Sẽ cấp phép thử nghiệm mạng 5G trong tháng 1/2019

Sách và cuộc sống - Ngày đăng : 11:12, 07/01/2019

Đây là thông tin được lãnh đạo Cục Viễn thông và Cục Tần số Vô tuyến điện (VTĐ) Bộ TTTT cho biết tại Hội nghị triển khai công tác của Khối các đơn vị Viễn thông thuộc Bộ TTTT mới đây.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Cụ thể, theo ông Nguyễn Đức Trung - Cục trưởng Cục Viễn thông, trong kế hoạch công tác 2019 sẽ sớm cấp phép thử nghiệm, cấp phép cung cấp dịch vụ di động 5G cho doanh nghiệp (DN) thông tin di động.

Hiện đã có DN gửi hồ sơ về Cục xin cấp phép thử nghiệm 5G. Cục đã có văn bản gửi các DN và đề nghị các DN có nhu cầu sớm gửi hồ sơ xin cấp phép thử nghiệm 5G về Cục. Cục sẽ hướng dẫn và trình Bộ trưởng cấp phép thử nghiệm 5G trong tháng 1/2019, đồng thời trình Bộ cấp phép chính thức ngay khi kết thúc thử nghiệm đối với DN đủ điều kiện.

Theo ông Trung, Bộ trưởng Bộ TTTT đã chỉ đạo với 5G khi các nước trên thế giới bắt đầu triển khai thì Việt Nam triển khai ngay. Việc cấp phép thử nghiệm hoàn toàn phụ thuộc vào các DN gửi hồ sơ.

Cũng về cấp phép thử nghiệm 5G, ông Lê Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Tần số VTĐ cho biết sẽ cấp phép cho ít nhất 01 DN thử nghiệm 5G trong tháng 1/2019. Để triển khai nhiệm vụ này, trong năm 2018, Cục đã nghiên cứu, xác định được các băng tần dùng cho thử nghiệm 5G. Tháng 1/2019, Cục nghiên cứu, xác định các khu vực thử nghiệm băng tần 3,5 GHz, tránh nhiễu cho các trạm VSAT hiện có. Cục sẽ đôn đốc các DN viễn thông hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép thí điểm.

Cục cũng sẽ phối hợp cùng DN trong quá trình thử nghiệm, tiến hành đo, đánh giá khả năng gây nhiễu, các yêu cầu về bộ lọc cho trạm phát 5G, trạm thu VSAT, độ rộng băng tần bảo vệ giữa 5G và đường xuống vệ tinh trong băng 3,5GHz.

Để quy hoạch băng tần phục vụ 4G, 5G, Cục tham khảo kinh nghiệm quốc tế, phối hợp với DN thử nghiệm để đánh giá khả năng gây nhiễu, độ rộng băng tần bảo vệ, các yêu cầu về bộ lọc trong 2 băng tần 3,3 - 3,4GHz và 3,7 - 3,8GHz.

Cục sẽ phối hợp với VNPT đánh giá khả năng sử dụng băng tần 3,6 -3,7 GHz cho 5G. Đồng thời, Cục sẽ rà soát, thống kê số lượng, vị trí trạm VSAT hoạt động trong giải tần 3,3 - 4,2 GHz; Vận động các chủ VSAT đang hoạt động trong băng tần 3,7 – 3,85 GHz chuyển đổi tần số lên đoạn băng tần cao hơn; Không cấp thêm giấy phép cho VSAT trong băng 3,7 - 3,85 GHz; Theo dõi, đánh giá mức độ chấp nhận của các nước, hệ sinh thái thiết bị 5G đối với các băng tần 4,4 -4,99 GHz, 27,5-29,5 GHz và Xây dựng quy hoạch các băng tần 3.5 GHz, 4,4 – 4,99 GHz, 24,25-27,5GHz; 27,5-29,5GHz cho thông tin di động 5G. Về  Quy hoạch băng tần 700 MHz, Cục dự kiến ban hành quy hoạch băng tần này trong Quý III/2019.

Cục cũng sẽ tổ chức đấu giá băng tần 2,6 GHz để phục vụ cho 4G. Giải pháp cho công tác này, Cục sẽ phối hợp cùng Cục Viễn thông, Vụ Pháp trong xây dựng các nội dung phục vụ quy chế đấu giá; thuê tư vấn thẩm định giá để xác định giá khởi điểm trước 14/2, tổ chức đấu giá trong tháng 3/2019.

Ông Tuấn nhấn mạnh Cục Viễn thông và Cục Tần số VTĐ sẽ phối hợp cấp phép sớm. Việc cấp phép thử nghiệm 5G diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh nhưng không phải mọi khu vực tại TP. Hồ Chí Minh đều sử dụng được băng tần, theo đó, phải phân định khu vực nào sử dụng được băng tần cho thử nghiệm. Căn cứ tính toán phòng tránh tối đa nhiễu, sẽ lựa chọn quận cụ thể tại TP. Hồ Chí Minh để thực hiện thử nghiệm. Trong quá trình thử nghiệm, Cục sẽ phối hợp với DN tính toán các yếu tố về nhiễu giữa lý thuyết và thực tiễn để tránh can nhiễu, băng bảo vệ, bộ lọc cho VSAT, 5G… để khả thi khi cấp phép chính thức.

Nêu ý kiến của DN về tần số cho thử nghiệm 5G, ông Lê Đăng Dũng, Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel bày tỏ mong muốn có tần số rõ ràng cho thử nghiệm 5G và sau này cũng được sử dụng chính thức cho triển khai 5G thương mại. Việc cấp phép tần số 4G, 5G nên được xem là một công việc ưu tiên công tác trong phát triển viễn thông trong năm 2019.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Hồng Hải cũng nêu rõ việc đấu giá tài nguyên viễn thông nói chung, đặc biệt đối với đấu giá băng tần 2,6 GHz, các đơn vị của Bộ như Vụ Kế hoạch Tài chính, Vụ Pháp chế, Cục Viễn thông, Cục Tần số VTĐ phải cùng giải quyết vấn đề. Phải làm gấp, không thể chờ đợi nữa. Lãnh đạo Bộ và các đơn vị thời gian qua đã tích cực giải quyết các nội dung liên quan. Hiện nay, việc định hình cấp phép băng tần 2,6GHz đã rõ ràng để đáp ứng nhu cầu của DN. Việc quy hoạch băng tần này cũng liên quan đến 5G.

Lan Phương