Bắc Ninh đẩy mạnh truyền thông về dân ca Quan họ Bắc Ninh
Diễn đàn - Ngày đăng : 10:08, 26/02/2019
Tỉnh Bắc Ninh vừa tổ chức Festival “Về miền quan họ 2019 và kỷ niệm 10 năm dân ca quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại với chủ đề “Rạng rỡ miền Quan họ”.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Tử Quỳnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh khẳng định: Sau 10 năm Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO vinh danh (2009 – 2019), Bắc Ninh đã hành động quyết liệt để thực hiện nghiêm túc các cam kết với UNESCO tích cực gìn giữ, bồi đắp giá trị di sản, để Quan họ lan tỏa, trường tồn.
Bắc Ninh tôn vinh và tri ân các “Báu vật nhân văn sống”, phong tặng 71 nghệ nhân và 5 nghệ nhân ưu tú, hỗ trợ hàng tháng cho các nghệ nhân và kinh phí cho các làng và câu lạc bộ Quan họ, có cơ chế đãi ngộ cho các nghệ sĩ, diễn viên, nhân viên Nhà hát dân ca Quan họ.
Bên cạnh đó, Bắc Ninh đã mở rộng các hình thức truyền dạy trong cộng đồng và đưa Quan họ vào chương trình giảng dạy chính thức của trường học; xây dựng không gian diễn xướng Quan họ, tu bổ tôn tạo quần thể di tích lịch sử thủy tổ văn hóa đưa vào sử dụng và nhà chứa Quan họ và tiếp tục triển khai xây dựng ở nhiều địa phương. Đặc biệt, Bắc Ninh đã cơ bản hoàn thành công trình Nhà hát Dân ca Quan họ với kiến trúc độc đáo sẽ là nơi lý tưởng cho du khách thăm quan, cảm nhận thưởng thức những nét tinh túy của Quan họ.
Trong những năm qua, Bắc Ninh đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá Quan họ với nhiều hình thức phong phú cả trong và ngoài nước; xây dựng nhiều chương trình như về với Quan họ, hát Quan họ trên thuyền, Canh hát Quan họ đêm rằm đã trở thành hoạt động thường niên thu hút hàng vạn khán giả theo dõi. Đây là một trung tâm lưu trữ, bảo tồn và khai thác Quan họ, nghiên cứu 34 chuyên đề, ký âm 107 bài Quan họ cổ, xuất bản 9 đầu sách về Dân ca Quan họ; khuyến khích phát triển các làng, câu lạc bộ Quan họ…
Từ chỗ chỉ có 49 làng Quan họ gốc và 34 câu lạc bộ, đến nay, tỉnh đã phát triển lên 369 làng Quan họ thực hành, 381 câu lạc bộ với trên một vạn hội viên tham gia, hàng nghìn người có khả năng truyền dạy; đặc biệt, có hơn 140 câu lạc bộ ở các tỉnh và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Quan họ đã lan tỏa tới mọi miền của Tổ quốc và trở thành một biểu tượng văn hóa hấp dẫn, góp phần tích cực trong quá trình hội nhập văn hóa quốc tế; Quan họ đã mang một sức sống mới hòa trong nhịp thở của thời đại.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Bắc Ninh vì đã có nhiều thành tích trong công tác bảo tồn, phát triển Dân ca Quan họ Bắc Ninh
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh Vùng Kinh Bắc từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất mỹ tục khả phong, địa nhân linh kiệt, giàu truyền thống lịch sử, văn hiến và cách mạng. Từ vùng đất này đã sản sinh, đã nuôi dưỡng những làn điệu dân ca Quan họ vô cùng đặc sắc mượt mà, thể hiện vẻ đẹp hiện hữu của đất, của người Kinh Bắc. Dân ca Quan họ là một loại hình nghệ thuật đạt tới trình độ cao về diễn xướng, lời ca và âm nhạc… tổng hợp, hòa quện với các phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội… đậm chất trữ tình, hào hoa, thanh lịch và gắn kết cộng đồng. Đây là một loại hình nghệ thuật cần được bảo tồn, phát huy và nhân rộng.
Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những thách thức trong việc giữ gìn những loại hình văn hóa truyền thống nói chung, trong đó có dân ca quan họ Bắc Ninh nói riêng. Cụ thể như: Khó khăn do sự du nhập của nhiều nền văn hóa dễ làm mai một sự quan tâm của người dân, do đội ngũ nghệ nhân Quan họ cổ tuổi ngày càng cao, trong khi lớp nghệ nhân kế tiếp chưa nhiều; do cơ chế chính sách xã hội hóa chưa đủ thiết thực để kịp thời hỗ trợ các tập thể, cá nhân tham gia…
Trước thực tế đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Để Quan họ được bảo tồn, lan tỏa, điều quan trọng là phải tạo được không gian để Quan họ được sống một đời sống văn hóa như nó từng có, trong đó người dân giữ vai trò trung tâm. Trách nhiệm gìn giữ Quan họ không chỉ của người Kinh Bắc mà còn là của nhân dân Việt Nam ở trong và ngoài nước". Bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa do cha ông ngàn đời sáng tạo, trao truyền lại không chỉ là trách nhiệm thế hệ hôm nay với lịch sử mà còn là giải pháp quan trọng biến các di sản này thành nguồn lực thúc đẩy mọi người dân Việt Nam đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực vươn lên xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.