Mỹ công bố sắc lệnh thúc đẩy đầu tư vào trí tuệ nhân tạo

Xu hướng - Dự báo - Ngày đăng : 16:40, 12/02/2019

Sáng kiến AI mới của Mỹ được kỳ vọng sẽ tạo ra một cú hích cho ngành công nghiệp, nhằm duy trì vị thế của nước Mỹ trong phát triển AI và các lĩnh vực liên quan.

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ký Sắc lệnh yêu cầu các cơ quan chính phủ liên bang ưu tiên nguồn lực và đầu tư vào nghiên cứu, quảng bá và đào tạo trí tuệ nhân tạo (AI).

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh ưu tiên đầu tư vào AI

Theo Sáng kiến AI của Mỹ, chính quyền Liên bang Mỹ sẽ chỉ đạo các cơ quan ưu tiên đầu tư vào nghiên cứu và phát triển AI, tăng khả năng tiếp cận các mô hình và dữ liệu liên bang cho nghiên cứu, phát triển các tiêu chuẩn quốc tế về AI do Mỹ dẫn đầu, chuẩn bị cho người lao động thích ứng với thời đại của AI. Sắc lệnh không nêu rõ khoản đầu tư cụ thể cho Sáng kiến này. Nhà Trắng cũng không tiết lộ thông tin về mốc thời gian để đạt được các mục tiêu đã nêu, mà thay vào đó hứa hẹn một kế hoạch chi tiết hơn trong 6 tháng tới.

Nhà Trắng nhấn mạnh rằng đầu tư vào AI là "rất quan trọng để tạo ra các ngành công nghiệp của tương lai, như xe hơi tự lái, robot công nghiệp, thuật toán chẩn đoán bệnh… Sáng kiến này nhằm đảm bảo Hoa Kỳ duy trì lợi thế của mình trong phát triển AI và các lĩnh vực liên quan, như sản xuất tiên tiến và điện toán lượng tử.

Một quan chức cấp cao của Mỹ cho rằng AI sẽ chạm đến mọi khía cạnh trong cuộc sống của mọi người. Tuy nhiên, AI và học máy sâu (deep machine learning) làm tăng mối lo ngại về việc kiểm soát, quyền riêng tư, an ninh mạng và được thiết lập để kích hoạt sự thay đổi công việc giữa các ngành công nghiệp và các công ty.

Sáng kiến AI được chia thành năm lĩnh vực chính:

- Nghiên cứu và phát triển: Các cơ quan chính quyền Liên bang được yêu cầu “ưu tiên đầu tư vào AI” trong ngân sách nghiên cứu và phát triển của họ và báo cáo số tiền đầu tư được sử dụng như thế nào để tạo ra một báo cáo toàn diện hơn về đầu tư của chính phủ vào AI.

- Cung cấp miễn phí tài nguyên: Dữ liệu liên bang, các thuật toán và sức mạnh xử lý sẽ được cung cấp cho các nhà nghiên cứu nhằm thúc đẩy các lĩnh vực như giao thông vận tải và chăm sóc sức khỏe.

- Các chuẩn mực đạo đức: Các cơ quan chính phủ như Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ thuộc Nhà Trắng và Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia (NIST) được giao xây dựng các tiêu chuẩn nhằm hướng dẫn sự phát triển của các hệ thống AI tin cậy, mạnh mẽ, an toàn, di động và có thể tương tác.

- Tự động hóa: Các cơ quan được yêu cầu chuẩn bị cho người lao động để bắt kịp những thay đổi của thị trường việc do các công nghệ mới tạo ra bằng việc tạo ra các học bổng và các chương trình học nghề phù hợp.

- Tiếp cận quốc tế: Chính quyền muốn hợp tác với các quốc gia khác về phát triển AI, nhưng đảm bảo giữ lại các giá trị và lợi ích cho Mỹ.

Sáng kiến đầu tư cho phát triển AI sẽ giải quyết một số lĩnh vực quan tâm chính nhưng việc thiếu ngân sách mới khiến cho có những quan ngại. Đến nay, đã có 18 quốc gia đã công bố các chiến lược AI quốc gia và một nửa trong số này đều có nguồn ngân sách hỗ trợ. Con số dao động từ khoảng 20 triệu USD ở Úc và Đan Mạch đến gần 2 tỷ USD ở Hàn Quốc.

Tuy nhiên, Sáng kiến này không giải quyết vấn đề nhập cư. Mỹ hiện dẫn đầu về AI một phần nhờ vào khả năng thu hút nhân tài nước ngoài, nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng các nhà nghiên cứu đang ngày càng do dự khi đến Mỹ bởi những hạn chế về nhập cư và cấp thị thực của chính quyền Mỹ. Theo thống kê của Quỹ Khoa học quốc gia Mỹ, số lượng sinh viên tốt nghiệp nước ngoài tại Mỹ đã giảm 5,5% trong giai đoạn 2016 - 2017.

TH