Chuẩn bị cho triển khai thương mại 5G tại Việt Nam
Chính phủ số - Ngày đăng : 15:53, 24/01/2019
Chia sẻ về sự kiện này, ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson tại Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào đồng thời là đồng Chủ tịch Phòng thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết 5G đang hiện diện mạnh mẽ khi nhiều nước trên thế giới đã khởi động cung cấp các dịch vụ 5G. Khi lưu lượng dữ liệu di động toàn cầu dự kiến sẽ tăng gấp 8 lần vào cuối năm 2023, thì nhu cầu triển khai công nghệ ngày càng lớn hơn để có thể mang lại các tốc độ dữ liệu cao hơn và cải thiện sử dụng phổ tần.
“Chúng tôi cũng thấy nhu cầu các ứng dụng mới tăng lên và các nước cũng đang thúc đẩy chuyển đổi số trong tất cả các ngành như sản xuất, nông nghiệp, y tế, giáo dục, ngân hàng và tài chính. Và những trường hợp ứng dụng này, nhiều trong số đó là nhiệm vụ quan trọng một cách tự nhiên, đòi hỏi băng thông cao hơn, dung lượng lớn hơn, bảo mật tăng, độ trễ thấp hơn và mức tiêu thụ điện được cải thiện. 5G mang lại những lợi ích này. 5G sẽ mang lại cơ hội mới cho mọi người, xã hội và doanh nghiệp”.
Tại Việt Nam, mặc dù 4G vẫn đang được tất cả các nhà mạng triển khai nhanh chóng trên toàn quốc, nhưng điều quan trọng là bắt đầu chuẩn bị cho 5G ngay bây giờ. 5G yêu cầu lập kế hoạch tỉ mỉ để tối đa hóa hiệu quả và lợi ích thực hiện. Việt Nam có lợi thế để đảm bảo bắt đầu triển khai 5G đúng cách, đúng thời điểm và với các ứng dụng phù hợp, áp dụng một loạt các trường hợp sử dụng và ứng dụng sáng tạo và hấp dẫn trong các ngành được nhắm mục tiêu, giúp chúng hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí và có thể tiếp cận với tất cả mọi người - thúc đẩy tăng trưởng toàn diện, bền vững và phát triển kinh tế xã hội.
“Ericsson hoàn toàn ủng hộ tầm nhìn và tham vọng của Việt Nam nhằm thúc đẩy CNTT-TT phát triển hơn nữa để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội Việt Nam thông qua việc áp dụng sớm công nghiệp 4.0, được hỗ trợ bởi 5G và IoT”.
Tốc độ 5G giảm độ trễ giúp điều khiển robot một cách tốt nhất
Theo nhận định của ông Denis Brunetti, các quốc gia thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4 được 5G và IoT hỗ trợ, sớm nhất sẽ là các quốc gia được hưởng giá trị tối đa về mặt chuyển đổi số xuyên ngành. Cùng với việc làm cho các ngành công nghiệp hiệu quả hơn, nó cũng sẽ khuyến khích các công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, tạo ra mức độ cao hơn của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) công nghệ cao và chuyển giao công nghệ tại Việt Nam, cũng giúp cải thiện năng lực đổi mới quốc gia.
“Việc công bố cấp phép thử nghiệm 5G trong năm 2019 để chuẩn bị cho làn sóng triển khai thương mại 5G bắt đầu từ năm 2020, phù hợp với tầm nhìn của chính phủ cải thiện xếp hạng CNTT toàn cầu của Việt Nam từ vị trí thứ 108 đến 30 - 50 vào năm 2022”, ông Denis Brunetti nhấn mạnh.
Chia sẻ quan điểm thử nghiệm 5G tại Việt Nam, ông Thiều Phương Nam, Giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào, Campuchia cho biết điều quan trọng trong công tác thử nghiệm là khả năng tương thích với thiết bị đầu cuối, quy hoạch băng tần được triển khai tốt chuyển sang 5G thương mại sẽ không phải là vấn đề thời gian.
Năm 2019 sẽ là năm các thế hệ thiết bị đầu tiên ra đời, năm 2020 sẽ là thế hệ thứ hai. Các thiết bị xuất hiện nhiều hơn và giá cũng sẽ phải chăng hơn. Ngoài ra, vào thời điểm đó công nghệ mạng lưới đã sẵn sàng và các chuẩn hóa cũng đã được thông qua. Tương tự như thời điểm triển khai 4G, khi 5G xuất hiện, cả 4G và 5G sẽ cùng chạy song song với nhau trong một thời gian.
Giai đoạn đầu 5G sẽ được triển khai ở các thành phố lớn cho những người có nhu cầu dùng công nghệ thực tế ảo, những người dùng điện thoại thông minh nhưng nhu cầu rất cao, như để xem video ở chất lượng HD, ô tô thông minh hay ô tô tự lái. Đó là những thị trường mà 4G không đáp ứng được. Do đó, 2020 là thời điểm thích hợp khi các điều kiện thuận lợi chín muồi. Vào thời điểm đó, các thiết bị đầu cuối 5G sẽ nhiều hơn. Đương nhiên kế hoạch triển khai cụ thể sẽ còn tùy vào các nhà mạng.
Việc Viettel được cấp phép thử nghiệm 5G vào năm 2019, về mặt công nghệ và kĩ thuật thì Qualcomm nghĩ rằng lộ trình thử nghiệm 1 năm này khả thi vì khi triển khai thử nghiệm thành công thì việc nhân rộng mạng lưới sẽ rất nhanh.
