Điểm Bưu điện – văn hóa xã vẫn không ngừng tỏa sáng
Chính sách và chiến lược - Ngày đăng : 21:17, 26/10/2018
Chiều 26/10, tại Hà Nội, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm thành lập Bưu điện – Văn hóa xã (BĐ-VHX).
Năm 1998, thực hiện Nghị quyết TW 5 khóa VIII của Đảng về CNH-HĐH nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (sau tách thành Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam) đã triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động mô hình Bưu điện-Văn hóa xã (BĐ-VHX). Từ chỗ chỉ có khoảng 2.000 BĐ-VHX hoạt động năm đầu tiên, đến nay con số này đã tăng lên trên 8.000 điểm.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng cho biết: Năm 1998, sự ra đời của mô hình BĐVHX ghi nhận bước đi sáng tạo của ngành BCVT VN trong thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Khi so sánh 2 lần thăm BĐVN cách đây 5 năm, lãnh đạo UPU ca ngợi sự phát triển BĐVN như một điển hình trong UPU mà điểm BĐVHX là mô hình đặc biệt. Mô hình này được ghi nhận không chỉ ở Việt Nam mà cả ở các thành viên của UPU.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng phát biểu tại Hội nghị
Thứ trưởng đánh giá: BĐVHX đã tham gia tích cực, có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia như: Đưa thông tin về cơ sở, miền núi, vùng sâu, vùng xa; Xây dựng nông thôn mới; Giảm nghèo bền vững… Giai đoạn 2016 – 2021, cả nước còn 2 chương trình MTQG, trong đó bưu điện đều có vai trò. Giảm nghèo thông tin trách nhiệm thuộc Bộ 4T. BĐVHX là 1 nơi giúp giảm nghèo thông tin. Xây dựng NTM cần có tiêu chí số 8 về BDVHX.
BĐVHX cũng đóng vai trò quan trọng trong các chương trình, dự án như phối hợp Bộ VHTTDL phục vụ sách báo tại các điểm BĐVHX (bắt đầu từ 2013, thời gian tới cần đánh giá lại kết quả thực hiện); cung cấp dịch vụ VTCI, dự án nâng cao khả năng truy nhập máy tính, sử dụng Internet do Quỹ B&M Gates tài trợ, hỗ trợ máy tính giúp việc đọc sách báo, truy cập Internet.
Mặc dù thời gian qua hệ thống điểm BĐVHX gặp khó khăn, nhiều điểm xuống cấp, phải đóng cửa, nhưng với sự quan tâm từ chính quyền các cấp, sự đổi mới tư duy quản lý kinh doanh, sự quyết tâm quyết liệt của BĐVN nên đã đổi mới, dần khởi sắc.
Toàn cảnh hội trường
Bên cạnh đảm bảo nhiệm vụ công ích vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh, BĐVHX là điểm tựa triển khai các chương trình, dự án, là cánh tay nối dài của chính quyền tại nông thôn.
Ở các BĐ-VHX, người dân vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa đã được sử dụng các dịch vụ bưu chính,viễn thông và Internet với chất lượng như ở thành phố; thanh thiếu niên, bộ đội, cán bộ hưu trí, người già….đến sinh hoạt, đọc sách báo để nắm bắt thông tin mới, tìm hiểu chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước cũng như học hỏi, ứng dụng các kiến thức khoa học kỹ thuật vào việc xóa đói, nghèo và làm giàu cho gia đình, xã hội.
BĐ-VHX đã trở thành một “thiết chế văn hóa”, là điểm sáng của ngành Bưu điện. Đặc biệt, trong giai đoạn đầu hoạt động, BĐ-VHX cũng thường xuyên được nhắc đến trong các văn bản, nghị quyết của Đảng từ Trung ương đến địa phương. Đặc biệt, trong một số hội nghị quốc tế của Liên minh Viễn thông quốc tế ITU, Liên minh Bưu chính Thế giới UPU, BĐ-VHX được nhắc tới như một mô hình độc đáo của Việt Nam, khuyến nghị các nước tham khảo.
Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vietnam Post chia sẻ: Trong giai đoạn mới, với mục tiêu phát triển hệ thống BĐ-VHX thực hiện đồng thời cả hai nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh doanh, tạo nền tảng bền vững để lồng ghép triển khai các chương trình, dự án của Nhà nước về nông thôn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, từ năm 2014 Bưu điện Việt Nam đã tập trung triển khai Chiến dịch đổi mới hoạt động tại BĐ-VHX trên phạm vi toàn quốc.
Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vietnam Post chia sẻ chiến lược của BĐVN
Giai đoạn 2014 - 2018, Bưu điện Việt Nam đã đầu tư 400 tỷ đồng để cải tạo, sửa chữa gần 5.200 điểm BĐ-VHX. Đặc biệt năm 2014, BĐVN đã mở hai Bưu điện - Văn hóa tại đảo Trường Sa Lớn và đảo Sinh Tồn. Việc mở các điểm phục vụ bưu chính của Bưu điện Việt Nam tại đây không chỉ tạo điều kiện thuận tiện hơn cho người dân và các cán bộ, chiến sỹ trong việc liên lạc, trao đổi thông tin với người thân mà còn góp phần rút ngắn khoảng cách giữa hải đảo và đất liền. Bên cạnh đó, dấu nhật ấn đóng lên bưu kiện, bưu phẩm… từ đảo về đất liền cũng góp khẳng định chủ quyền trên quần đảo Trường Sa của đất nước.
Từ chỗ chỉ đơn thuần cung cấp các dịch vụ bưu chính truyền thống, là nơi đọc sách báo miễn phí, đến nay BĐ-VHX đã mạnh dạn hoạt động theo hướng đi mới, cung cấp đa dịch vụ tại điểm như: huy động tiết kiệm bưu điện, chuyển tiền, bảo hiểm bưu điện, phân phối hàng tiêu dùng về nông thôn, cung cấp sản phẩm sách, vở, lịch, các thiết bị viễn thông- truyền hình kỹ thuật số phục vụ bà con nông thôn góp phần hoàn thành lộ trình số hóa truyền hình của Chính phủ
Mô hình kinh doanh đa dạng tại điểm BĐ-VHX đáp ứng nhu cầu người dân
Đáng chú ý, theo ông Chu Quang Hào, Tổng giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam: Thời gian gần đây hệ thống BĐ-VHX online (kết nối internet và các phần mềm bưu chính, hành chính công...) còn là nơi kết nối giải quyết các dịch vụ hành chính công giữa người dân và chính quyền các cấp.
Ông Chu Quang Hào, Tổng giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam báo cáo quá trình 20 năm phát triển của BĐ-VHX
Hiện Bưu điện Việt Nam đã thử nghiệm thành công mô hình BĐ-VHX cung cấp các dịch vụ hành chính công tại hơn 1.500 điểm, điển hình tại các tỉnh: Đồng Tháp, Lâm Đồng, Bình Dương, Bến Tre... Một số đơn vị còn triển khai dịch vụ hẹn giờ làm thủ tục cung cấp dịch vụ hành chính công cho người dân tại BĐ-VHX. Đặc biệt, tại một số địa phương, UBND xã còn đặt bộ phận “một cửa” của xã tại BĐ-VHX. Nhân viên BĐ-VHX sẽ cùng tham gia hỗ trợ công chức tiếp nhận, kiểm đếm hồ sơ và thực hiện trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, đồng thời hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tại BĐ-VHX. Đây là bước khởi đầu quan trọng để Bưu điện Việt Nam nhân rộng triển khai trên phạm vi toàn quốc trong việc tiếp nhận hồ sơ và chuyển trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.
Tính đến hết tháng 9/2018, doanh thu toàn hệ thống Bưu điện - Văn hóa xã đóng góp 14% trong Tổng doanh thu của Bưu điện Việt Nam, tăng 152% so với cùng kỳ năm 2017, mức doanh thu bình quân/ điểm/tháng đạt 35 triệu đồng.
Trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TT&TT cho 10 Bưu điện tỉnh và 15 cá nhân có thành tích xuất sắc trong quản lý và phát triển điểm BĐ-VHX
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, trong thời đại 4.0 bắt buộc BĐ-VHX phải được kết nối và quản trị phẳng hóa bằng công nghệ thông tin. BĐ-VHX sẽ dần được chuyên nghiệp hóa trong kinh doanh, cùng với đẩy mạnh ứng dụng CNTT để quản lý và tạo lập được một lượng khách hàng thân thiết đủ lớn và ổn định. Do đó, hệ thống BĐ-VHX cần nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hiện thực hóa một số mục tiêu đến năm 2030. Cụ thể, 100% BĐ-VHX cung cấp đa dịch vụ trên nền CNTT hiện đại, chú trọng cung cấp các sản phẩm thiết yếu cho người dân địa phương, tham gia hỗ trợ cung cấp sản phẩm địa phương thông qua hệ thống thương mại điện tử. Tăng tỷ trọng đóng góp doanh thu của BĐ-VHX trên tổng doanh thu toàn Tổng Công ty từ 14% lên 25 - 30%, từ đó tăng thu nhập thực tế cho nhân viên BĐ-VHX.
Phiên tọa đàm tổng kết, đánh giá quá trình hoạt động của điểm BĐ-VHX
Đặc biệt, BĐ-VHX sẽ được chuyên nghiệp hóa hơn nữa từ khâu phục vụ tại điểm đến chuẩn hóa cung cấp các dịch vụ công ích, đồng thời, xây dựng BĐ-VHX trở thành điểm cung cấp dịch vụ hành chính công tại địa bàn xã, đưa các dịch vụ công đến gần với người dân.