Ngành dịch vụ tài chính ASEAN: Những dấu hiệu khởi sắc

Hội nhập - Ngày đăng : 20:32, 21/01/2019

Hội nhập tài chính trong khu vực ASEAN đóng một vai trò quan trọng cho việc tiếp tục phát triển lĩnh vực tài chính, tạo điều kiện tiếp cận tốt hơn đến lĩnh vực bảo hiểm, thị trường vốn và ngân hàng.

Trong thập kỷ qua, ngành dịch vụ tài chính ở Đông Nam Á đã đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ và ấn tượng. Cách tiếp cận tích hợp trong lĩnh vực này đã tạo điều kiện cho những bước tiến lớn về kinh tế, với sự tăng trưởng GDP khu vực được xem như một minh chứng cho kế hoạch đúng đắn giữa các quốc gia thành viên ASEAN.

Cùng với kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) năm 2025, khối này hiện đang tìm cách nâng cao vị thế của mình trên thị trường toàn cầu.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Đông Nam Á dự kiến sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm ở mức 5,6% trong vài năm tới và được kỳ vọng sẽ trở thành khối thương mại lớn thứ 4 thế giới vào năm 2050.

Các dịch vụ tài chính là mấu chốt cho sự tăng trưởng và phát triển của một khối kinh tế. Khi các ngân hàng và công ty bảo hiểm mở rộng hoạt động ra khỏi biên giới một quốc gia, các dịch vụ đồng thời cũng tạo điều kiện cho dòng vốn, lao động, thương mại và các bí quyết kinh doanh vượt qua các ranh giới đó. Do đó, bất kỳ sự giới hạn nào trong dòng chảy này sẽ hạn chế một hệ sinh thái tài chính mở và sôi động hơn.

Đồng thời, mức sống của người dân trong khu vực sẽ tiếp tục tăng lên. Trong thập kỷ qua, sức mua của hộ gia đình đã tăng đáng kể, chuyển đổi khu vực này thành một trung tâm thịnh vượng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Hơn nữa, quy mô tầng lớp tiêu thụ ở ASEAN ước tính sẽ tăng gấp đôi từ 81 triệu lên 163 triệu người vào năm 2030. Châu Á được dự báo sẽ chiếm hơn 1/2 tổng dân số trung lưu toàn cầu vào năm 2020, với ASEAN chiếm hơn 2.000 tỷ USD mức tiêu thụ tăng thêm của lục địa.

Trước đó, Khuôn khổ hội nhập tài chính ASEAN (ASEAN Financial Integration Framework) đã được đưa ra, nhằm mang lại một cách tiếp cận chung cho các sáng kiến tự do hóa và hội nhập theo khẩu hiệu của AEC. Nó cung cấp một cách tiếp cận chung cho các sáng kiến tự do hóa và hội nhập trong khuôn khổ AEC. Khuôn khổ này nhằm tạo ra một khu vực tài chính bán hội nhập vào năm 2020, trong đó mỗi nước thành viên sẽ được phép xác định mốc thời gian và khung thời gian riêng để đạt được mục tiêu chung cuối cùng của hội nhập tài chính khu vực.

Hiện tại, những mục tiêu chính của khuôn khổ này đã được đặt ra hoặc đang trong quá trình thực hiện tại khắp các quốc gia Đông Nam Á, bao gồm xóa bỏ các hạn chế đối với việc cung cấp dịch vụ tài chính trong nội bộ ASEAN của các tổ chức tài chính ASEAN, xây dựng năng lực và cơ sở hạ tầng để phát triển và hội nhập thị trường vốn ASEAN, tự do hóa dòng vốn trên toàn khu vực, cũng như hài hòa các hệ thống thanh toán.

Nhiều tiến bộ đáng kể đã được thực hiện nhằm thúc đẩy một dòng vốn tự do hơn và kết nối tốt hơn giữa các thị trường vốn ASEAN thông qua nhiều sáng kiến được đưa ra trong Diễn đàn thị trường vốn ASEAN. Những người tham gia thị trường có thể mong đợi các khoản đầu tư xuyên biên giới liền mạch hơn với chi phí giảm và khả năng tiếp cận nhiều hơn tới các khoản đầu tư của ASEAN.

Một cấu trúc tài chính khu vực tích hợp hơn cũng sẽ cho phép một phần lớn hơn trong tiết kiệm thặng dư  được triển khai trong khu vực theo hướng có lợi, chẳng hạn như các dự án cơ sở hạ tầng. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ASEAN sẽ cần khoảng 1.000 tỷ USD trong 10 năm tới để đầu tư cơ sở hạ tầng trong các quốc gia thành viên.

Việc cung cấp đủ nhà ở, giao thông công cộng hiệu quả và tiếp cận với nước sạch và điện là những yếu tố trong khoản đầu tư đặc biệt này.Mặc dù con số này có thể cao, khả năng sử dụng các khoản tiết kiệm khổng lồ trong ASEAN sẽ củng cố triển vọng của khu vực để tài trợ và duy trì các khoản đầu tư như vậy, có thể được cải thiện nhờ hệ thống ngân hàng gắn kết.

Để có thể phát huy hết tiềm năng và nâng cao hiệu quả, một nhiệm vụ quan trọng đối các nhà hoạch định chính sách là thiết kế và áp dụng các chính sách để hỗ trợ một hệ thống ngân hàng tích hợp cả về mặt hiệu quả và khả năng phục hồi. Bên cạnh đó, các khung pháp lý và giám sát phải hài hòa để tốc độ hội nhập tài chính có thể được đẩy nhanh giữa các nước thành viên ASEAN.

TH