Lịch sử nhật ấn (postmark) và dấu hủy (cancellation)

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 14:54, 09/11/2018

Gắn liền với sự ra đời của tem bưu chính, dấu nhật ấn và dấu hủy tem luôn song hành đến tận ngày nay. Để hiểu dõ hơn về hai loại dấu nhật ấn và dấu hủy, những người sưu tập và chơi tem cũng mất rất nhiều công sức để tìm kiếm sưu tầm những bộ tem, bưu thiếp, bì thư đã đóng dấu nhật ấn và dấu hủy.

Nhật ấn (Postmark) dùng để ghi lại ngày, giờ, nơi gửi của lá thư. Nhật ấn đã được sử dụng lâu từ trước khi tem bưu chính ra đời (năm 1840). Dấu nhật ấn có thể sử dụng như dấu hủy, nếu được đóng trực tiếp lên con tem. Tuy nhiên thường đóng dấu ở nơi khác trên phong bì, hoặc giáp lai con tem. Nên nhật ấn tròn vẹn, rõ chữ trên tem là cái mà giới sưu tập luôn luôn tìm kiếm.

Nhật ấn đầu tiên ra đời tại nước Anh năm 1661. Dấu nhật ấn này do bưu điện trưởng Henry Bishop phát minh ra, dùng để ghi lại ngày và tháng lúc phát thư (con dấu nhằm mục đích kiểm tra lại nhân viên bưu tá phát chậm thư). Con dấu này được đặt theo tên của nhà phát minh - Bishop mark

Mẫu dấu nhật ấn Bishop mark

Cùng trong thời gian đó, cũng tại thành phố London nước Anh, một loại dấu bưu điện được áp dụng cho bưu điện London (Tên là London Penny Post - chỉ phát thư nội bộ trong London, tuy nhiên với giá thành rất cao tương tự chuyển phát nhanh bây giờ). Thời điểm đấy, khi người ta trả tiền gửi thư xong, bưu điện London sẽ đóng cho họ con dấu “paid” và nhật ấn.

Mẫu dấu ( Mor và Af là ghi tắt của chữ morning và afternoon)

Tới khi con tem ra đời vào năm 1840, dấu bưu điện thêm nhiều thông tin hơn về ngày - giờ - nơi xuất phát - trạm trung chuyển (transit) mà thư đi qua.... Mỗi một bưu cục khác nhau họ sẽ có một hình dạng dấu và cách thể hiện thông tin trên dấu khác nhau.

Dấu hủy (Cancellation) đóng vai trò như biên lai, ghi nhận những con tem đã dùng để dán vào thư và đã thanh toán phí bưu chính rồi.

Khi con tem đầu tiên đi vào sử dụng năm 1840, bưu điện chưa sử dụng dấu hủy. Ở thời điểm này, nhân viên bưu chính dùng bút để hủy tem (pen cancel) hoặc dùng nút bần (cork) nhúng mực đóng vào tem (fancy cancel). Dấu “fancy cancel”, thời điểm ban đầu người ta dùng toàn bộ bề mặt của nút bần, nhúng mực và đóng. Nhưng việc này làm con tem dính lem nhem mực, không còn thấy hình ảnh của con tem hay giá tiền nữa. Để khắc phục, nhà khai thác bưu chính dùng dao khắc hình trên nút, để làm giảm lượng mực dây lên tem. Thế là dấu hủy fancy ra đời, với thật nhiều hình dạng độc đáo

Dấu hủy fancy hình lá

Giai đoạn 1860, ở Mỹ, dấu grill ra đời. Dấu grill sử dụng để hỗ trợ cho dấu hủy bút hay hủy fancy, vốn dễ bị kẻ gian rửa trôi đi mất. Dấu grill là một con dấu có ngạnh, đóng lên tem, giúp cho mực từ bút hay dấu cork thấm sâu hơn vào giấy, khó rửa đi hơn.

Dấu grill phát hành năm 1869

Giai đoạn 1860 - 1940 tại Mỹ và Anh, một loại dấu khác ra đời, gọi là dấu hủy duplex. Trước khi dấu duplex ra đời, nhật ấn và dấu hủy là hai con dấu riêng biệt. Chỉ với một lần đóng là xong 2 phần, ở con dấu duplex, phần hủy có thể chỉ là dạng hình học (đường cong, thẳng...) để hủy tem hoặc có thể kèm theo con số. Số này ghi thông tin về nơi/trạm hủy tem.

Phần hủy có kèm số của dấu duplex

Hình ảnh một con duplex có sẵn mực của Canada

Năm 1870 - 1880, một cải tiến mới nhằm rút ngắn thời gian xử lý thư có dán tem. Con dấu máy ra đời. Lúc này thì dấu hủy xuất hiện đa dạng hơn. Do có sự hỗ trợ của máy, nên người ta có thể làm dấu hủy thành nhiều hình dạng khác nhau, mà không phải khắc con dấu duplex mới, mất thời gian..... Và thế là dấu hủy dạng cổ động ra đời năm 1890s (slogan cancels) tại Mỹ. Dấu hủy cổ động mang một thông điệp ngắn ngọn, nhằm nhắc nhở hay kỉ niệm hay quảng cáo.... Thí dụ nhắc người ta nhớ ghi zip code hay kỉ niệm ngày sinh/mất của một vĩ nhân.

Dấu slogan "Cầu nguyện cho hòa bình" này phát hành thời điểm chiến tranh Việt Nam

Dấu hủy từ máy in phun (inkjet spray-on cancellation) Đây là sản phẩm của cuối thế kỉ 20. Tại Mỹ, việc ra đời dấu hủy này chấm dứt việc con tem hủy tại bưu điện bẳng dấu duplex hay dấu machines. Thư tín bây giờ được chuyển tới các cơ sở chuyên dụng để hủy máy bằng in phun In phun cũng là cách mà người ta in NSX/HSD lên bao bì sản phẩm đó các bạn... Ưu điểm là hủy in phun rất là lẹ, nhưng nhược điểm dẫu không đẹp hay bị nhòe, bay màu nhanh, vì vậy trong sưu tập rất hiếm dấu loại này.

Phạm Ngọc Sơn