Doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khối ASEAN và Việt Nam ưu tiên đầu tư cho công nghệ

Hội nhập - Ngày đăng : 14:36, 09/10/2018

Cứ 3/5 SME tại Việt Nam (58%) chú trọng đầu tư vào công nghệ thay vì các lĩnh vực đầu tư truyền thống như nhà xưởng, máy móc...

Theo nghiên cứu “Sự chuyển đổi doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) (SME) khối ASEAN (ASEAN SME Transformation Study)”, công nghệ sẽ là ưu tiên đầu tư hàng đầu của các doanh nghiệp, đặc biệt là các DNNVV tại Việt Nam nhằm đảm bảo tăng trưởng liên tục.

Nghiên cứu này được Ngân hàng UOB (United Overseas Bank) của Singapore, công ty kiểm toán Ernst & Young (EY) và tập đoàn phân tích dữ liệu thương mại Dun & Bradstreet thực hiện. Theo nghiên cứu, cứ 3/5 DNNVV tại Việt Nam (58%) chú trọng đầu tư vào công nghệ thay vì các lĩnh vực đầu tư truyền thống như nhà xưởng, máy móc, nhằm tìm kiếm cơ hội tăng trưởng trong nền kinh tế số. Trong số đó, 71% cho biết họ sẽ đầu tư vào các phần mềm như ứng dụng di động và tiếp thị số vì chúng sẽ giúp cải thiện trải nghiệm của khách hàng và nâng cao lòng trung thành của khách hàng hàng với thương hiệu. Bên cạnh đó, đầu tư mảng phần cứng và cơ sở hạ tầng đứng vị trí thứ hai với 64%.

Ông Harry Loh, Tổng giám đốc Ngân hàng UOB Việt Nam, cho biết: “Nghiên cứu cho thấy các DNNVV tại Việt Nam đã nhận thức được vai trò quan trọng của công nghệ trong việc xây dựng một doanh nghiệp bền vững và cải thiện năng lực cạnh tranh”. Tuy nhiên, theo ông, bên cạnh việc đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ, các DNNVV cũng cần đảm bảo rằng họ nắm bắt hoàn toàn và am hiểu các lựa chọn giải pháp số trên thị trường để đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên này.

Nghiên cứu này cũng cho thấy có đến 86% trong số các DNNVV Việt Nam được khảo sát xem công nghệ là phương thức cải thiện việc quản lý chi phí hiệu quả so với các lựa chọn khác như cắt giảm chi phí chung (81%), hoặc tìm nguồn cung ứng rẻ hơn từ các nhà cung cấp khác (78%).

Ngoài ra, các DNNVV tại Việt Nam còn tìm cách sử dụng công nghệ để đơn giản hóa việc thực hiện giao dịch ngân hàng của họ. Gần 4/5 DNNVV (78%) ưu tiên lựa chọn phương thức trực tuyến để sử dụng các sản phẩm hay dịch vụ tài chính như đăng ký vay vốn. Đây là lĩnh vực mà các ngân hàng đã và đang hỗ trợ các DNNVV bằng cách giúp doanh nghiệp mở tài khoản và đăng ký khoản vay thông qua hình thức trực tuyến.

Mặt khác, nghiên cứu cũng cho thấy rằng các DNNVV Việt Nam đã tự tin về tăng trưởng doanh thu bất chấp những căng thẳng kinh tế toàn cầu và những thách thức như thiếu hụt nhân tài. 2/3 doanh nghiệp (67%) dự kiến có doanh thu tiếp tục tăng trưởng trong năm nay, trong đó 1/3 doanh nghiệp (34%) dự đoán đạt mức tăng trưởng hai chữ số.

Nghiên cứu “Sự chuyển đổi của DNNVV khối ASEAN” được thực hiện vào cuối năm 2017 với sự tham gia của 1.235 DNNVV tại 6 quốc gia ASEAN, bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, nhằm tìm hiểu những cách thức mà các doanh nghiệp đang chuẩn bị cho sự phát triển kinh doanh cũng như thích ứng với những thay đổi và thách thức trong tương lai.

Theo đó, nhiều doanh nghiệp của các quốc gia trong ASEAN cũng có những điểm tương đồng về xu hướng đầu tư như của DNNVV Việt Nam. Cụ thể, Thái Lan dẫn đầu khu vực với 73% doanh nghiệp tập trung đầu tư vào công nghệ, tiếp theo sau là Malaysia (65%), Singapore (63%) và Philippines (56%). Indonesia là thị trường duy nhất mà nhu cầu đầu tư vào công nghệ đứng thứ ba (48%), sau bất động sản (54%) và máy móc, thiết bị (52%).

TH