Các chuyên gia bàn thảo xu hướng công nghệ ICT tiên tiến

Xu hướng - Dự báo - Ngày đăng : 16:39, 08/04/2019

Hơn 100 nhà khoa học từ hơn 42 quốc gia trên thế giới bàn thảo những xu hướng công nghệ ICT mới nhất đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội.

Ngày 8/4/2019, tại Hà Nội, trường Đại học kỹ thuật Lê Quý Đôn đã khai mạc Hội nghị quốc tế về ICT lần thứ 26 (The 26th International Conference on Telecommunications 2019 - the ICT 2019).

Hội nghị sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 8 - 10/4/2019. Đây là hội nghị quốc tế thường niên hàng đầu được Hội Truyền thông quốc tế IEEE (IEEE Communications Society, gọi tắt là IEEE ComSoc) tổ chức hàng năm. 

PGS. Lê Kỳ Nam, Phó Hiệu trưởng Đại học kỹ thuật Lê Quý Đôn phát biểu chào mừng

Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS. Lê Kỳ Nam, Phó Hiệu trưởng Đại học kỹ thuật Lê Quý Đôn đã chào mừng tất cả các nhà khoa học tham dự Hội nghị năm nay và cho biết Hội nghị này không chỉ là diễn đàn nghiên cứu cho các nhà khoa học, chuyên gia để giới thiệu các công nghệ và các thành tựu nghiên cứu mới mà còn là cơ hội quý báu để thúc đẩy hợp tác giữa các trường đại học và các công ty.

Đại học Kỹ thuật Lê Quý Đôn là một trong những trường đại học trọng điểm quốc gia đồng thời cũng là trường đại học hàng đầu về khoa học - công nghệ ở Việt Nam. Trường có nhiều chương trình đào tạo đại học và sau đại học về kỹ thuật và quản lý cho cả khối quản lý và kỹ thuật. Trường cũng hợp tác quốc tế chặt chẽ với nhiều đối tác nước ngoài.

Nhằm xây dựng một trường đại học nghiên cứu, Học viện đang thực hiện nhiều đề án nghiên cứu chung khác nhau. Theo đó, Hội nghị là một cơ hội quý báu cho tất cả các nhà khoa học chia sẻ nghiên cứu chuyên sâu”, PGS. TS. Lê Kỳ Nam khẳng định.

Các nhà khoa học tham gia Hội nghị

Hội nghị năm nay đã nhận được 196 bài báo với tỷ lệ chấp nhận là 50%. Mỗi bài báo được ít nhất 3 nhà khoa học chuyên sâu thẩm định. Sau khi đánh giá kỹ lưỡng các báo cáo thẩm định, Hội nghị đã chọn được 96 bài báo chất lượng cao đến từ 42 quốc gia để trình bày tại Hội nghị. Có 3 bài phát biểu chính (keynote) và 5 bài giảng tập huấn chuyên sâu (tutorial) được chia thành 15 phiên trao đổi kỹ thuật cơ bản và 4 phiên trao đổi đặc biệt.

Các phiên đặc biệt tập trung vào 2 chủ đề chính “Liên lạc bằng ánh sáng khả kiến” (Visible Light Communications- VLC) và “Thiết kế dạng sóng và kết nối lớn cho liên lạc 5G” (Waveform Design and Massive Connections for Beyond 5G Communications).

Năm nay, hội nghị đã mời 3 chuyên gia ICT hàng đầu thế giới và Việt Nam để phát biểu chính.

Đầu tiên là ông Siavash Alamouti, Chủ tịch và Giám đốc điều hành tại Mimik, đây là công ty hàng đầu về đám mây biên. Ông được biết đến với việc phát minh ra mã Alamouti áp dụng trong các tiêu chuẩn LAN di động và không dây. Ông đã nhận được hơn 20.000 trích dẫn cho công trình khoa học của mình và nhiều giải thưởng trong ngành.

Bài báo năm 1998 của Alamouti trên Tạp chí IEEE về các lĩnh vực truyền thông đã được Hiệp hội truyền thông của IEEE lựa chọn để xuất bản trong "Cuốn sách hay nhất mọi thời đại: 50 nghiên cứu về truyền thông và kết nối mạng".

Ông Siavash Alamouti, tác giả mã Alamouti trình bày một khái niệm mới tại Hội nghị

Đây là lần đầu tiên ông Siavash Alamouti đến Việt Nam. Tại Hội nghị lần này, ông đã trình bày một khái niệm mới về đám mây biên (edge cloud) và cách tiếp cận thực tiễn phân tán đám mây. Theo ông, nhiều thiết bị hiện nay có CPU, bộ nhớ, lưu trữ và kết nối. Tất cả các thiết bị điện toán thậm chí các cả các thiết bị di động đều có thể trở thành server đám mây.

Ngày nay, kiến trúc đám mây trung tâm đã trở thành nút cổ chai lớn cho điện toán và truyền thông. Kiến trúc hiện tại phụ thuộc rất nhiều vào các máy chủ trong các trung tâm dữ liệu, đồng thời yêu cầu kết nối mạng nhanh và tin cậy. Kiến trúc này rất kém hiệu quả về băng thông, độ trễ và tính toán.

