực tuyến của chính quyền để người dân biết đến và sử dụng nhiều hơn", bà Huyền cho biết thêm.

Toàn cảnh Hội thảo

Trong khi đó, theo chia sẻ của ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở TTTT Đà Nẵng, để xây dựng hệ thống quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến hiệu quả cần tập trung vào những vấn đề sau: Chỉ đạo, lãnh đạo quyết liệt; Chính sách đầu tư; Lựa chọn dịch vụ công cần thiết, phù hợp triển khai; Chất lượng hồ sơ đảm bảo, công khai cho tổ chức, công dân; Trách nhiệm của các cơ quan, đặc biệt Sở TTTT nhiều hơn; Các giải pháp, tiện ích thuận lợi cho tổ chức, công dân sử dụng; Các giải pháp thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức tham gia xử lý dịch vụ công trực tuyến.

TH