Quan điểm của Qualcomm, 5G muốn thành công thì phải nhắm tới các thị trường mới như là IoT, thành phố thông minh, ô tô kết nối… Các phân khúc thị trường này cần phải có bước chuẩn bị về chiến lược kinh doanh thì việc triển khai thương mại 5G mới thành công.
5G tối ưu cho các thiết bị IoT
Để 5G được thương mại hóa trong năm 2020, ông Dennis Brunetti chia sẻ thêm Việt Nam sẽ cần tập trung vào các chính sách liên quan, cấp phép/sử dụng phổ tần, sáng tạo trong sử dụng thông qua khởi nghiệp, lập kế hoạch mạng lưới và triển khai.
"Ericsson là đối tác tin cậy, an toàn và chiến lược đối với chính phủ Việt Nam và Nhà điều hành di động và chúng tôi cam kết hợp tác chặt chẽ với chính phủ trên tất cả các khía cạnh quan trọng này. Một ví dụ, gần đây, Ericsson đã ký kết ‘IoT Đổi mới HubT MoU với Bộ Khoa học và Công nghệ để cùng nhau tạo ra một môi trường thuận lợi cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Chúng tôi cũng đang hợp tác chặt chẽ với Bộ TTTT và các nhà khai thác trong kế hoạch cho 5G", ông Dennis Brunetti cho biết.
Về phía Huawei Việt Nam, CEO Fan Jun cho biết cũng đã chuẩn bị sẵn sàng để hỗ trợ Việt Nam bước vào thời đại 5G bất cứ lúc nào. Chúng tôi sẵn sàng cung cấp cho khách hàng các giải pháp cạnh tranh nhất theo kế hoạch xây dựng 5G của Việt Nam và tiến độ xây dựng 5G của các nhà mạng, đồng thời cung cấp trải nghiệm tốt nhất cho người tiêu dùng.
Công nghệ 5G thúc đẩychuyển đổi số, kinh tế số ở Việt Nam
Theo ông Denis Brunetti Ericsson, nền kinh tế số Việt Nam đã tăng gấp ba lần từ 3 tỷ USD lên 9 tỷ USD trong 3 năm qua. Tầm nhìn của Việt Nam là trở thành một trong 10 quốc gia dịch vụ gia công phần mềm và nội dung số lớn nhất thế giới, với khoảng 1 triệu nhân viên trong lĩnh vực CNTT vào năm 2020.
5G và IoT sẽ là những động lực chính cho đất nước phát triển kinh tế số và nắm bắt lớn cơ hội trong CMCN 4.0. Báo cáo tiềm năng kinh doanh 5G của Ericsson (5G Business Potential Report) ước tính rằng đối với Việt Nam, sẽ có thêm 3,17 tỷ USD cơ hội doanh thu cho các công ty viễn thông đáp ứng số hóa ngành bằng công nghệ 5G. Cơ hội lớn nhất cho doanh thu liên quan đến nhà mạng 5G sẽ là các lĩnh vực sản xuất, nông nghiệp, năng lượng và tiện ích. “Hiện thực hóa giá trị của 5G trong việc thúc đẩy cuộc CMCN lần thứ tư sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội”.
Trong khi đó, theo nhận định của ông Thiều Phương Nam, xu hướng Internet hiện nay là Internet di động. Phần lớn trải nghiệm của người dùng về các dịch vụ, nội dung đều chuyển lên thiết bị di động. Muốn Internet di động phát triển tốt thì hạ tầng viễn thông di động phải tốt. Công nghệ 4G, 5G là nền tảng cực kỳ quan trọng cho thúc đẩy sự phát triển internet tại Việt Nam, đặc biệt ở mảng di động. Riêng 5G sẽ mở ra nhiều cơ hội mới. Các dịch vụ 3G, 4G trước đây chủ yếu là cung cấp dịch vụ cho người dùng qua smartphone.
Trong tương lai, con người sẽ sử dụng 5G vào kết nối vạn vật rất lớn. Dự báo rằng sau này sẽ có khoảng 35 tỷ thiết bị kết nối Internet và sẽ phải chạy trên nền tảng 5G. “5G là một nền tảng thiết yếu cho sự phát triển của Internet Việt Nam và trên thế giới, là một nền tảng quan trọng để phát triển nền kinh tế số, hệ sinh thái số, công nghệ 4.0”, ông Nam nhấn mạnh.
Tại sự kiện ngày Internet Việt Nam 2018, ông Trần Tuấn Anh, Cục Viễn thông, Bộ TTTT cho biết công nghệ 5G có hai điểm chính là tốc độ đỉnh tải xuống đạt 20Gbit/s, tải lên đạt 10Gbit/s, tốc độ dữ liệu tải xuống cho người sử dụng là 100 Mbit/s và tải lên là 50Mbit/s. Ngoài ra, độ trễ có thể đảm bảo dưới 1ms, đáp ứng các dịch vụ đòi hỏi độ trễ thấp, có thể cung cấp dịch vụ cho hàng triệu triệu kết nối/km2, đáp ứng tốc độ di chuyển tới 500 km/giờ.
5G có sự khác biệt so với các công nghệ di động trước đây như 2G, 3G và 4G. 5G là kết nối con người, mọi đối tượng, máy tới máy (M2M). Mạng 5G bản chất là mạng tổng hợp của các mạng phục vụ riêng cho người sử dụng dịch vụ điện thoại, Internet… hay 5G là một mạng cho tất cả các ngành.
Dịch vụ chính của 5G cũng khác với các dịch vụ của công nghệ khác, đáp ứng: phục vụ nhu cầu thế giới ảo, thực, truyền video chất lượng cao; phục vụ liên lạc đám đông, mọi khía cạnh cuộc sống bình thường và các dịch vụ độ trễ thấp như đào hầm, đào mỏ, xe tự lái…