Cách tiếp cận tốt nhất để giải quyết vấn đề nan giải này là phân tán đám mây trung tâm bằng cách chuyển tất cả các thiết bị điện toán sang máy chủ đám mây, loại bỏ tất cả các trung gian kỹ thuật số và các yếu tố tin cậy của bên thứ ba khi có thể và hợp lý (possible and plausible). Các tài nguyên có được trên đám mây biên của Google, sẽ có các đơn đặt hàng lớn hơn so với tài nguyên đám mây trung tâm được lưu trữ trong các trung tâm dữ liệu trên toàn cầu.

Theo đó, ông trình bày về các cơ hội và thách thức đối với việc phân tán đám mây và một số nguyên tắc cần thiết để thiết lập một cấu trúc đám mây phân cấp biên thực dụng và có thể mở rộng.

Toàn cảnh Hội nghị

Tại Hội nghị, Giám đốc công nghệ của Ericsson Silicon Valley (Mỹ) Mallik Tatipamula có bài phát biểu chính về các xu hướng công nghệ chủ chốt cho chuyển đổi mạng 5G.

Theo ôngMallik Tatipamula việc triển khai 5G sẽ nhanh hơn bất kỳ thế hệ công nghệ di động nào trước đây. Dự báo vùng phủ 5G sẽ đạt 40% dân số thế giới vào cuối năm 2024. Trong cùng khoảng thời gian này, dự báo có 1,5 tỷ thuê bao 5G băng rộng di động. Lưu lượng dữ liệu toàn cầu năm 2024 sẽ tăng gấp năm lần so với năm 2018, trong đó 5G xử lý khoảng 25% tổng lưu lượng. Những gì chúng ta đang thấy là sự khởi đầu của những thay đổi cơ bản trong tương lai và tác động đến không chỉ thị trường tiêu dùng mà nhiều ngành công nghiệp.

Đại diện cho Việt Nam, phát biểu chính tại Hội nghị, ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc công nghệ của Công ty Hệ thống thông tin FPT trình bày nội dung giao thông thông minh trong thành phố thông minh bền vững.

Trong thời đại hiện nay, hệ thống giao thông đóng vai trò là xương sống ở các thành phố lớn. Các hệ thống giao thông hiện tại trong các thành phố lớn là một trong những hệ thống được sử dụng nhiều nhất, bị hạn chế về tài nguyên, tắc nghẽn và quá tải do sự gia tăng các yêu cầu di chuyển cao và đi lại. Giao thông vận tải không chỉ nổi lên như một thách thức lớn ở các đô thị lớn, mà còn cần phải được cải thiện trong 5 - 10 năm tới về cả hai khía cạnh cơ sở hạ tầng và kinh tế.

Việc nghiên cứu chuyên sâu về xe tự lái cũng như các phương tiện tự lái được kết nối (CAV) cần được tập trung để tới tối ưu hóa hệ thống giao thông trong các thành phố lớn. Hệ thống giao thông thông minh (ITS) không chỉ hướng tới cải thiện mức tiêu thụ nhiên liệu, tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường, giảm thiểu tai nạn giao thông mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống và dịch vụ cho người dùng trong môi trường thành phố thông minh.

Ông Phan Thanh Sơn cũng đề cập đến chuyển đổi số, thách thức và xu hướng phát triển đô thị ở Việt Nam. Tiếp theo, ông cũng đề cập cách tiếp cận các thành phố thông minh, trong đó đề cập đến các thành phố điển hình  trên thế giới như thành phố Barcelona (Tây Ban Nha)...

Là chủ tọa Hội nghị, PGS. TS. Nguyễn Xuân Huấn, Đại học Middlesex, Vương quốc Anh cho biết, Hội nghị năm nay tập trung giới thiệu những công nghệ mới nhất về số hóa, công nghệ 5G, trí tuệ nhân tạo, học máy, tương tác ảo, bảo mật, an toàn… đáp ứng cách mạng công nghiệp 4.0 trên thế giới và Việt Nam.

Việt Nam đang đẩy mạnh số hóa, các vấn đề cần quan tâm là cơ sở dữ liệu, đồng bộ các cơ sở dữ liệu, thu thập dữ liệu, nền tảng công nghệ 5G sẽ hỗ trợ mọi thứ kết nối với nhau, cần có nhiều cảm biến… Theo đó, Hội nghị sẽ đề cập đến những công nghệ mới nhất và các nội dung được Việt Nam quan tâm, trong đó, có vấn đề giao thông đang nổi lên là vấn đề “nóng” của Việt Nam. Các giải pháp công nghệ cho lĩnh vực này sẽ giúp đáp ứng xây dựng hệ thống điều hành giao thông thông minh giúp giải quyết các vấn đề về điều hành giao thông, thu phí thông minh, chọn đường thông minh… nhằm tránh ùn tắc.

Lan Phương