Phát hành hai bộ tem “Anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt” và “Tranh lụa Việt Nam”
Diễn đàn - Ngày đăng : 20:57, 04/04/2019
Nhân dịp 1000 năm sinh anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt, bộ tem “Kỷ niệm 1000 năm sinh Lý Thường Kiệt (1019 - 1105)” gồm 1 mẫu đã được phát hành.
Bộ tem “Kỷ niệm 1000 năm sinh Lý Thường Kiệt (1019-1105)”
Mẫu tem thể hiện hình tượng người anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt, được thể hiện qua bức tượng chân dung của ông ở vị trí trung tâm, phía sau là phòng tuyến sông Như Nguyệt cùng sông núi bờ cõi nước Nam được đồ họa bằng nét, thông qua đó toát lên khí thế quật cường của dân tộc trong thời kỳ chống giặc ngoại xâm.
Bộ tem có giá mặt 4000 đồng, khuôn khổ 43x32 mm, do họa sĩ Phạm Quang Diệu - Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN) thiết kế.
Lý Thường Kiệt là bậc đại danh tướng, là linh hồn của những chiến công lớn nhất lịch sử nước Việt trong thế kỷ XI.
Lý Thường Kiệt tên thật là Ngô Tuấn, tự là Thường Kiệt. Sau vì có công, được triều đình ban quốc tính, ghép họ được ban với tên tự thành Lý Thường Kiệt. Ông sinh năm 1019 vào thời vua Lý Thái Tổ và mất năm 1105 dưới thời vua Lý Nhân Tông.
Bộ tem được cung ứng trên mạng lưới Bưu chính từ ngày 01/4/2019 đến 31/12/2020.
Bộ tem chuyên đề về tranh lụa Việt Nam
Bộ tem thứ hai được phát hành là bộ tem “Tranh lụa Việt Nam”, giới thiệu đến công chúng những tác phẩm tranh lụa hiện đại Việt Nam.
Bộ tem gồm 4 mẫu với giá mặt 4000 đồng, 4000 đồng, 6000 đồng, 8000 đồng, thể hiện 04 tác phẩm của 04 họa sĩ đạt giải thưởng Nhà nước. Đó là “Bác Hồ đi công tác” (1980) của họa sỹ Nguyễn Thụ; “Ghé thăm nhà” (1958) của họa sỹ Nguyễn Trọng Kiệm; “Bếp lửa Trường Sơn” (1984) của họa sỹ Vũ Giáng Hương; “Hoa trái quê hương” (1990) của họa sỹ Lê Thị Kim Bạch.
Các mẫu tem từ 1 đến 4 của bộ tem "Tranh lụa Việt Nam"
Bộ tem được thiết kế tràn lề, khuôn khổ 50x40 mm do họa sỹ Nguyễn Du - Tổng công ty BĐVN thiết kế.
Tranh lụa là một trong những loại hình nghệ thuật có từ lâu đời của Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản. Khác với các loại tranh khác, ở đây, họa tiết được thể hiện trên tấm vải lụa. Chất liệu lụa không chỉ được dùng trong ngành thời trang mà đã được các họa sĩ cung đình sử dụng vẽ chân dung vua, chúa, các vị tướng có công với dân tộc và thể hiện trong tranh sơn thủy.
Lụa từ lâu đã là chất liệu mỹ thuật truyền thống của Việt Nam, nhờ sự đắc địa trong chuyển tải không khí u hoài, lãng mạn mà nhuần nhụy và tinh tế. Phong cách vẽ lụa nhuộm màu nhiều lần và rửa nước làm cho nền lụa ánh lên vẻ mịn màng, óng ả với hòa sắc êm dịu, đằm thắm là lối vẽ đặc trưng của các họa sỹ Việt Nam. Nhờ kỹ thuật này, các tác phẩm tranh lụa của Việt Nam luôn đậm đà chất trữ tình, những dấu ấn sáng tạo và ngời sáng vẻ đẹp Á Đông.
Tranh lụa hiện đại Việt Nam mới ra đời từ thập niên 1930. Điểm khác biệt nhất giữa kỹ thuật vẽ tranh lụa cổ và tranh lụa hiện đại Việt Nam là ở chỗ: tranh lụa cổ thường được vẽ trực tiếp trên lụa khô, trong khi quá trình tranh lụa hiện đại giống như sự nhuộm đi nhuộm lại màu lên mặt lụa; lụa được căng trên khung gỗ và trong quá trình vẽ họa sĩ có thể rửa lụa nhiều lần rồi vẽ tiếp tới khi như ý.
Nguyễn Phan Chánh (1892-1984) được coi là họa sĩ đã khai phá loại hình tranh lụa hiện đại Việt Nam. Sau Cách mạng tháng Tám, số họa sĩ vẽ tranh lụa đông hơn. Họ mở rộng hơn đề tài, kỹ thuật và đã có những thành công mới. Nguyễn Thụ là một họa sĩ chuyên nhất về tranh lụa, có một phong cách riêng biệt.
Một số nữ họa sĩ khác như Vũ Giáng Hương, Lê Kim Mỹ, Trần Thanh Ngọc, Mộng Bích, Kim Bạch, Đặng Thu Hương... cũng đã có nhiều thành công với tranh lụa.
Bộ tem được cung ứng trên mạng lưới Bưu chính từ ngày 01/4/2019 đến 31/12/2020.