Vi phạm bản quyền trực tuyến từ các thiết bị phát trực tuyến bất hợp pháp

Xã hội số - Ngày đăng : 21:09, 02/03/2019

Thực trạng vi phạm bản quyền trực tuyến ngày càng gia tăng ở khu vực Đông Nam Á do việc sử dụng bất hợp pháp các TV Box hoặc các thiết bị phát trực tuyến bất hợp pháp (ISD). Điều này gây nên mối quan ngại cho các chính phủ, nhà sáng tạo nội dung và ngành công nghiệp truyền hình.

Phí dịch vụ cao, nội dung nhàm chán và chất lượng dịch vụ kém là lý do khiến ngày càng nhiều người tiêu dùng chuyển đổi từ các đài truyền hình truyền thống sang ISD - nơi họ có thể truy cập hàng ngàn kênh truyền hình lậu với giá thấp hơn rất nhiều.

Người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm thấy các thiết bị ISD trong các trung tâm mua sắm hoặc trên các trang web thương mại điện tử.

Tuy nhiên, không giống các nhà cung cấp Truyền hình Giao thức Internet (IPTV) hợp pháp như Netflix, Hulu và Amazon Prime, với các thiết bị ISD, nhà sản xuất nội dung sẽ không được trả phí.

Một loạt các khảo sát của Liên minh chống vi phạm bản quyền (CAPIA) của Hiệp hội Công nghiệp Video Châu Á (CAPIA) cho thấy 45% người Thái sử dụng ISD, Philippines (28%), Malaysia (25%) và Singapore (15%).

Các cuộc khảo sát được thực hiện từ cuối tháng 11 đến tháng 2 năm 2019, cũng cho thấy 69% người Thái mua ISD nói rằng họ đã hủy bỏ tất cả hoặc một vài thuê bao truyền hình hợp pháp. Ở Malaysia là 60%, Singapore là 28% và ở Philippines là 18%.

Nghiên cứu truyền hình kỹ thuật số có trụ sở tại London ước tính vi phạm bản quyền truyền hình và phim trực tuyến sẽ lên đến 31,8 tỷ đô la Mỹ trong năm nay, và đạt 51,6 tỷ đô la Mỹ vào năm 2022.

Ngày nay, vấn đề vi phạm bản quyền video đã trở nên phổ biến đến mức mà thuật ngữ vi phạm bản quyền không còn thực sự phù hợp. Trong Hội nghị thượng đỉnh chống vi phạm bản quyền ở Malaysia đầu tháng này, Ông Louis Boswell, Giám đốc điều hành của AVIA đã gọi vi phạm bản quyền là hành vi trộm cắp.

Không có sự khác biệt giữa việc vào cửa hàng và lấy cắp một thanh sôcôla với việc xem một video vi phạm bản quyền tại nhà của bạn. Sự khác biệt duy nhất đối với video bị đánh cắp là không có người trông coi cửa hàng, không có camera an ninh và các thủ phạm thực hiện vụ án mà không có nạn nhân.

Ngoài việc hủy hoại ngành công nghiệp nội dung sáng tạo và thâm hụt doanh thu của các đài truyền hình, vi phạm bản quyền còn liên quan đến các phần mềm độc hại, tống tiền và phần mềm gián điệp, một vấn đề mà hầu hết người dùng không thể biết được.

Image removed.

Các trang web và ứng dụng vi phạm bản quyền dễ bị lây nhiễm phần mềm độc hại. Nghiên cứu của Văn phòng sở hữu trí tuệ Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 9 năm 2018 cho thấy hầu hết các phần mềm độc hại trên các trang web vi phạm bản quyền có thể gây tổn thất tài chính, đánh cắp dữ liệu và các rủi ro khác như truy cập và kiểm soát trái phép. Một số phần mềm độc hại như trojan có thể truy cập từ xa cho phép tin tặc kích hoạt và ghi lại từ webcam của thiết bị. Nghiên cứu đã kết luận rằng nguy cơ phát tán phần mềm độc hại thông qua các trang web vi phạm bản quyền phức tạp hơn so với nhận định ban đầu.

Hiện nay hầu hết các quốc gia chưa có chế tài xử lý các vụ vi phạm bản quyền ISD.

Tại Singapore, trong năm nay luật vi phạm bản quyền trực tuyến sẽ được đệ trình lên Quốc hội để cấm bán TV box cho phép người tiêu dùng truy cập nội dung vi phạm bản quyền. Singapore đứng thứ ba trên thế giới và là quốc gia hàng đầu châu Á trong công cuộc bảo vệ Sở hữu trí tuệ (IP). Singapore đã dành ba năm để xem xét luật bản quyền liên quan đến ISDs.

Tại Malaysia, Ủy ban Truyền thông và Đa phương tiện Malaysia (MCMC) và Bộ Thương mại và Người tiêu dùng trong nước (KPDNHEP) đang thảo luận về lệnh cấm sử dụng ISD và dự kiến ​​sẽ hoàn thành nghiên cứu về nó vào cuối năm nay. Malaysia đã cấm một số hộp TV vì không đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật.

Mặc dù ISD là một vấn đề phức tạp và cần sự quan tâm của nhiều quốc gia, trước mắt các dịch vụ truyền hình trả tiền phải khắc phục nhược điểm của mình để cung cấp nội dung phong phú hơn, tiện ích hơn và chi phí thấp hơn nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.

Bên cạnh việc hướng dẫn người tiêu dùng, các công cụ pháp lý sẽ giúp hạn chế vấn đề vi phạm bản quyền. Người dân Đông Nam Á cần chấm dứt việc nhìn nhận vi phạm bản quyền là hành vị được xã hội chấp nhận và chấm dứt sử dụng ISD.

Hồng Phương, Phạm Thu Trang, Nguyễn Tất Hưng