5 năm đưa sách về BĐ-VHX: Tìm cách đưa sách điện tử đến với người dân
Đời sống xã hội - Ngày đăng : 16:21, 29/11/2018
Ngày 29/11/2018, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) và Bộ TTTT đã tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm triển khai thực hiện Chương trình phối hợp công tác số 430/Ctr-BVHTTDL-BTTTT giữa Bộ VHTT&DL và Bộ TTTT. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Hoàng Thị Hoa; Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Minh Hồng, lãnh đạo một số tỉnh, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN), đại biểu của Sở VHTT&DL, Sở TTTT trên cả nước đã tham dự Hội nghị.
Với mục tiêu phát huy nguồn lực hiện có của hai Ngành để tăng cường tổ chức các hoạt động phục vụ sách, báo tại các điểm Bưu điện - Văn hóa xã (BĐ-VHX); đưa điểm BĐ-VHX xã trở thành điểm cung cấp thông tin, đáp ứng tốt nhất nhu cầu thông tin, văn hoá và giải trí của cộng đồng; góp phần nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần của người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; thiết thực phục vụ Chương trình xây dựng nông thôn mới của Chính phủ, ngày 04/02/2013, Bộ VHTT&DL và Bộ TTTT đã ký kết Chương trình phối hợp công tác số 430/CTr-BVHTTDL-BTTTT về việc tăng cường tổ chức hoạt động phục vụ sách, báo tại các điểm BĐ-VHX giai đoạn 2013-2020.
Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Minh Hồng phát biểu
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Minh Hồng cho biết việc triển khai Chương trình phối hợp này là cơ sở quan trọng để hai Ngành TTTT và VHTT&DL thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy các hoạt động thư viện, hoạt động của các điểm BĐ-VHX, khẳng định vai trò, sự cần thiết của các tủ sách tại các điểm BĐ-VHX đối với sinh hoạt văn hóa ở các vùng nông thôn, góp phần đưa văn hóa đọc đến với mỗi người dân một cách sâu rộng và toàn diện. Cho đến nay, Chương trình đã được triển khai tại 1.731 điểm BĐ-VHX, số lượng sách luân chuyển bình quân là 160 đầu sách/điểm/lần.
Với những kết quả đạt được, Thứ trưởng khẳng định đây là một chủ trương đúng đắn, có ý nghĩa thiết thực trong việc nâng cao văn hóa đọc của người dân, giảm bớt khoảng cách tiếp cận thông tin của người dân ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo và vùng nông thôn.
Thứ trưởng cũng biểu dương và đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan, đơn vị thuộc hai Ngành được giao nhiệm vụ triển khai thực hiện Chương trình phối hợp trong thời gian qua.
Toàn cảnh Hội nghị
Theo báo cáo của Vụ Thư viện, Bộ VHTT&DL cho đến nay đã có 62/63 tỉnh, thành đã ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa Sở VHTT&DL và Sở TTTT, đã có 57,63 tỉnh/thành triển khai việc luân chuyển sách báo đến 1.731 điểm BĐ-VHX, trong đó có 857 điểm thuộc các xã nông thôn mới. Tổng số lần luân chuyển là 9.617 lần; số lượng sách luân chuyển bình quân là 150 đầu sách/điểm/lần (tính trung bình năm 2018), tăng so với trung bình giai đoạn 2013 – 2015 (trung bình 137 đầu sách/điểm/lần). Việc thực hiện luân chuyển sách báo đã góp phần làm phong phú thêm vốn sách, báo hiện có của điểm BĐ-VHX, từ đó thu hút người dân đến đọc nhiều hơn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Điểm BĐ-VHX. Số lượt phục vụ sách báo đạt hơn 11 triệu người.
Báo cáo kết quả triển khai Chương trình tại Thừa Thiên Huế, đại diện Sở TTTT cho biết trong 5 năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã luân chuyển trên 15.000 đầu sách về 77 điểm BĐ-VHX với 6 đợt luân chuyển, bình quân mỗi đợt luân chuyển ở mỗi điểm BĐ-VHX có 2000 – 4000 đầu sách. Trước những khó khăn của nhân viên Điểm BĐ-VHX, Sở TTTT cũng đã tham mưu UBND tỉnh tạo điều kiện hỗ trợ 2 đề án là nâng cao hoạt động hiệu quả điểm BĐ-VHX và hỗ trợ cho nhân viên điểm BĐ-VHX trong việc bảo quản sách báo. Từ năm 2013, sau nhiều lần tham mưu, đề xuất, tỉnh Thừa Thiên Huế đã hỗ trợ cho nhân viên BĐ-VHX ở 22 xã, mỗi xã 120.000 đồng/tháng/nhân viên. Năm 2018, Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục kiên trì để nhân viên BĐ-VHX nhận được hỗ trợ này. Tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt quyết định hỗ trợ trên dựa trên Quyết định 289 ngày 26/3/2013 của Bộ TTTT về định mức làm nhiệm vụ cho nhân viên BĐ-VHX.
