Gắn kết chặt chẽ trong đào nhân lực để Việt Nam trở thành cường quốc ICT
Diễn đàn - Ngày đăng : 16:37, 30/03/2019
Ngày 30/3/3019, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) và Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đồng chủ trì tổ chức Tọa đàm và Triển lãm “Phát triển nguồn nhân lực ICT trình độ cao: Gắn kết cơ sở giáo dục đại học - doanh nghiệp”. Tọa đàm được tổ chức nhằm thực hiện có hiệu quả một trong ba đột phá chiến lược của Đảng, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao.
Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng, các Thứ trưởng Bộ GDĐT Lê Hải An, Thứ trưởng Bộ TTTT Phan Tâm, đại diện các Bộ, ban ngành, một số Sở GDĐT, sở TTTT, hơn 100 cơ sở đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực ICT, các Hiệp hội CNTT, doanh nghiệp (DN) ICT và các đối tác đã tham dự Tọa đàm.
Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu
Phát biểu tại Toạ đàm, Bộ trưởng Bộ TTTT cho biết ICT đã trở thành một ngành kinh tế lớn dựa trên tri thức và công nghệ với quy mô khoảng 100 tỷ USD, giá trị xuất khẩu trên 90 tỷ USD và xuất siêu trên 25 tỷ USD, xấp xỉ 1 triệu lao động. Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030 khi Đảng ta tròn 100 tuổi và trở thành nước phát triển vào năm 2045 khi chúng ta tròn 100 năm tuyên bố độc lập.
“Đột phá quan trọng để đạt được khát vọng này là dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, dựa vào công nghệ, dựa vào các DN công nghệ Việt Nam, trong đó chủ yếu là các DN số, DN ICT”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh nhấn mạnh.
Theo nhận định của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, ICT là nền tảng của cách mạng số, cách mạng công nghiệp 4.0, của chuyển đổi số, của kinh tế số và xã hội số. Xây dựng một nền công nghiệp ICT vững mạnh đi tiên phong trong việc áp dụng và phát triển các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, Internet kết nối vạn vật, tự động hoá, robot, phân tích dữ liệu lớn, 5G,... phấn đấu để Việt Nam trở thành một cường quốc về ICT, về công nghiệp CNTT, về điện tử viễn thông, về an ninh mạng, làm chủ về công nghệ, tạo ra sản phẩm Việt Nam và công nghệ Việt Nam.
Cuộc cạnh tranh trong thời đại 4.0 là cuộc cạnh tranh về nhân lực. Nước nào có nguồn nhân lực tốt, đáp ứng nhanh với nhu cầu thay đổi của công nghệ, dùng công nghệ để giải quyết tốt các bài toán của nước mình, của nhân loại thì nước đó sẽ chiến thắng trong cuộc cạnh tranh.
Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ tham quan Triển lãm giới thiệu các trường đại học, DN ICT trong khuôn khổ Tọa đàm
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Nhân lực sẽ là một lợi thế của Việt Nam nếu chúng ta giải quyết tốt bài toán cung cầu về nhân lực giữa nhà trường và thị trường, đổi mới đào tạo để đáp ứng được sự thay đổi của thời đại”.
Thế giới bây giờ đã nhiều thay đổi, làm trước rồi học sau, learning by doing, tự học để biết đến 70 - 80% rồi mới học thầy, học nhiều hơn những cái mới của tháng trước, quý trước, năm trước là cái không có trong sách giáo khoa. Mời doanh nhân, mời chuyên gia vào giảng nhiều hơn cùng với tư duy phản biện là quan trọng để phục vụ cho sáng tạo và đổi mới.
Theo đó, Bộ trưởng cho rằng người thầy bây giờ đóng vai huấn luyện viên để giao việc cho trò làm. Học cách tìm ra vấn đề là quan trọng hơn, các phòng lab trở thành cơ sở chính của nhà trường, nghiên cứu trong môi trường ảo, mô trường mô phỏng nhiều hơn là trong môi trường thực, tiếng Anh, CNTT trở thành công cụ tối thiểu và bắt buộc. Đồng thời cần thực hành nhiều hơn, tăng cường đào tạo lại (re-skill) và đào tạo nâng cao (up-skill),...
Cũng theo Bộ trưởng, công nghệ không ngừng thay đổi, và cách tốt nhất để đáp ứng là học cả đời. Bởi vậy, DN không chỉ là người sử dụng lao động mà còn là người liên tục đào tạo lao động. Tài sản lớn nhất của DN là nhân lực thì DN phải đầu tư vào nguồn tài nguyên này.
Chúng ta cũng cần có những tổ chức độc lập để đánh giá chất lượng của các trường đại học, đánh giá tỷ lệ có việc làm của sinh viên ra trường, đánh giá mức lương qua các năm của sinh viên các trường, xếp hạng các trường đại học.
“Đây sẽ là một thông tin rất tốt cho thị trường và là một động lực để thúc đẩy các trường nâng cao chất lượng đào tạo.”
Bộ trưởng bày tỏ mong muốn “DN, hiệp hội, cơ sở giáo dục đại học gắn kết, hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong giai đoạn tới để đưa Việt Nam trở thành một quốc gia hùng cường về ICT, góp phần hiện thực hoá khát vọng Việt Nam hùng cường”.
Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu
Theo Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ, để giải quyết vấn đề này, các trường đại học phải hoạt động như những DN cung cấp nguồn nhân lực, luôn luôn ý thức về thị trường. “Các DN phải nhìn các trường đai học như những bạn hàng. Việc gắn kết giữa các trường đại học và DN phải trở thành hoạt động tự thân, thường niên, mọi lúc mọi nơi”.
“Hai bên đến với nhau có động lực là cùng lợi ích nhưng có áp lực là không hợp tác với nhau sẽ không tồn tại được. Chỉ lúc đó, nhà trường và DN mới đến với nhau một cách bền vững”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Người đứng đầu Bộ GDĐT cũng khẳng định, nhà trường, DN và nhà nước phải đồng hành với nhau vì sự phát triển chung của đất nước, nhằm tiến tới xây dựng một hệ sinh thái đào tạo, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.
Toàn cảnh Tọa đàm
Trong khuôn khổ sự kiện, Lễ ký kết thoả thuận hợp tác giữa một số cơ sở giáo dục Đại học với đối tác DN ICT cũng được tổ chức.
Đồng thời, Triển lãm với sự tham gia của 9 trường đại học và 10 DN lớn sử dụng nguồn nhân lực ICT sẽ diễn ra trong cả ngày 30/3/2019. Đây là cơ hội để các DN quảng bá, giới thiệu với các trường đại học, với học sinh, sinh viên về công nghệ, sản phẩm, tiềm năng và nhu cầu tuyển dụng, các cơ hội việc làm, cơ hội thực tập, những yêu cầu cụ thể đối với sinh viên khi tốt nghiệp các ngành thuộc lĩnh vực ICT. Đây cũng là dịp để các trường đại học có cơ hội giới thiệu với nhà tuyển dụng, với người học về năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học và khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường lao động cũng như những thông tin về hướng nghiệp, tuyển sinh, về các chương trình đào tạo thuộc lĩnh vực ICT, hỗ trợ việc làm của sinh viên tốt nghiệp, hỗ trợ hướng nghiệp cho học sinh.