Chính sách dữ liệu trong cách mạng công nghiệp 4.0

Xu hướng - Dự báo - Ngày đăng : 09:58, 23/11/2018

Dữ liệu được coi là dầu, là oxy tạo ra ngọn lửa của cách mạng công nghiệp 4.0. Nó có sẵn và cần thiết, nhưng nếu sử dụng không đúng cách có thể mang lại những hậu quả nguy hiểm khôn lường.

Các công nghệ số của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang nhanh chóng trở thành động cơ thay đổi trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế toàn cầu. Bằng cách xác định lại cách thức mà các ngành, các cá nhân, các tổ chức và chính phủ tương tác, CMCN 4.0 hứa hẹn mang lại một xã hội bao trùm, sáng tạo và linh hoạt hơn. Và dữ liệu đang trở thành một trong những hạ tầng quan trọng để quyết định việc phát triển kinh tế, xã hội trong CMCN 4.0. Dữ liệu được coi như là nhiên liệu của công nghệ và sự đổi mới. Còn theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), dữ liệu sẽ là oxy tạo ra ngọn lửa của CMCN 4.0. Nó có sẵn và cần thiết, nhưng nếu sử dụng không đúng cách có thể mang lại những hậu quả nguy hiểm  không mong muốn.

Dữ liệu: Trung tâm của chuyển đổi số và CMCN 4.0

CMCN 4.0. đang định hình lại các ngành công nghiệp, xóa mờ ranh giới địa lý, thách thức các khung pháp lý hiện hành và thậm chí xác định lại những gì nó có nghĩa là con người. Các công nghệ mới nổi và đột phá khoa học như  phân tích dữ liệu lớn, xe tự lái, IoT, công nghệ sổ cái phân tán và y học chính xác về cơ bản đang thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và liên lạc với nhau. Những tiến bộ này hứa hẹn sẽ giúp các quốc gia thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, giảm đói nghèo, thúc đẩy thương mại và nâng cao chất lượng cuộc sống của mọi người. Tuy nhiên, chính các công nghệ này cũng có thể được sử dụng để hạn chế tiếp cận thông tin, tạo ra phân biệt đối xử, hạn chế cơ hội và gây ra các tác động tiêu cực khác.

Tại trung tâm của chuyển đổi số này, dữ liệu được tạo ra, thu thập, sử dụng, xử lý, phân tích, chia sẻ, chuyển giao, sao chép và lưu trữ theo những cách thức chưa từng thấy với tốc độ phi thường và khối lượng khổng lồ. Theo Gartner, ước tính đến năm 2020 sẽ có khoảng 50 tỷ thiết bị sẽ được kết nối không dây với Internet. Khi đó, hàng tỷ thiết bị cảm biến sễ thu thập dữ liệu thụ động, tiến hành phân tích và tổng hợp thì nắm rõ quá trình dữ liệu được tạo ra cũng như mức độ tương tác của từng cá nhân sẽ trở nên cần thiết cho sự cân bằng và quản trị hiệu quả.

Các quy định về dữ liệu trên toàn cầu ngày càng phức tạp, trong đó nhiều quy định đưa ra thậm chí còn chưa rõ ràng. Hiện tại, có hơn 120 điều luật quốc gia khác nhau kiểm soát việc thu thập và sử dụng dữ liệu, ví dụ tại Liên minh châu Âu, Trung Quốc và Brazil. Có hiệu lực vào năm 2020, Đạo luật bảo mật quyền riêng tư của người tiêu dùng đã được thông qua tại bang California, nơi có nhiều công ty công nghệ lớn, vào đầu mùa hè vừa qua. Đây được coi là điều luật khó khăn nhất trong nước, cho phép người tiêu dùng truy vấn các công ty đã bán dữ liệu cho ai.

Sự phức tạp này không thể “sửa đổi” được và nên được xem xét như một điều kiện cần thiết trong kỷ nguyên hiện đại hóa toàn cầu. Trong khi các nhà quản lý trên khắp thế giới đang thử nghiệm những tiếp cận mới về chính sách dữ liệu, họ sẽ phải đối mặt với các công nghệ mới phát triển gần đây bên ngoài các khung pháp lý hiện hành. Tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ có nghĩa là các luật và quy định hiện hành sẽ nhanh chóng trở nên lỗi thời, gây cản trở cho cả người dân và doanh nghiệp khi muốn tiếp cận các cải tiến mới. Tuy nhiên, các cá nhân cũng có thể trở nên lo lắng nếu họ cảm thấy chính phủ không đủ bảo vệ họ khỏi những rủi ro mới.

