Game Art - Công việc đòi hỏi sáng tạo và đam mê

Diễn đàn - Ngày đăng : 10:56, 14/09/2018

Một hoạ sĩ thiết kế game biết code và thành thạo các phần mềm luôn là một lợi thế và là đối tượng săn đón của rất nhiều công ty game hiện nay.

Sức hấp dẫn của Game Art

Khái niệm thiết kế game vẫn còn khá mới mẻ ở nước ta. Muốn gắn bó với nghề này thật sự cần sự “dấn thân”, biết chơi game và biết “làm mới” nó. Đây là nghề “vừa làm vừa chơi” nhưng lại không hề “chơi” chút nào vì đã làm công việc thiết kế game - thiết kế 3D là phải có sự tập trung và thời gian đầu tư khá lớn. Nếu thiết kế 2D, thiết kế web một ngày có thể xong 2 - 3 giao diện thì với 3D, một ngày chưa được gì cả, nó đòi hỏi nhiều hơn về thời gian và công sức.

Game Art đang ngày càng thu hút nhiều người quan tâm phát triển – Ảnh: Internet

Thêm nữa, có khác biệt rất lớn giữa những người thiết kế game (Game Art) và những game thủ. Khác biệt chủ yếu có lẽ là ở tâm trạng và cách "chơi". Bạn chơi game chỉ để giải trí, bạn chỉ lựa chọn game mình yêu thích nhất, một khi không thích nữa thì ngừng chơi. Nhưng những nhà thiết kế game, ngoài việc chơi game ra, họ còn phải tìm hiểu đâu là ưu điểm, đâu là khuyết điểm trong thiết kế, bản thân họ có đủ sức chỉnh sửa cho hoàn thiện hơn không và chỉnh sửa thế nào?... Một khi sống với nghề thiết kế game, sự hứng thú với công việc là tối cần thiết và quan trọng là phải biết cách nuôi dưỡng hứng thú đó. 

Là một ngành đang rất thiếu nhân lực tại Việt Nam gần đây, thế nhưng có lẽ với những yếu tố mơ hồ về định nghĩa cũng như công việc thực thụ của một thiết kế Game đã làm nhiều bạn dù yêu thích nhưng vẫn còn ngại thử sức mình. Sự e ngại này có thể do mông lung giữa việc một hoạ sĩ game có cần phải biết về lập trình (code), hay là sự rối rắm khó nhằn của các phần mềm 3D... Lẽ dĩ nhiên, một hoạ sĩ thiết kế game biết code và thành thạo các phần mềm luôn là một lợi thế và là đối tượng săn đón của rất nhiều công ty game hiện nay. Việc làm thế nào để trở thành một họa sĩ game  phụ thuộc rất nhiều ở sự kiên trì tìm tòi, trên hết là tìm cho mình một môi trường học tập tốt đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên.

Tại Việt Nam, Game Art luôn cần một lượng lớn nguồn nhân lực dồi dào. Ảnh: HN

Ngành nghề “hot” thu hút nhiều sinh viên

Từ nhu cầu ngày càng cao của nền kinh tế xã hội, các sinh viên ra trường trong lĩnh vực đồ họa dễ dàng kiếm được công việc phù hợp với mức lương khởi điểm 8 - 10 triệu đồng/tháng. Hơn nữa, như một đặc thù ưu ái, nghề thiết kế luôn mang lại những cơ hội làm thêm hấp dẫn. Có thể thấy, người học mỹ thuật đồ họa và thiết kế đa phương tiện có rất nhiều “đất dụng võ”. Bởi vậy, không khó hiểu khi những ngành học sáng tạo này luôn có lượng thí sinh dự tuyển đông đảo.

Tuy nhiên khi đăng ký dự thi ngành nghề này, nhiều thí sinh khi chưa hiểu rõ về ngành học hoặc nhầm lẫn mỹ thuật đồ họa và thiết kế đa phương tiện là một. Điều đó dẫn đến việc thí sinh chọn nhầm ngành, không phát huy được năng lực thực sự của học viên, gián đoạn thời gian học tập, tốn kém chi phí…

Có rất nhiều các trung tâm, các trường đại học trên cả nước đào tạo trong lĩnh vực thiết kế Đa phương tiện như FPT Arena, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông – Khoa Đa phương tiện, Đại học Mỹ thuật công nghiệp,… Việc đào tạo ngành nghề này được xem là xu thế giáo dục mà các trường đại học trên cả nước đang hướng đến để đầu tư nhằm đón đầu xu thế phát triển công nghệ và nghề nghiệp hiện nay.

Nhiều công ty về Game lớn như Gameloft cũng bắt đầu phối hợp với các trường ĐH nhằm tuyển dụng nhân tài trong lĩnh vực “hot” như Game Art. Ảnh: HN

Bên cạnh đào tạo chính quy dài hạn, các trường đại học còn tổ chức các lớp học, khóa học ngắn hạn cho các sinh viên nhằm tìm hiểu và xác định rõ đam mê của mình trong lĩnh vực "màu mỡ" này. Đáng chú ý nhất có thể kể đến “Trường hè Đa phương tiện 2018” của Khoa Đa phương tiện - Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tổ chức với chủ đề “Game Art”. Dù chỉ kéo dài trong 2 ngày, nhưng trường hè đã thu hút hàng trăm bạn sinh viên tham gia. Trường hè thực hiện xen kẽ giữa lý thuyết và thực hành giúp các học viên có cái nhìn rõ ràng hơn về Game Art nói riêng và Game nói chung.

Trường hè Đa phương tiện 2018 của khoa Đa phương tiện – Học viện Công nghệ BCVT, một trong những khóa học đón đầu xu thế giới thiệu ngành nghề Game Art đến các bạn sinh viên hoàn toàn miễn phí. Ảnh: HN.

Tương lai không xa, Game Art sẽ đón đầu xu thế để trở thành một ngành nghề hấp dẫn và tạo nhiều cơ hội việc làm cho các bạn trẻ.

Chiếc hộp ước mơ - Sản phẩm Game 3D của nhóm Ton Ton đoạt giải nhất trong cuộc thi thiết kế đồ hoạ của Học viện BCVT (chủ đề: Quyền trẻ em) với sự tham gia của nhiều trường ĐH thuộc khu vực Hà Nội

"Chiếc hộp ước mơ" - Sản phẩm Game 3D của nhóm Ton Ton  đoạt giải Nhất Cuộc thi thiết kế đồ họa của Học viện công nghệ BCVT  với chủ đề "Quyền trẻ em" với sự tham gia của nhiều trường đại học thuộc khu vực Hà Nội. Game "Chiếc hộp ước mơ" lấy cảm hứng từ việc những đứa trẻ đi nhặt rác và phải tự nuôi sống bản thân mình. Người chơi sẽ có những nhiệm vụ để giúp cho cậu bé có nhiều tiền và cuộc sống tốt hơn. Game mang ý nghĩa nhân văn với hình ảnh đồ họa 3D đẹp mắt.

Hồng Minh