Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phát hành bộ tem kỷ niệm “50 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019)”

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 15:47, 31/10/2018

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự hội tụ trí tuệ, truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc với tinh hoa văn hóa của nhân loại. Năm 2019, tròn nửa thế kỷ Đảng, Nhà nước và nhân dân ta thực hiện Di chúc của Người, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phát hành bộ tem kỷ niệm “50 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019)”.

Bản Di chúc là sản phẩm kết tinh tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của người Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh. Di chúc trở thành nguồn động viên, cổ vũ to lớn, là sự chỉ dẫn quan trọng, để quân và dân ta tiến lên giành những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng miền nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội; là những chỉ dẫn cơ bản về đường hướng phát triển của cách mạng Việt Nam trong các giai đoạn tiếp theo.

Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập trước tiên đến công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, để Đảng ta trở thành một đảng cầm quyền trong sạch vững mạnh, trong đó vấn đề đoàn kết trong Đảng phải đặt lên hàng đầu.

Trong Di chúc, Người viết: "Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình". Sự đoàn kết nhất trí đó chỉ có thể bắt nguồn từ một Đảng có đường lối chính trị đúng đắn, sự lãnh đạo sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương và mỗi đảng viên của Đảng phải kiên quyết "một lòng, một dạ phụng sự Tổ quốc và nhân dân". Đoàn kết trong Đảng chính là hạt nhân quan trọng để xây dựng, củng cố và phát triển khối đại đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế.

Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những năm qua, Đảng ta hết sức chú trọng nhiệm vụ xây dựng Đảng, xác định đó là nhiệm vụ then chốt; thường xuyên nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình trong Đảng, coi đó là nguyên tắc tồn tại của Đảng, là nhân tố bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.

Sinh thời, Bác Hồ đặc biệt quan tâm, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ, trong Di chúc, ngay sau phần nói về Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết". Người yêu cầu: Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa "hồng" vừa "chuyên".

Thực hiện lời di huấn của Người, Đảng ta luôn chú trọng công tác giáo dục, bồi dưỡng, chăm sóc thanh thiếu niên, coi thanh niên là lực lượng xung kích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác thanh niên luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Đảng luôn đặt niềm tin vững chắc vào thanh niên trong sự nghiệp đổi mới đất nước, chú trọng chỉ đạo xây dựng tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, xứng đáng là cánh tay đắc lực và đội hậu bị tin cậy của Đảng.

Một tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phần nói về con người: "Đầu tiên là công việc đối với con người".

Người đề nghị Đảng, Nhà nước phải xác định chiến lược con người là một mục tiêu của sự nghiệp cách mạng. Tình cảm của Người được thể hiện bằng câu nói nổi tiếng: "Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành".

Trong Di chúc, Người căn dặn cụ thể về những chính sách xã hội đối với con người sau chiến tranh: "Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân".

Từ năm 1986, Đảng ta khởi xướng công cuộc đổi mới, đưa nước ta thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, trước hết là ổn định, nâng cao đời sống nhân dân. Năm 1989, nông dân được miễn thuế nông nghiệp theo đúng lời dặn trong Di chúc của Bác Hồ.

Nhà nước có chính sách hỗ trợ thủy lợi phí và khuyến khích đầu tư, tạo điều kiện để nông dân làm giàu chính đáng.

Công tác xóa đói, giảm nghèo đạt được những thành tựu quan trọng được thế giới công nhận, các đối tượng chính sách, con em các gia đình thương binh, liệt sĩ được hưởng chính sách xã hội ngày càng cao, mức hưởng thụ đời sống tinh thần của nhân dân cũng ngày một nâng lên.

Từ một nước có tốc độ phát triển rất thấp sau những năm chiến tranh, nước ta trở thành một trong những nước có tốc độ phát triển cao và ổn định ở khu vực, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện cả về vật chất và tinh thần, trình độ dân trí và mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân từng bước nâng cao, đó là những thành tựu hết sức quan trọng.

Tuy nhiên, nước ta hiện nay vẫn là một nước chậm phát triển, khoảng cách phát triển giữa nước ta với các nước trong khu vực và trên thế giới còn lớn. Kinh tế có bước phát triển nhanh, nhưng chưa vững chắc, khoảng cách giàu nghèo ngày một gia tăng, nhiều vấn đề xã hội còn bức xúc. Nguy cơ tụt hậu về kinh tế đang đặt ra cho toàn Đảng, toàn dân ta những trách nhiệm nặng nề, đòi hỏi phải phát huy mạnh mẽ hơn sức mạnh nội lực của toàn dân tộc, tận dụng các cơ hội để vượt qua thách thức, xây dựng ý chí tự cường dân tộc, động viên mọi người vươn lên làm giàu chính đáng cho mình, cho cộng đồng và toàn xã hội, quyết tâm thoát khỏi đói nghèo, thực hiện thành công mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh".

Về vấn đề đoàn kết quốc tế, theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, "cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới". Thực hiện Di chúc của Người, Đảng ta đã xây dựng đường lối đối ngoại đoàn kết rộng mở, phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, thu được những thắng lợi to lớn, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Trong bối cảnh và tình hình mới, Đảng ta đã vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người về đoàn kết quốc tế; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; xây dựng đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, hợp tác, hội nhập và đã đạt được những thành tựu quan trọng. Những thành tựu đó không chỉ đánh dấu sự lớn mạnh của Việt Nam, mà còn thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

Đồng thời, là minh chứng sinh động về thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, khẳng định tính đúng đắn, linh hoạt, phù hợp của đường lối đối ngoại của Đảng và giá trị trường tồn của bản Di chúc mà Người đã để lại cho Đảng và nhân dân ta.

Năm 2019, kỷ niệm 50 năm ngày Bác đi xa, ôn lại lời căn dặn đầu tiên của Người trong Di chúc, là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức Đảng tự soi rọi lại mình; phấn đấu xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, lãnh đạo khối đại đoàn kết toàn dân “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phát hành bộ tem kỷ niệm “50 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019)”.