Quyền riêng tư, bảo vệ dữ liệu và bảo mật

Các phương pháp tiếp cận mới là cần thiết để giúp các nhà hoạch định chính sách giải quyết sự phức tạp này cũng như vượt qua và đơn giản hóa các thách thức. Các chính sách phải được xem xét cùng nhau để hiểu rõ các quyết định tương tác với nhau, hoặc ảnh hưởng như thế nào tới những quyết định khác trong một khung chính sách dữ liệu duy nhất. Bất chấp sự phức tạp trong bất kỳ môi trường nào, khái niệm về quyền riêng tư - quyền đối với cuộc sống riêng tư, bảo vệ dữ liệu và bảo mật thông tin liên lạc - vẫn liên quan và ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh khác của xã hội.

Những lưu ý khi xây dựng chính sách dữ liệu

Một số đặc điểm của dữ liệu cá nhân khiến cho việc thiết lập các quy tắc và khung pháp lý trở nên khó khăn gồm:

- Dữ liệu cá nhân là tài sản vô hình, nó có thể được sao chép dễ dàng và phân phối trên toàn cầu, do đó loại bỏ những rào cản vật lý tồn tại đối với việc buôn bán hàng hóa hữu hình.

- Dữ liệu, không giống như hầu hết các tài sản hữu hình khác, không được tiêu dùng khi được sử dụng; nó có thể được sử dụng lại để tạo ra giá trị.

- Dữ liệu ngày càng gia tăng khi được kết nối và có giá trị khi sử dụng, ví dụ: kết nối hai mẩu dữ liệu riêng rẽ có thể tạo ra một mẩu dữ liệu khác với những cơ hội tiềm năng mới (cũng như tác hại tiềm ẩn mới).

- Vai trò của cá nhân không thay đổi: Cá nhân không còn là đối tượng bị động của dữ liệu. Họ đang ngày càng tạo ra nhiều dữ liệu. Ngoài ra, dữ liệu cá nhân được liên kết mật thiết với định danh và danh tính của một cá nhân không giống như hàng hóa có thể hoán đổi cho nhau.

Các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (machine learning), chuỗi khối (blockchain), thành phố thông minh, y học chính xác đang tạo ra những thách thức mới, đòi hỏi thay đổi các quy định pháp lý hiện tại và phát triển các mô hình quản lý mới trong tương lai . Những công nghệ này động chạm đến mọi cá nhân, tổ chức, chính thể trên thế giới, từ khu vực công tới khu vực tư; từ văn hóa, khoa học, kinh tế, quân sự, chính trị đến tất cả mọi lĩnh vực trong toàn xã hội. Nó ảnh hưởng to lớn đến mọi luật lệ, mọi nền kinh tế, mọi ngành công nghiệp, làm đảo lộn cách tiếp cận truyền thống của chúng ta về quản lý, về việc đưa ra chính sách. Thậm chí, nó thách thức vai trò thực sự của con người, kể cả việc thay con người ra quyết định. Và bởi vì ứng dụng của các công nghệ này hầu hết dựa trên cơ sở của việc thu thập, lưu trữ, phân tích, truyền tải dữ liệu nên hơn bao giờ hết nó đặt việc bảo vệ dữ liệu trước những nguy cơ chưa từng thấy cả trên phạm vi toàn cầu. Do đó, khi các chính quyền quốc gia  và cơ quan quản lý cấp địa phương xem xét các quy định về dữ liệu thì cần có những tiếp cận mới để đánh giá được tác động của các quy định của chính phủ cũng như việc hoạch định chính sách nhằm thúc đẩy CMCN 4.0.  Đồng thời cần lưu ý là tác động tiềm ẩn của các quy định cũng như các yêu cầu địa phương hoá dữ liệu tới thương mại số sẽ phụ thuộc vào luồng dữ liệu xuyên biên giới và giúp phân phối lợi ích kinh tế trên toàn cầu.

Các chính sách dữ liệu cân bằng, bao trùm và có trách nhiệm sẽ là nền tảng trong việc giải quyết các mối quan tâm ngày càng tăng trong thế giới ngày nay. WEF ủng hộ quan điểm cho rằng “môi trường pháp lý và quy định hướng tới tương lai là một yếu tố quan trọng để đưa các dịch vụ số mới ra thị trường một cách kịp thời và được phối hợp”.

Một khung bảo vệ dữ liệu rõ ràng và gắn kết sẽ cung cấp cho các tổ chức, doanh nghiệp thương mại  các quy định pháp lý rõ ràng, đầy đủ để nắm rõ những hoạt động thực tiễn nào có thể thực thi hoặc can thiệp trong một lĩnh vực nhất định, từ đó tạo ra các công ty, sản phẩm, dịch vụ và tiềm năng xuất khẩu của một quốc gia trở nên  cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế.

DY