Việt Nam vượt qua Malaysia, trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN
Diễn đàn - Ngày đăng : 15:16, 06/09/2018
Theo chuyên gia kinh tế và thương mại của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, ông Hu Suo Jin cho biết trong cuộc họp bá hôm thứ 5 tuần trước về quan hệ kinh tế song phương: Trong tháng 6 năm 2018, kim ngạch kinh tế Trung Quốc-Việt Nam đạt 11,2 tỷ USD, so với mức 9,3 tỷ USD giữa Trung Quốc và Malaysia, quốc gia vốn đã giữ danh hiệu đối tác thương mại ASEAN lớn nhất của Trung Quốc trong nhiều năm qua.
Trong nửa đầu năm nay, thương mại song phương tăng 28,8% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn tốc độ tăng trưởng 15,5% đạt được giữa Trung Quốc và Malaysia, á quân trong khối ASEAN.
Ông Hu Suo Jin nhấn mạnh rằng đây là “giai đoạn lịch sử tốt nhất” trong quan hệ kinh tế giữa hai nước, và thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc đang được các cơ quan của cả hai bên làm việc và giải quyết.
Quan chức thương mại của Đại sứ quán Trung Quốc cũng cho biết họ đã làm việc với chính quyền các tỉnh biên giới để tạo thuận lợi cho việc nhập khẩu nông sản Việt Nam vào Trung Quốc.
Ông Jin cho biết: “Các vụ ách tắc được báo cáo tại các cửa khẩu không phải là do việc thiếu cơ chế chính sách của chính quyền hai nước mà chỉ đơn giản là do tỷ lệ tăng trưởng hàng hóa đang tăng mạnh giữa Trung Quốc và Việt Nam”.
Đại biểu của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, ông Yin Haihon cũng thông báo sẽ có một số chuyến thăm cấp cao được thực hiện trong nửa cuối năm nay, và cam kết rằng đại sứ quán sẽ cố gắng hết sức để khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam.
Mối quan tâm về nhà máy nhiệt điện
Cũng có mặt tại buổi họp báo, ông Chen Lienqing, một đại diện của China Southern Power Grid (CSG)- công ty điện lực phía Nam Trung Quốc, đã trả lời các câu hỏi trong buổi họp báo về vấn đề cột khói đen bốc ra từ ống khói của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 ở phía Nam tỉnh Bình Thuận.
China Southern Power Grid là nhà đầu tư chính của dự án điện trị giá 1,75 tỷ đô la ở Việt Nam, cho biết hiện tượng này là kết quả của việc thổi khí nén cao để làm sạch ống khói, trước khi chạy thử thiết bị thứ hai.
Ông Chen cho biết: “Cột màu đen cũng không phải là khói và nó không chứa bất kỳ chất độc hại nào. Chất cặn bên trong ống khói được thổi lên đến 30m nhưng nhanh chóng rơi xuống chỉ còn 10m xung quanh ống khói và đã nhanh chóng được thu dọn”.
Cũng về vấn đề cột khói đen, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu nhà máy điện Vĩnh Tân 1 đình chỉ hoạt động thử nghiệm của đơn vị thứ hai hôm thứ 4, đồng thời cũng cho biết nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 chưa thông báo cho Bộ Tài nguyên và Môi trường hay chính quyền địa phương về kế hoạch hoạt động của nhà máy.
Theo các nhà chức trách của tỉnh, cuộc chạy thử sẽ chỉ được tiếp tục khi Bộ tài nguyên và môi trường xác nhận rằng các biện pháp bảo vệ môi trường của nhà máy đang hoạt động bình thường.
Chính quyền tỉnh cũng yêu cầu công ty Vĩnh Tân đệ trình một bản kế hoạch chi tiết về việc xử lý tro và xỉ phù hợp với hướng dẫn của Bộ Công thương - bao gồm trồng cây xung quanh các bãi chôn lấp tro kín và làm sạch tro trên xe tải khi vào và ra khỏi nhà máy.
Đại diện của China Southern Power Grid nhắc lại rằng dự án điện Vĩnh Tân 1 là dự án đầu tiên được xây dựng bởi một nhà đầu tư Trung Quốc theo mô hình Xây dựng - Vận hành - Chuyển giao (BOT), sau 25 năm hoạt động, nhà máy điện sẽ được chuyển giao cho Chính phủ Việt Nam.
Ông Chen Lienqing cho biết: tất cả các biện pháp bảo vệ môi trường đã được thực hiện "theo tiêu chuẩn cao nhất do hai nước thiết lập" kể từ khi xây dựng và công ty luôn "hoan nghênh" các đoàn kiểm tra và giám sát của các cơ quan hữu quan và phương tiện truyền thông địa phương.
Các nhà máy nhiệt điện sử dụng than đốt đang nhận được những lời chỉ trích trên toàn thế giới bởi những tác động tiêu cực đến môi trường của mình.
Tuy nhiên, công ty Vĩnh Tân 1 tuyên bố rằng đơn vị sử dụng than antraxit có độ tinh khiết cao của Việt Nam, tạo ra 20.000 tấn carbon dioxide thấp hơn so với các nhà máy nhiệt điện khác.
Dự án Vĩnh Tân 1 với công suất 1,240 MW dự kiến sẽ sản xuất hơn 7,2 tỷ kWh điện mỗi năm, tăng khả năng cung cấp điện của khu vực phía Nam và giúp giảm sự phụ thuộc vào các nhà máy thủy điện, đặc biệt trong mùa khô hoặc trong mùa hạn hán.