Đại diện của Sở TTTT Thừa Thiên Huế nhấn mạnh kết quả lớn nhất mà Chương trình này mang lại là làm thay đổi nhận thức của cộng đồng. Sách đã thực sự đến từng cộng đồng, không nằm ở thư viện đơn lẻ, đến dòng họ, gia đình, từng cá nhân…
Sự phối hợp giữa hai Bộ trong 5 năm qua đã tạo ra một sức mạnh, một cơ chế phối hợp tốt giữa hai Sở tại địa phương. Từ các Sở có mối quan hệ chặt chẽ giữa Thư viện, Bưu điện tỉnh và nhờ đó đã đưa được thông điệp nhân văn của Chương trình này đến với Cộng đồng. Trong thời đại CNTT-TT như vũ bão hiện nay, chương trình, đề án nào mang đậm tính nhân văn thì sẽ thành công. Thời gian 5 năm vừa qua như là một cơn bão thông tin đến với công chúng, Chương trình thành công là nhờ đã thổi được vào đời sống cộng đồng một luồng sinh khí mới để nhen lên một ngọn lửa đã có từ lâu trong văn hóa người Việt. Sự hợp tác giữa hai Bộ làm cho hệ thống cơ sở chuyển động mạnh và BĐ-VHX, nhân viên BĐ-VHX đã thụ hưởng được các kết quả của chương trình tốt trong 5 năm qua.
Cũng đánh giá cao vai trò của Chương trình, Vụ trưởng Vụ Thư viện Vũ Dương Thúy Ngà cho biết mặc dù số điểm BĐ-VHX phục vụ đọc sách báo trên tổng số hơn 8000 điểm BĐ-VHX là không nhiều nhưng nhìn lại tổng thể 5 năm rất đáng ghi nhận. Chương trình không chỉ đóng góp xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, mà còn góp phần xây dựng các mục tiêu xã hội học tập, học tập suốt đời tại bảo tàng, điểm văn hóa và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Hướng đến đáp ứng đọc sách điện tử cho người dân tại BĐ-VHX
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo Vụ trưởng Vũ Dương Thúy Ngà, còn có những vấn đề vướng mắc, bất cập nảy sinh trong quá trình triển khai thực hiện như một số địa phương chưa nghiêm túc triển khai thực hiện Chương trình; Số lượng bản sách luân chuyển/lần chưa nhiều, nội dung sách còn nghèo nàn, cũ và thực sự chưa phù hợp, đáp ứng với nhu cầu đọc của nhân dân, đặc biệt là nguồn sách dành cho thiếu nhi và sách thiết yếu khác; Phương tiện vận chuyển sách luân chuyển từ thư viện tỉnh xuống các Điểm BĐ-VHX còn khó khăn... Đặc biệt, cơ chế hỗ trợ (phụ cấp thêm) của địa phương cho nhân viên điểm BĐ-VHX cho việc kiêm nhiệm thêm hoạt động phục vụ sách báo hầu như chưa được chính quyền địa phương đáp ứng quan tâm.
Về phía điểm BĐ-VHX, một mặt do bị áp lực bởi doanh thu và các hoạt động khác như phát lương hưu, bán bảo hiểm, một mặt do các nhân viên Điểm BĐ-VHX không được thù lao thêm cho hoạt động phục vụ người dân đọc sách... Người dân cũng chưa thực sự quan tâm đến việc đọc.
Nếu Chương trình tiếp tục được thúc đẩy, theo Vụ trưởng Vũ Dương Thúy Ngà người dân được hưởng lợi nhiều hơn và cần thay đổi về quan điểm, cách làm. Hai Bộ cũng cần mở rộng hợp tác bởi trong thời đại CMCN 4.0 nên phổ biến, chuyển giao các tài liệu số liên quan đến nông nghiệp, y tế, giáo dục…, từ đó, thông tin được kết nối, chia sẻ dễ dàng với sự hỗ trợ của Internet.
Đồng quan điểm, Phó Giám đốc Sở TTTT Quảng Nam Phạm Thị Ngọc Quyên cũng cho rằng cần xây dựng tủ sách điện tử, phục vụ tìm kiếm thông tin, đọc sách ở địa phương được thuận tiện, nhanh chóng khi Internet đã phổ cập.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội của Quốc hội Hoàng Thị Hoa
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội của Quốc hội Hoàng Thị Hoa cho biết qua các kết quả cho thấy Chương trình đã thành công. Chương trình có ba mục tiêu cho con người, đó là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, và bồi dưỡng nhân tài. Hai ngành triển khai Chương trình này là phục vụ nâng cao dân trí. Thời đại khoa học hiện nay, Chương trình cần xem xét gắn kết với đề án Thư viện số để người dân có thể đọc được sách số.
Phó Tổng giám đốc Tổng công ty BĐVN Nguyễn Quốc Vinh
Đại diện cho đơn vị quản lý hệ thống hơn 8000 điểm BĐ-VHX, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty BĐVN Nguyễn Quốc Vinh cho biết trong thời đại CMCN 4.0, không thể chỉ dựa vào một nguồn sách báo truyền thống, Tổng công ty mong ngành Thư viện có chính sách, chủ trương xuất bản sách điện tử. Hiện Tổng công ty đang tích cực tham gia vào Đề án Hệ tri thức Việt số hóa, xây dựng bản đồ số, BĐVN sẽ số hóa hơn 8000 điểm BĐ-VHX để hỗ trợ cung cấp dịch vụ công, sẽ hỗ trợ truy cập, hướng dẫn người dân truy cập đọc sách, thông tin điện tử. Đối với hệ thống Thư viện điện tử, BĐVN sẽ phối hợp hỗ trợ kết nối, trung tâm dữ liệu để triển khai hệ thống này.