Công nghiệp ICT vươn ra biển lớn
Diễn đàn - Ngày đăng : 16:10, 07/02/2019
Theo số liệu tổng kết của Bộ TTTT, năm 2018, công nghiệp ICT tiếp tục đóng góp tỷ trọng lớn nhất trong doanh thu toàn ngành TTTT, với tổng doanh thu năm 2018 ước đạt 98,9 tỷ USD (năm 2017 là 91,5 tỷ USD), xuất khẩu ước đạt 94 tỷ USD.
Công nghiệp phần mềm duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao (13,8%) với doanh thu ước đạt 4,3 tỷ USD, xuất khẩu ước đạt 3,5 tỷ USD.
Về công nghiệp phần cứng, điện tử, viễn thông, tổng doanh thu năm 2018, đã tăng lên tới 2.000.000 tỷ đồng (88 tỷ USD). Các doanh nghiệp (DN) trong ngành đã xuất khẩu tới 50 nước trong khu vực và trên thế giới; sản xuất được các thiết bị như tổng đài, BTS, smartphone, set-top-box…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu tham quan trưng bày các sản phẩm, giải pháp ICT tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành TTTT 2019 của Bộ TTTT (Ảnh: Mạnh Vỹ)
Có thể nói, trong năm 2018, Bộ TTTT đã làm tốt vai trò thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ICT trên nguyên tắc kiến tạo thị trường, hỗ trợ DN và hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý ngành.
Trong năm 2018, Bộ TTTT đã nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách, hỗ trợ, thúc đẩy các DN Việt Nam sản xuất các thiết bị hạ tầng, đầu cuối điện tử - viễn thông sử dụng trong các hỗ gia đình với mục tiêu hầu hết các hộ gia đình sử dụng thiết bị điện tử do người Việt Nam sản xuất. Đặc biệt, phát triển công nghiệp IoT là định hướng trọng tâm của Bộ TTTT trong lĩnh vực công nghiệp ICT. Bộ TTTT đã xác định các tiêu chí đối với hạ tầng thông tin để hỗ trợ cho các ứng dụng IoT, phục vụ cho các hoạt động như: thành phố thông minh, nông nghiệp thông minh…
Mục tiêu chiến lược năm 2019 của lĩnh vực công nghiệp ICT là đưa Việt Nam trở thành một trong những nhà sản xuất thiết bị điện tử - viễn thông, xuất khẩu phần mềm, dịch vụ CNTT lớn nhất thế giới, đưa công nghệ công nghiệp 4.0 trở nên phổ cập ở Việt Nam trong tương lai.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ TTTT trung tuần tháng 1/2019, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh về cơ hội Việt Nam trở thành nhà sản xuất thiết bị điện tử viễn thông lớn của thế giới.
Theo Bộ trưởng, thế giới về cơ bản chỉ còn 4 công ty sản xuất thiết bị hạ tầng viễn thông, gồm: Ericsson, Nokia và 2 công ty Trung Quốc. Trung Quốc chiếm tới trên 60% thị phần, nhưng lại đang gặp khó khăn với Mỹ. Việt Nam hiện nay đã đã sản xuất được 70% các loại thiết bị viễn thông, với quyết tâm mức Chính phủ, chúng ta sẽ trở thành nước thứ 4 trên thế giới sản xuất được tất cả thiết bị viễn thông và xuất khẩu được, điều này chúng ta phải làm được trong năm 2019-2020. Các nhà mạng Việt Nam phải dùng thiết bị Made In Vietnam nếu giá và chất lượng tương đương. “Đây là việc có ý nghĩa rất lớn vì hạ tầng của kinh tế số là mạng lưới viễn thông”.
Về công nghiệp nội dung số, Bộ trưởng cho biết nội dung số phải chiếm 20 - 30% doanh thu của các nhà mạng, nhưng hiện nay mới chiếm 6-8%, là tỷ lệ quá thấp so với các nước. “Cơ hội tăng trưởng ở đây còn 3-4 lần, doanh thu có thể đạt 3 - 4 tỷ USD. Vấn đề mấu chốt để tăng trưởng ngành công nghiệp nội dung số là chính sách phải tạo sự phát triển cho lĩnh vực này, các DN nước ngoài cung cấp dịch vụ nội dung xuyên biên giới vào Việt Nam và DN Việt Nam phải cùng một chính sách quản lý, không bảo hộ ngược, tỷ lệ ăn chia với nhà mạng phải khích lệ công ty nội dung, hệ thống phân phối, thẻ nạp tiền của nhà mạng phải hỗ trợ thanh toán cho công ty nội dung”.
Về công nghiệp 4.0, theo nhận định của Bộ trưởng, các công nghệ của công nghiệp 4.0 có thể được áp dụng trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội và văn hóa của đất nước. Phải có rất nhiều DN công nghệ Việt Nam để thay đổi các lĩnh vực này bằng công nghệ, để đưa công nghệ công nghiệp 4.0 trở thành phổ cập ở Việt Nam.
“Bộ TTTT sẽ thành lập bộ phận thúc đẩy phát triển các DN công nghệ, mà đầu tiên sẽ là các DN CNTT đi tiên phong trong lĩnh vực này. CMCN 4.0 cũng đòi hỏi sự thay đổi chính sách để chấp nhận các mô hình kinh doanh mới do các công nghệ mới sinh ra. Bộ cũng sẽ xin phép Chính phủ cách tiếp cận Sandbox trong lĩnh vực ICT, cho phép thử nghiệm những cái mới trong một không gian và thời gian nhất trước khi đưa ra chính sách quản lý”.
Bộ TTTT đã được Thủ tướng Chính phủ giao hợp tác với Diễn đàn kinh tế thế giới để thành lập Trung tâm cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 tại Việt Nam. Lễ ký kết đã tại Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos - Thụy Sỹ tháng 1/2019 dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch sáng lập Diễn đàn Kinh tế thế giới - GS. Klaus Schwab. Trung tâm dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2019. Đây là trung tâm hình thành các chính sách cho CMCN 4.0, nghiên cứu và tham mưu cho Chính phủ và các Bộ, ngành về công nghiệp 4.0 như Trí tuệ nhân tạo (AI); Internet kết nối vạn vật (IoT); chuỗi khối (Blockchain); Tự động hóa; Thiết bị không người lái và hàng không tương lai; Thương mại số; Công nghiệp 4.0 về Trái đất; Y tế chính xác; Dữ liệu lớn, những công nghệ có thể áp dụng rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Cũng tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ TTTT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo công nghiệp ICT cần phải tạo ra một phong trào cách mạng trong lĩnh vực của mình. “Chúng ta cần nhiều DN công nghệ vừa và nhỏ nhưng cũng cần phải chú trọng vào thành phần DN công nghệ lớn có thứ hạng toàn cầu. Các DN lớn như Viettel, VNPT, MobiFone, FPT… phải cố gắng vươn ra mạnh mẽ hơn ra thị trường thế giới”. Thủ tướng yêu cầu các nhà mạng Việt Nam phải dùng thiết bị Việt Nam. Việt Nam phải sản xuất được các thiết bị viễn thông, đặc biệt là các thiết bị hạ tầng viễn thông.