Hai doanh nghiệp viễn thông lọt Top 3 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2018

Diễn đàn - Ngày đăng : 20:24, 11/01/2019

Brand Finance, nhà tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới, vừa công bố danh sách 50 thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam năm 2018. Theo đó, VNPT và Viettel đều nằm trong Top 3 thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam.

Theo bảng xếp hạng của Brand Finance mới công bố, VNPT là doanh nghiệp duy nhất có 2 thương hiệu nằm Top 10 thương hiệu lớn nhất trong Top 50 thương hiệu lớn nhất Việt Nam năm 2018 và có con số giá trị thương hiệu tăng khá cao năm 2017.

Cụ thể, VNPT giữ vững vị trí Top 3 trong Top 50 thương hiệu lớn nhất Việt Nam 2018 cùng với Viettel và Vinamilk. Giá trị thương hiệu của VNPT năm 2018 được định giá là 1.339 tỷ USD. Với con số này, giá trị thương hiệu của VNPT tăng 16% so với năm 2017.

Cùng với thương hiệu VNPT, thương hiệu VinaPhone đứng thứ 7 trong Top 50 thương hiệu lớn nhất Việt Nam 2018, tăng 15% so với năm 2017.

Ông Samir Dixit, Giám đốc Điều hành Brand Finance khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết Brand Finance đã sử dụng phương pháp tiến bộ về kỹ thuật, phù hợp với chuẩn ISO để đánh giá. Năm nay, công ty tiếp tục công bố danh sách giá trị thương hiệu toàn cầu, là tổng hợp các sức mạnh tài chính của mỗi doanh nghiệp (DN). Mỗi thương hiệu có một điểm số thương hiệu riêng, cho thấy sức mạnh, rủi ro và tiềm năng tương lai so với đối thủ.

Mục đích nghiên cứu của Brand Finance là kiểm tra hiệu quả của tài sản vô hình và thương hiệu của Việt Nam. Tài sản vô hình đang đóng góp một phần đáng kể trong giá trị của DN. Brand Finance tính toán các giá trị của thương hiệu bằng cách tiếp cận Royalty Relief, một phương pháp định giá thương hiệu tuân thủ các chuẩn công nghiệp được thiết lập trong ISO 10668.

Trước đó, ngày 23/8/2018, Forbes Việt Nam đã tổ chức lễ giới thiệu và vinh danh 40 thương hiệu công ty Việt Nam giá trị nhất 2018. Theo đó, VNPT được xếp ở vị trí thứ 3 và VinaPhone xếp ở vị trí thứ 6 trong Top 40 thương hiệu công ty Việt Nam giá trị nhất 2018. Top 40 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2018 chủ yếu vẫn thuộc ba nhóm ngành hàng tiêu dùng, tài chính - ngân hàng và công nghệ - viễn thông.

VNPT cho biết, năm 2018, VNPT đạt lợi nhuận 6.445 tỷ đồng, vượt 9,4% kế hoạch và tăng 25% so với năm 2017. Đây là năm thứ 5 liên tiếp VNPT đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trên 20%. Theo thống kê, mức tăng trưởng lợi nhuận của VNPT trong năm qua là 24,7%.

Tính đến thời điểm này, tổng số thuê bao điện thoại của VNPT là 34 triệu thuê bao, trong đó thuê bao di động là 31,3 triệu thuê bao. Tổng số thuê bao Internet băng rộng là 5,2 triệu thuê bao, tăng 11% so với năm 2017.

Năm 2018, VNPT nộp ngân sách là 4476 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2017. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu là 12,2%, tăng 23% so với năm 2017.

Năm 2018 là năm VNPT vẫn tập trung vào đầu tư mạng lưới hạ tầng và mở rộng các dịch vụ CNTT. Kết quả công bố chất lượng di động của 3 mạng di động lớn nhất và Bộ TTTT vừa công bố, mạng di động VinaPhone của VNPT đứng thứ nhất ở 4/9 chỉ tiêu quan trọng. Các chỉ tiêu chất lượng của mạng VinaPhone cũng vượt xa so với các chỉ tiêu mà Bộ TTTT đưa ra. Tính đến nay, VinaPhone đã có gần 60.000 trạm thu phát sóng thông tin di động 3G và 4G, có khả năng đáp ứng cho khoảng 40 triệu thuê bao có thể sử dụng.

VinaPhone là nhà mạng viễn thông đang có những thay đổi mang tính đột phá trong chiến lược tiếp cận khách hàng với sự đầu tư chất lượng hạ tầng mạng, đa dạng hoá sản phẩm dịch vụ cùng với hệ sinh thái ưu liên kết hàng nghìn DN mang đến ưu đãi cũng như trải nghiệm tối ưu cho người dùng.

Theo đại diện VNPT, năm 2018 cũng là năm đầu tiên VNPT triển khai chiến lược phát triển giai đoạn 2018-2025 và tầm nhìn. Đến thời điểm này có thể nói VNPT đã khởi động tương đối thành công. Theo chiến lược VNPT 4.0, VNPT sẽ chuyển đổi dần từ một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang một nhà cung cấp dịch vụ số, hướng tới trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu tại Việt Nam và Trung tâm giao dịch số của khu vực châu Á.

Lan Phương