Luật chữ ký điện tử sẽ để thúc đẩy thương mại điện tử tại Lào

Hội nhập - Ngày đăng : 10:08, 20/12/2018

Tại phiên họp mới đây, Quốc hội Lào đã nhất trí rằng quốc gia này cần phải có Luật chữ ký điện tử để thúc đẩy thương mại điện tử (TMĐT) và tạo điều kiện cho quản trị điện tử.

Trình bày về dự thảo Luật chữ ký điện tử tại phiên họp thường kỳ lần thứ 6 của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông (BCVT) Lào Thansamay Kommasith cho biết luật này rất cần thiết. Các thành viên của Quốc hội Lào đã thông qua dự thảo luật sau một cuộc tranh luận kéo dài một ngày.

Theo Bộ trưởng Bộ BCVT Lào, các nước trong khu vực và trên thế giới đang hiện đại hóa và chuyển đổi sang nền kinh tế số, Lào chắc chắn là một phần của xu hướng này, vì vậy, các quy định pháp luật mà chính thức công nhận chữ ký điện tử là rất cần thiết để hỗ trợ sự thay đổi này.

Ông Thansamay Kommasith nhấn mạnh số hóa và các sản phẩm điện tử được thúc đẩy bởi sự phát triển ngày càng tăng của công nghệ thông tin và truyền thông sẽ là một công cụ hiệu quả để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Có thể hiểu đơn giản chữ ký điện tử là một đoạn thông tin đi kèm theo dữ liệu điện tử nhằm mục đích xác nhận người ký thông điệp dữ liệu và xác nhận sự chấp thuận của người đó đối với nội dung thông điệp dữ liệu được ký. Hiện nay, một số dịch vụ như thực hiện hợp đồng, giao dịch, giải ngân (giao dịch tiền), thu thuế đã được thực hiện thông qua hệ thống điện tử.

“Lào hiện đã sử dụng công nghệ số này. Ngày càng nhiều khoản thanh toán hóa đơn được thực hiện thông qua các hệ thống điện tử”, Bộ trưởng Bộ BCVT Lào Thansamay Kommasith cho biết.

Việc thanh toán hóa đơn điện và nước, thuế đường bộ cũng như các dịch vụ khác thông qua các dịch vụ ngân hàng trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến. Bộ Tài chính Lào cũng sẽ thực hiện thu thuế điện tử và hải quan điện tử vào năm tới.

Ngoài ra, chữ ký điện tử còn được sử dụng trong hệ thống hộ chiếu điện tử và thị thực điện tử của Bộ Ngoại giao. Nhiều cơ quan nhà nước khác cũng đang triển khai các hệ thống điện tử để cung cấp dịch vụ công.

Theo dự báo của các chuyên gia tại Diễn đàn kinh tế thế giới 2018, một số quốc gia có thể ngừng sử dụng tài liệu giấy trong vòng 2 - 3 năm tới và thay thế chúng bằng tài liệu điện tử. Từ giữa năm 2025 đến năm 2030, tiền điện tử được dự báo sẽ được sử dụng rộng rãi và tất cả các thành phần kinh tế sẽ bị ảnh hưởng tích cực bởi việc sử dụng các ứng dụng di động 5G, từ đó thúc đẩy các dịch vụ phi ngân hàng.

Ông Thansamay Kommasith, Bộ trưởng Bộ BCVT Lào và là người đại diện cho tiểu ban soạn thảo luật, cho biết Lào cần chuẩn bị sẵn sàng hệ thống pháp lý để xử lý và hỗ trợ quá trình thay đổi này, nhằm đảm bảo an toàn và an ninh trong việc sử dụng các tài liệu và chữ ký điện tử.

Tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội đã hoan nghênh dự thảo luật và nhất trí rằng nó sẽ thúc đẩy hiện đại hóa dịch vụ và phát triển kinh tế Lào.

Đại diện cho Quốc hội, ông Valy Vetsaphong cho biết sự phát triển hướng tới cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải có một luật như vậy để hỗ trợ quá trình này.

Với xu hướng và tầm quan trọng ngày càng tăng của Luật chữ ký điện tử, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh sự cần thiết phải triển khai học tập điện tử và số hóa trong chương trình giảng dạy của nhà trường. Dự thảo luật xác định các nguyên tắc, quy định và biện pháp để quản lý các vấn đề liên quan tới chữ ký điện tử.

TH