Đã tìm được quán quân Cuộc thi Hackathon Việt Nam 2018
Sách và cuộc sống - Ngày đăng : 09:07, 30/08/2018
Trong khuôn khổ Ngày CNTT Nhật Bản 2018 - Japan ICT Day 2018, Cuộc thi Hackathon Việt Nam do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT (VINASA) và Câu lạc bộ Hợp tác CNTT Việt Nam – Nhật Bản (VJC) phối hợp cùng Hiệp hội Nội dung số Okinawa, Nhật Bản (OADC) đã diễn ra trong hai ngày 27-28/8/2018 tại Hà Nội. Đây là lần đầu tiên, mô hình cuộc thi này được tổ chức trong khuôn khổ Ngày CNTT Nhật Bản - Japan ICT Day, với sự tham gia của 74 thí sinh thuộc 19 đội thi, là đại diện tiêu biểu đến từ nhiều trường ĐH và công ty CNTT trên cả nước.
Cuộc thi năm nay chọn chủ đề Thành phố thông minh (Smart City) làm “đầu bài”, khuyến khích các thí sinh dùng công cụ lập trình để giải các bài toán thực tiễn gắn với việc xây dựng và quản lý đô thị thông minh để có thể đưa ra nhiều ứng dụng phong phú… Cuộc thi gồm 3 vòng: Vòng Ý tưởng; Vòng Thiết kế lập trình và Vòng Thuyết trình.
Phần thi đầu tiên - phần thi Ý tưởng - kéo dài trong 2 tiếng, 19 đội thi đã thảo luận nội bộ, sử dụng Mandala-chart (đồ thị hình tròn) của Nhật Bản để lựa chọn ra ý tưởng hay nhất của đội. Sau đó, 19 ý tưởng này sẽ tiếp tục được chấm điểm chéo bằng hình thức đánh dấu sao bởi các đội còn lại. 3 đội được đánh giá cao nhất (dựa trên số “Sao” mà các đội bạn chấm) tiếp tục được trình bày trước toàn thể các đội thi và Ban giám khảo. Ở vòng thi này, Ban Tổ chức đã tìm ra 3 đội thi có ý tưởng hay nhất và độc đáo nhất là các đội thi đến từ phòng nghiên cứu TVLab (Công ty Tinhvan), Beetsoft (nhóm các lập trình viên trẻ) và Humming Bird (ĐH FPT Cần Thơ).
3 đội được đánh giá cao nhấtphần thi Ý tưởng
Ở vòng 2, sau 17,5 tiếng lập trình liên tục trong 2 ngày, các thí sinh đã có phần trình bày ý tưởng và demo sản phẩm.
Qua 6 tiếng trình bày, hỏi đáp và thảo luận giữa Ban giám khảo và các đội, kết quả Giải Nhất Hackathon Việt Nam 2018 đã được trao cho đội Little Bin đến từ trường ĐH FPT Hà Nội; Giải Nhì được trao cho đội TVLab của Công ty Tinh Vân; Hai Giải Ba được trao cho đội Surrounding của ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) và Đội 2048 đến từ trường ĐH Kỹ thuật Lê Quý Đôn.
Giải Nhất được trao cho đội Little Bin đến từ trường ĐH FPT Hà Nội
Ngoài các Giải thưởng được trao cho các đội Nhất, Nhì và Ba, Ban Tổ chức chương trình đánh giá cao năng lực lập trình của đội lập trình viên trẻ của công ty Beet Soft và Đội The Beast của Trường ĐH FPT Cần Thơ.
Giải Nhì được trao cho đội TVLab của Công ty Tinh Vân
Chia sẻ về cuộc thi, ông Shingo Sato, Chủ tịch của OADC cho biết: “Đây là lần đầu tiên OADC phối hợp với VINASA và VJC tổ chức cuộc thi Hackathon tại Việt Nam. Tôi thực sự rất bất ngờ về trình độ và năng lực lập trình của các sinh viên và các kỹ sư của Việt Nam. Các em không chỉ có kiến thức và năng lực lập trình tốt mà còn biết kết hợp được cả các kiến thức về cơ khí, điện tử trong các sản phẩm phát triển tại cuộc thi này”.
Ông Lê Quang Lương, Phó Chủ tịch VJC, Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi cho biết: “Các thí sinh được Giải của cuộc thi Hackathon Việt Nam sẽ được chọn sang Nhật tham gia cuộc thi Hackathon tại Okinawa vào tháng 12 năm nay. Chương trình có ý nghĩa thiết thực thúc đẩy giao lưu hợp tác và phát triển nguồn nhân lực CNTT cho việc hợp tác Việt – Nhật”.
Hai Giải Ba được trao cho đội Surrounding của ĐH Công nghệ và Đội 2048 đến từ ĐH Kỹ thuật Lê Quý Đôn
Đáng nói là, mặc dù đây là lần đầu tiên cuộc thi được tổ chức, song Ban giám khảo và các chuyên gia khá bất ngờ trước sự chuẩn bị công phu của các thí sinh. Trước giờ khai mạc, có lẽ do sự háo hức và tính chất “đua tài” vì màu cờ sắc áo mà các bạn thí sinh đến khá sớm, mang theo các “đạo cụ” là những thiết bị điện tử, dây điện, máy vi tính, máy khoan, khung kim loại, ống thép, ống nhựa hay cả những chiếc ốc vít, bảng điều khiển… khiến Ban Tổ chức không khỏi ngỡ ngàng. Điều này cũng phần nào cho thấy tâm thế của các bạn trẻ không chỉ chú trọng về lập trình, mà đã có sự chuẩn bị, rèn luyện về kỹ năng chế tạo để hoàn thiện sản phẩm.
Ban Tổ chức kỳ vọng nhiều sản phẩm từ cuộc thi sẽ sớm tiếp tục được phát triển để trở thành các giải pháp đưa vào ứng dụng thực tế, góp phần xây dựng các thành phố thông minh tại Việt Nam.