WEF ASEAN 2018: đánh giá về các vấn đề quan trọng đối với ASEAN trong CMCN 4.0
Diễn đàn - Ngày đăng : 10:53, 14/09/2018
Chiều 13/9/2018, tại Hà Nội, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018 với chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và cách mạng công nghiệp 4.0” đã kết thúc tốt đẹp. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã đến dự và phát biểu bế mạc.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình
Trong lời phát biểu, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Sau 2 ngày với gần 60 phiên thảo luận sôi nổi và thực chất, Hội nghị đã thành công tốt đẹp. Với chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và cách mạng công nghiệp 4.0”, Hội nghị WEF ASEAN đã thực sự là “ngày hội” giao lưu các ý tưởng, đánh giá sâu sắc, nhiều chiều về các vấn đề quan trọng đối với sự phát triển của các nước ASEAN trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó có nhiều nhận thức mới, kinh nghiệm, thực tiễn tốt, cũng như các ý tưởng, chính sách về khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, sức sáng tạo của doanh nghiệp và người dân.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho rằng, chỉ có đổi mới sáng tạo với tầm nhìn khác biệt mới đưa các quốc gia, doanh nghiệp tiến lên trong thế giới ngày nay. Do đó, Chính phủ và doanh nghiệp các nước ASEAN cần tiếp tục phát huy nội lực, tạo môi trường thuận lợi cho sáng tạo, cho cái mới nảy nở và lan tỏa, tạo nên động lực tăng trưởng mới cho phát triển thịnh vượng trong thế giới đang chuyển động nhanh bởi công nghệ mới.
Chính phủ Việt Nam luôn sẵn sàng và đang nỗ lực kiến tạo môi trường thuận lợi cho phát triển, khuyến khích mạnh mẽ doanh nghiệp, người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, phát huy năng lực sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp, đóng góp vào sự phát triển năng động của cả quốc gia.
Thế giới số, siêu kết nối thông minh tạo cơ hội cho mọi người dân khởi nghiệp, sáng tạo, tiếp cận các nguồn lực, thông tin mới, tri thức mới và thị trường mới. Xây dựng nền giáo dục mở và thông minh cho toàn dân là nền tảng và phương cách quan trọng để thúc đẩy sáng tạo, bảo đảm mọi người dân đều được thụ hưởng cơ hội và lợi ích của tiến bộ công nghệ.
Phó Thủ tướng hoan nghênh Hội nghị đã đưa ra nhiều ý tưởng, khuyến nghị về trang bị cho người dân, nhất là thế hệ trẻ, các kỹ năng mới, đặc biệt là kỹ năng số, để làm chủ công nghệ mới và đáp ứng các yêu cầu của việc làm mới. Đây cũng chính là cơ hội cho các doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào giáo dục thông minh ở các nước ASEAN.
Đồng thời, Phó Thủ tướng Thường trực cũng nhận định sự biến chuyển nhanh chóng của thế giới đặt ra những cơ hội và thách thức to lớn cho ASEAN trong hiện thực hóa tầm nhìn cộng đồng ASEAN 2025. Cùng với tăng cường đoàn kết, đồng thuận, phát huy nội lực, tự cường, ASEAN đang mở rộng cánh cửa hợp tác với các đối tác trong khu vực và trên thế giới. “WEF là nơi khởi nguồn của nhiều ý tưởng và sáng tạo mang tầm chiến lược toàn cầu. Việt Nam kỳ vọng vào sự hợp tác trong thời gian tới và mong muốn WEF và quý vị phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN hiện thực hóa các ý tưởng, các sáng kiến thiết thực đã được các nhà lãnh đạo các nước ASEAN nêu tại hội nghị thành các kế hoạch, chương trình hợp tác cụ thể”.
Thông qua Hội nghị WEF ASEAN, Phó Thủ tướng Thường trực cũng khẳng định Việt Nam mong muốn cùng WEF thúc đẩy đối thoại và tăng cường quan hệ đối tác rộng mở vì một khu vực Đông Nam Á hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng.
Thay đổi tư duy
Cũng tại phiên bế mạc Hội nghị WEF ASEAN 2018, Quyền Bộ trưởng TTTT Nguyễn Mạnh Hùng và một số diễn giả đã có những chia sẻ về cuộc CMCN 4.0.
Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng
Theo Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, nhìn lại lịch sử các cuộc cách mạng công nghiệp, mỗi khi có một cuộc cách mạng mới diễn ra, các công nghệ mới xuất hiện thì các doanh nghiệp và xã hội được trao quyền nhiều hơn để hỗ trợ chính phủ vận hành tốt hơn. Bất cứ khi nào điều đó xảy ra, chính phủ sẽ trở nên tinh gọn, để thông minh hơn và thay đổi nhanh hơn.
Quyền Bộ trưởng TTTT cho rằng, trong quá khứ, các công nghệ mới cải thiện cuộc sống, cải thiện cách quản lý một quốc gia. Nhưng giờ đây, chính công nghệ đã thay đổi cách thức sống, cách quản trị. Từ đó đòi hỏi con người phải thay đổi tư duy (mindset) của mình. “Thách thức lớn nhất đối với chúng ta là công nghệ có thể thay đổi nhanh chóng nhưng người dân và chính phủ không thể thay đổi cùng tốc độ như vậy”.
Theo đó, Quyền Bộ trưởng cho rằng cần đào tạo con người để thích ứng với các thay đổi, không chỉ đào tạo công nghệ mà còn đào tạo kỹ năng mềm như sự sẵn sàng thay đổi, quyết tâm dẫn dắt thay đổi. “CMCN 4.0 không chỉ là cách mạng về mặt công nghệ, mà còn là cách mạng về tư duy. Mỗi cuộc cách mạng mới sẽ đem lại cơ hội nhiều hơn là rủi ro. Nó phụ thuộc vào việc chúng ta nhìn nhận thế nào”.