14 dịch vụ hành chính của Seoul được hỗ trợ bởi blockchain

Diễn đàn - Ngày đăng : 15:50, 15/02/2019

Nhờ việc ứng dụng blockchain, các dịch vụ công có thể trở được kết nối thực sự mà không vi phạm nghiêm trọng tới quyền riêng tư. Các cá nhân và công ty sẽ không còn cần phải mất nhiều thời gian điền vào các biểu mẫu những thông tin mà họ đã cung cấp cho chính phủ. Còn các cơ quan nhà nước có thể điều chỉnh dịch vụ của họ để dễ dàng đáp ứng nhu cầu của cá nhân và doanh nghiệp

Dự án “Blockchain City of Seoul” do Thị trưởng thành phố Seoul Park Won-Soon công bố tháng 10/2018 bao trùm 14 dịch vụ công cộng trong 5 lĩnh vực, với tổng ngân sách 123,3 tỉ Won (khoảng 108 triệu USD). Kế hoạch này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp blockchain, được coi là cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trên nhiều lĩnh vực của thành phố, nhằm phát triển Seoul từ thành một thành phố thông minh với nền tảng blockchain.

Cụ thể, 14 dịch vụ hành chính sẽ được cung cấp bởi blockchain tại Seoul gồm:

- Dân chủ trực tiếp thông qua sự tham gia của công dân: Vào năm 2019, mục tiêu đặt ra của chính quyền thành phố Seoul là triển khai hệ thống bỏ phiếu trực tuyến (m-Voting), nơi mọi người có thể bỏ phiếu cho các chính sách lớn hoặc tham gia vào quá trình ra quyết định của cộng đồng. Thành phố sẽ chia sẻ quy trình bỏ phiếu và kết quả với tất cả những người tham gia một cách minh bạch. Trong tương lai, việc này có thể được triển khai rộng rãi để quyết định các vấn đề đang chờ xử lý của cộng đồng.

- Xác minh trực tuyến không cần hồ sơ (Document-less online verification): Kế hoạch là triển khai blockchain cho các dịch vụ khác nhau như việc làm công cộng, dịch vụ phúc lợi... Blockchain sẽ giúp giảm thiểu quá trình xác minh bằng cách lưu trữ dữ liệu xác minh trên blockchain để các tổ chức tìm kiếm, thay vì yêu cầu người đăng ký đến các cơ quan khác nhau để xác minh hồ sơ. Thành phố sẽ tích hợp việc này vào lĩnh vực việc làm trong năm 2019 và mở rộng sang các giao dịch khác từ năm 2020.

- Quản lý toàn diện điểm thưởng của Chính quyền thành phố Seoul (S-Coin): Đây là đồng tiền điện tử của Seoul đang trong quá trình phát triển và sẽ được dùng trong các chương trình phúc lợi xã hội do thành phố tài trợ.

Bắt đầu từ năm 2019, công dân Seoul có thể ký gửi, sử dụng, chuyển đổi số điểm thưởng cá nhân được Chính quyền thành phố thanh toán khi tham gia các chính sách hay các chương trình phúc lợi của chính quyền địa phương dành cho cán bộ nhà nước, các thanh niên trẻ đang tìm việc và công dân có tinh thần bảo vệ môi trường bằng cách tiết kiệm điện, nước, gas… Công dân có thể ký gửi số điểm thưởng sử dụng S-Coin thông qua ứng dụng Thẻ công dân Seoul và sử dụng nó để nạp thẻ giao thông, quyên góp và đóng thuế địa phương.

- Thiết lập một hệ thống tin cậy để bán xe hơi đã qua sử dụng: Người bán có thể quản lý việc chuyển nhượng quyền sử dụng xe đã qua sử dụng, lịch sử tai nạn và tình trạng xe thông qua blockchain để ngăn chặn gian lận và khôi phục uy tín cho thị trường xe hơi đã qua sử dụng. Điều này sẽ được thực hiện trong khu phức hợp xe đã qua sử dụng Janganpyeong vào năm 2019. Sau đó, sẽ mở rộng sang các khu phức hợp xe đã qua sử dụng khác.

- Bảo vệ những người lao động bán thời gian: Blockchain sẽ được sử dụng để quản lý các hợp đồng, thanh toán của các lao động bán thời gian, những người không có hợp đồng lao động hoặc là không được cung cấp bảo hiểm trong thời gian làm việc và để cải thiện điều kiện làm việc.

Những người lao động bán thời gian sẽ có thể đăng kí thông qua ứng dụng blockchain, thứ được phát triển như là một phần của kế hoạch. Sau đó, các tổ chức phúc lợi lao động và các công ty bảo hiểm, những đơn vị sẽ tham gia vào hệ thống dưới dạng các node, có thể chia sẻ thông tin của người lao động thông qua mạng lưới phân tán và có thể lên kế hoạch cho việc cung cấp bảo hiểm.

