REV cần đề xuất chính sách đột phá cho Viễn thông - CNTT phát triển

Diễn đàn - Ngày đăng : 16:35, 14/12/2018

Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Hồng Hải mong muốn Hội Vô tuyến - Điện tử và cộng đồng các nhà khoa học đề xuất các chính sách đột phá cho Viễn thông - CNTT phát triển, nhằm đáp ứng cách mạng công nghiệp (CMCN 4.0).

Ngày 14/12/2018, tại Hà Nội, Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam (REV) đã tổ chức"Hội nghị Quốc gia về Điện tử, Truyền thông và Công nghệ Thông tin” lần thứ XXI. Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Hồng Hải, nguyên Bộ trưởng Bộ TTTT Lê Doãn Hợp, nguyên Thứ trưởng Bộ TTTT Trần Đức Lai và đông đảo các nhà khoa học trong lĩnh vực Điện tử - Viễn thông - CNTT đã tham dự Hội nghị.

Hội nghị Quốc gia về Điện tử, Truyền thông và Công nghệ Thông tin” (REV-ECIT) 2018 được tổ chức vào các ngày 14 và 15/12/2018 với chủ đề “Điện tử, Truyền thông và CNTT Việt Nam hướng tới cách mạng công nghiệp lần thứ 4”là Hội nghị khoa học củaREV được tổ chức thường niên. Từ năm 1990 đến nay, Hội nghị REV-ECIT đã trở thành diễn đàn lớn để công bố và trình bày các báo cáo khoa học của giới khoa học ngành Điện tử - Viễn thông cả nước.

Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Hồng Hải phát biểu

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Hồng Hải cho biết, thế giới đang chứng kiến cuộc CMCN 4.0 với những đột phá mạnh mẽ về công nghệ số, tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất. Đặc trưng lớn nhất của CMCN 4.0 là tính kết nối giữa các chủ thể và quy trình kinh tế nhờ vào sự phát triển của hạ tầng viễn thông, CNTT và Internet, đặc biệt là mạng lưới vạn vật kết nối.

“CMCN 4.0 đang xóa nhòa khoảng cách giữa thế giới thực với thế giới ảo thông qua các công nghệ tiên tiến, sự đổi mới, sáng tạo không ngừng. Đặc biệt, mức độ ảnh hưởng, lan tỏa của cuộc cách mạng này diễn ra trên quy mô toàn cầu, với tốc độ nhanh hơn những gì đã xảy ra từ trước đến nay và dự báo sẽ làm thay đổi toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị trên toàn thế giới”, Thứ trưởng nhận định.

Theo đó, CMCN 4.0 là cơ hội lớn để nước ta thực hiện được các mục tiêu phát triển của mình, vì điểm lợi thế nhất cho nước ta là cả thế giới đều bước vào cuộc cách mạng 4.0 cùng một vạch xuất phát. Để nắm bắt cơ hội này và thúc đẩy phát triển nền kinh tế cần có những thay đổi mạnh mẽ về chính sách, tăng cường đầu tư và phân bố hợp lý nguồn vốn đầu tư cho phát triển công nghệ, đặc biệt là hạ tầng viễn thông và CNTT, thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực. Bộ TTTT và các ngành liên quan cần khẩn trương nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ xem xét, thống nhất ban hành khung chính sách, tạo hành lang pháp lý cho lĩnh vực này phát triển đồng thời thúc đẩy sự phát triển của toàn nền kinh tế.

Cộng đồng khoa học và Hội Vô tuyến - Điện tử cần đề xuất những chính sách để ngành đột phá, thúc đẩy phát triển công nghiệp CNTT nói chung trong thời gian tới, góp phần giúp đất nước bắt kịp cuộc CMCN 4.0.

Các đại biểu, các nhà khoa học tham dự Hội nghị

Về Hội nghị khoa học thường niên của Hội, Thứ trưởng cho biết, Hội nghị đã và đang có những đóng góp quan trọng về điện tử viễn thông, CNTT, góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam về học thuật trong lĩnh vực này tại khu vực ASEAN.

Hoạt động của Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam cũng như Hội thảo hôm nay có thể đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của kinh tế, xã hội nếu có sự chia sẻ và tăng cường kết nối hơn nữa với các doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực điện tử viễn thông, CNTT, góp phần đẩy mạnh nghiên cứu phát triển đưa vào ứng dụng trong công nghiệp sản xuất và dịch vụ...

Chủ tịch Hội Vô tuyến Điện tử Trần Đức Lai phát biểu

Thay mặt Hội Vô tuyến - Điện tử, Chủ tịch Trần Đức Lai cho biết Hội nghị REV-ECIT 2018 được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 53 năm truyền thống, 30 năm xây dựng và phát triển Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam, chào mừng thành công của Đại hội lần thứ 7 của Hội. 30 năm xây dựng và phát triển của Hội cũng là 30 năm đất nước đổi mới, gắn liền với sự phát triển lĩnh vực thông tin vô tuyến, công nghiệp Điện tử - Viễn thông của Việt Nam.

Hội nghị đã nhận được 70 báo cáo khoa học từ các Viện, Trường và các tổ chức nghiên cứu khoa học. 56 báo cáo đã được chấp nhận, trong đó 33 báo cáo được trình bày trong 8 tiểu ban là: Tiểu ban Mạng, tiểu ban Anten và truyền sóng, tiểu ban Cảm biến và ứng dụng, tiểu ban Thông tin vô tuyến và mã hóa, tiểu ban IoT và mạng cảm biến không dây, tiểu ban Thông tin vô tuyến, tiểu ban Xử lý tín hiệu và thuật toán, Tiểu ban Đo lường và tiêu chuẩn.

Phiên diễn đàn cấp cao và các phiên tọa đàm diễn ra trong ngày 14/12/2018 với hàng nhiều báo cáo do lãnh đạo các tập đoàn, các công ty công nghệ lớn ở Việt Nam và thế giới trình bày, gồm: IoT platform, nền tảng của Công nghiệp 4.0; Vai trò của AI trong kỉ nguyên 4.0; 5G - định hướng tương lai cho cách mạng công nghiệp 4.0; Ứng dụng công nghệ 4.0 trong các giải pháp An ninh, An toàn thông tin; Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Điện tử, Viễn thông cho kỷ nguyên số; Chuyển đổi Công nghệ vận hành mạng bằng cách kết hợp IT và OT trong quá trình chuyển đổi số; Thấu hiểu khách hàng dựa trên các mô hình học máy từ dữ liệu viễn thông và truyền thông mạng xã hội; Định hướng phát triển công nghiệp điện tử Việt Nam - Các giải pháp và kiến nghị;…

Các đại biểu tham quan các gian trưng bày những sản phẩm tiêu biểu

Bên lề Hội nghị REV-ECIT 2018, Ban tổ chức đã phối hợp với các DN triển lãm và trưng bày một số sản phẩm tiểu biểu trong các lĩnh vực có liên quan do các DN trong nước nghiên cứu và phát triển, tiếp cận công nghiệp 4.0.

Lan Phương