ASEAN tiếp tục xóa bỏ các rào cản thương mại hàng hóa và dịch vụ

Hội nhập - Ngày đăng : 16:30, 31/08/2018

Mới đây, các Bộ trưởng Kinh tế các nước ASEAN đã ký kết 2 nghị định thư liên quan đến Hiệp định khung ASEAN về thương mại dịch vụ và Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN.

Việc ký kết các thỏa thuận này sẽ mang đến nhiều cơ hội tiếp cận thị trường hơn cho các nhà cung cấp dịch vụ cũng như giảm bớt những thủ tục hành chính và chi phí cho doanh nghiệp.

Nghị định thư về thực hiện gói cam kết thứ 10 của Hiệp định Khung ASEAN về Dịch vụ (AFAS)- gói cam kết cuối cùng được ký kết như là một phần của hiệp định khu vực nhằm cắt giảm dần các hạn chế đối với thương mại dịch vụ. Kể từ thời điểm ký kết AFAS (từ năm 1995) đến nay đã có 9 gói cam kết, lần lượt được thực hiện từ năm 1997 đến năm 2015.

Lễ ký kết gói cam kết thứ 10 của Hiệp định AFAS

Theo Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore Chan Chun Sing, việc ký kết các thỏa thuận này sẽ thúc đẩy hơn nữa sự hội nhập kinh tế của ASEAN, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ.

Điều này có nghĩa là các nhà cung cấp dịch vụ ASEAN sẽ được hưởng “bảo đảm ràng buộc về mặt pháp lý của việc tiếp cận thị trường dịch vụ ưu đãi lớn nhất” tại các thị trường ASEAN trong khi không gặp phải các rào cản hay bị phân biệt đối xử trong thị trường dịch vụ.

Các nhà cung cấp dịch vụ, kể cả những nhà cung cấp dịch vụ tại Singapore, cũng sẽ dễ dàng tham gia vào các lĩnh vực dịch vụ trước đây bị hạn chế, bao gồm kho vận, vận chuyển hàng không, vận tải biển, máy tính, viễn thông, du lịch, lĩnh vực dịch vụ xây dựng và các dịch vụ chuyên nghiệp.

Trong khi đó, Nghị định thư về thực hiện gói cam kết thứ nhất của Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) cho phép việc thực hiện cơ chế tự chứng nhận xuất xứ toàn khu vực ASEAN, giúp giảm đáng kể chi phí thương mại, tiết kiệm nguồn nhân lực và chi phí vận hành của cơ quan quản lý nhà nước. Cơ chế này được các bộ trưởng kinh tế ASEAN đưa ra lần đầu tiên vào năm 2009.

Điều này mang lại lợi ích lớn cho cả những công ty nhập khẩu và xuất khẩu vì giảm thiểu các thủ tục hành chính và các chi phí liên quan đến việc xin cấp Giấy chứng nhận xuất xứ. Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore cho biết việc này giúp các công ty xuất khẩu tại Singapore có thể tiết kiệm mỗi năm khoảng nửa triệu đô la.

Theo ông, việc ký kết hai thỏa thuận này sẽ tạo ra cho một môi trường kinh doanh mở và thuận lợi hơn trong ASEAN.

"Thương mại hàng hóa và dịch vụ tiếp tục không thể tách rời trong hành trình hội nhập kinh tế khu vực và là nền tảng của kiến ​​trúc thương mại khu vực của chúng tôi. Chúng sẽ giúp chúng tôi giải quyết các vấn đề hiện tại và tương lai, đồng thời tiếp tục giúp chúng tôi nắm bắt các cơ hội”, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore nhấn mạnh.

Đồng thời, hai thỏa thuận còn có thể hỗ trợ các luồng thương mại điện tử khu vực và thúc đẩy nền kinh tế số.

Hội nghị này là sự kiện quan trọng để Bộ trưởng Bộ Kinh tế 10 nước ASEAN và các đối tác trao đổi về tình hợp tác kinh tế nội khối ASEAN trong việc triển khai kế hoạch chi tiết AEC 2025 và thúc đẩy các sáng kiến ưu tiên do nước chủ tịch ASEAN 2018 đề xuất, chuẩn bị nội dung cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 33 và các hội nghị liên quan vào tháng 11 tới.

TH