Dựa trên giờ làm việc, việc tính toán khoản thanh toán sẽ được tự động và thanh toán sẽ được thực hiện. Bắt đầu từ năm 2019, việc này sẽ được áp dụng trước tiên trong các cơ quan nhà nước trực thuộc thành phố. Trong năm 2020, nó sẽ được liên kết với các cơ quan liên quan khác để mở rộng hơn nữa.

- Xác minh toàn diện Thẻ công dân Seoul (Seoul Citizen Card): Thành phố sẽ cung cấp dịch vụ ứng dụng Thẻ công dân Seoul cho phép khoảng 400 cơ sở công của quận và thành phố được sử dụng thông qua một thẻ duy nhất. Kế hoạch là triển khai tính năng xác minh toàn diện bằng một mã PIN duy nhất thay vì phải trải qua quy trình đăng ký thành viên riêng rẽ.

- Thanh toán hợp đồng phụ tự động: Thành phố sẽ tự động hóa việc thanh toán công việc công của thành phố trên nền tảng blockchain để bảo vệ quyền của người lao động và chủ doanh nghiệp nhỏ. Hệ thống sẽ tạo hợp đồng điện tử giữa các bên liên quan và tự động thực hiện thanh toán dựa trên hợp đồng.

- Chăm sóc sức khỏe thông minh phục vụ công dân: Hồ sơ chăm sóc sức khỏe cá nhân có thể được lưu trữ trên blockchain được mã hóa với sự đồng ý để tạo ra một hệ thống chia sẻ giữa các tổ chức y tế. Điều này sẽ giúp ngăn chặn việc điều trị chồng chéo và tiết kiệm chi phí y tế, trong khi cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe được cá thể hóa. Để đạt được điều này, một kế hoạch chiến lược sẽ được soạn thảo vào năm tới, bắt đầu bằng việc chia sẻ hồ sơ chăm sóc sức khỏe cá nhân.

- Ngăn chặn gian lận và lạm dụng các tài liệu dân sự trực tuyến: Chính quyền sẽ phát hành 29 loại hồ sơ chứng chỉ dân sự trực tuyến thông qua blockchain. Điều này sẽ tăng cường bảo vệ thông tin cá nhân và ngăn chặn tài liệu giả mạo. Các cá nhân có thể lưu trữ và quản lý các tệp chứng chỉ qua ví điện tử mà được bổ sung thêm vào Thẻ công dân Seoul.

- Chia sẻ lịch sử và chi tiết đóng góp: Một quy trình dựa trên blockchain sẽ tăng cường tính minh bạch và độ tin cậy của việc quyên góp. Đến năm 2020, một hệ thống quản lý toàn diện cho “Quyên góp và Đóng góp” sẽ được thiết lập để tính toán các nhiệm vụ liên quan và chia sẻ hồ sơ quyên góp.

- Cách mạng hóa hệ thống quản lý các quỹ ủy thác tư nhân: Đến năm 2020, thành phố có kế hoạch tạo ra một hệ thống quản lý mà tự động hóa việc lựa chọn ủy thác, đánh giá hiệu quả và hồ sơ quỹ ủy thác. Điều này sẽ tăng tính minh bạch cho các doanh nghiệp quỹ ủy thác tư nhân và giảm khối lượng công việc cho các tổ chức ủy thác.

- Quản lý vòng đời của các xe điện: Đến năm 2020, một hệ thống quản lý toàn diện sẽ quản lý vòng đời chung của ô tô điện thông qua blockchain. Ví dụ, việc xin trợ cấp xe điện sẽ được quản lý theo hệ thống blockchain. Các quy trình hiện có đang được xử lý thủ công sẽ được tự động hóa do đó giúp ngăn chặn mọi gian lận liên quan đến hồ sơ số dặm đi của xe.

- Kinh doanh năng lượng mặt trời thân thiện với môi trường: Điện năng được sản xuất từ ​​một máy phát năng lượng mặt trời sẽ được quản lý thông qua blockchain. Quá trình bán và mua điện dư sẽ được tự động hóa và thiết lập để có thể thực hiện thanh toán bằng cách sử dụng ứng dụng S-Coin của thành phố Seoul.

- Thiết lập một nền tảng tiêu chuẩn blockchain: Thành phố sẽ thiết lập một nền tảng tiêu chuẩn để các cơ quan hành chính khác nhau cũng có thể sử dụng công nghệ blockchain. Trong vòng một năm, các tiêu chuẩn cho các nhiệm vụ ứng dụng blockchain như biểu mẫu điện tử và quy trình xác minh tích hợp sẽ được chuẩn bị. Trong tương lai sẽ phát triển một mô hình chung để các cơ quan hành chính khác nhau sử dụng.

TH