Phát huy tinh thần Cách mạng tháng Tám hướng tới độc lập tự chủ về công nghệ 4.0
Đời sống xã hội - Ngày đăng : 00:57, 21/08/2018
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với các nhà khoa học
Nói chuyện với các nhà khoa học, chuyên gia, trí thức trẻ trong và ngoài nước tại Lễ công bố sáng kiến và khởi động “Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo 2018” được tổ chức vào ngày 19/8, đúng ngày Tổng khởi nghĩa giành chính quyền 73 năm trước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã liên hệ cuộc cách mạng tháng Tám và cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0: “Ngày này cách đây hơn 70 năm đất nước Việt Nam chúng ta từ thân phận nô lệ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã khởi nghĩa dành chính quyền, lập nên đất nước dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á. Sau đó nhiều năm là chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Cách mạng tháng Tám của Việt Nam cùng với cách mạng giải phóng dân tộc ở nhiều quốc gia diễn ra đã dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân”.
Phó Thủ tướng nhắc đến các sự kiện lịch sử đó để gợi nhớ việc nắm bắt thời cơ để dành lấy chính quyền. Đất nước bây giờ cũng đang đứng trước thời cơ, đó là cuộc CMCN 4.0.
“Dân tộc chúng ta đã chiến thắng nhiều thiên tai, địch họa để có đất nước như ngày hôm nay bởi vì tất cả người mọi người Việt Nam chúng ta đều vô cùng yêu nước. Không có từ nào tả được, không ai có thể nói ai yêu nước hơn ai, đều tự hào về dân tộc, đều dũng cảm hy sinh và dân tộc ta vô cùng sáng tạo. Sáng tạo từ truyền thuyết nỏ thần xa xưa cho đến những sáng tạo sau này như là bếp Hoàng Cầm, nghiên cứu phá ngư lôi của Giáo sư Trần Đại Nghĩa, nghiên cứu vắc-xin phòng chống sốt rét của Giáo sư Đặng Văn Ngữ trong chiến tranh, khi trong rừng không có ống nghiệm… Và ngày hôm nay nhiều bạn trẻ đang sáng tạo để thay đổi thế giới, nhiều nông dân, nhiều những người rất bình thường cũng đang tích cực sáng tạo để thay đổi cuộc sống”.
Nói về cách mạng tháng Tám vĩ đại để thấy tự hào về dân tộc, phải có trách nhiệm với ông cha đi trước đã hy sinh để dành độc lập, trao truyền lại di sản văn hóa của con người Việt Nam chúng ta và nói đến điều ấy để chúng ta thấy trách nhiệm với ngày mai, với các thế hệ con cháu.
Dẫn dắt câu chuyện, Phó Thủ tướng đưa ra câu hỏi “Chúng ta có vươn lên được không?” và đồng thời tin tưởng, khẳng định: “Việt Nam có thể vươn lên được, 30 năm đổi mới vừa qua, Việt Nam tăng trưởng liên tục ở mức cao thứ hai trên thế giới theo đánh giá của thế giới. Việt Nam đã đi một quãng đường rất dài với những thành tựu vô cùng to lớn. Chúng ta trân trọng những đóng góp của tất cả mọi người, các thế hệ đi trước, bạn bè quốc tế và trong đó có chính các bạn, để chúng ta có thêm một niềm tin là chúng ta có thể làm được. Đất nước không thể mãi nghèo”.
Muốn phát triển đất nước, Phó Thủ tướng chia sẻ, người Việt Nam chúng ta phải nhận trách nhiệm đầu tiên. “Không ai có thể vào bảo vệ và xây dựng tương lai của đất nước bằng chính con người Việt Nam, cũng không ai có thể bảo vệ và xây dựng đất nước nước ngoài người Việt Nam. Sứ mệnh ấy là của chính những người Việt Nam. Chúng ta tự hào và có trách nhiệm để xây dựng đất nước này. Chúng ta phải truyền cho nhau khát vọng xây dựng đất nước này giàu mạnh”.
Cũng theo Phó Thủ tướng, trong nghìn năm lịch sử, Việt Nam đã đứng vững được bởi Việt Nam có khát vọng. “Khát vọng độc lập dân tộc. Giờ đây, phải khát vọng để đất nước giàu mạnh. Khát vọng đó nếu không được nung nấu trong mỗi con người Việt Nam thì chúng ta khó bứt lên được. Điều quan trọng nhất là hãy coi mình là người trong cuộc. Là người trong cuộc thì một mặt trân trọng đóng góp của người khác và một mặt thấy rõ mình phải làm gì”.
Hình ảnh tại Lễ công bố sáng kiến và khởi động “Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo 2018”
Trong thế giới ngày hôm nay, công nghệ nói chung và CMCN 4.0 với những ngành khoa học như trí tuệ nhân tạo (AI), robotics, dữ liệu lớn (big data)… đang được nói đến rất nhiều. Nhưng quan trọng nhất, theo Phó Thủ tướng: “Tất cả chúng ta phải nắm lấy tay nhau để truyền khát vọng đất nước Việt Nam vươn lên. Nắm tay nhau để củng cố niềm tin, để cho nhau động lực không chỉ lúc thành công mà cả khi thất bại và hãy nắm tay nhau kiên trì đi đến cuối con đường để một ngày nào đó chúng ta có thể tự hào nói với thế hệ đi sau, con cháu mình là chúng ta đã không bỏ lỡ cơ hội”.
“CMCN 4.0 là một thời cơ và chúng ta phải nắm lấy nó. Chúng ta đã có rất nhiều hoạt động nhưng điều quan trọng là chúng ta phải kết nối lại và nắm chặt tay nhau. Sự kiện ngày hôm nay tạo thêm động lực để chúng ta tiếp tục dấn thân và nhất định vì một tương lai sáng hơn của đất nước”, Phó Thủ tướng kết thúc phần trao đổi tâm huyết với niềm lạc quan tin tưởng.
Các nhà khoa học tham dự buổi đối thoại Kết nối cộng đồng khoa học công nghệ
Đáp lại những ý kiến, sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các Bộ, ngành trong buổi Lễ trang trọng đầy ý nghĩa, PGS. TS. Trịnh Kiều Thế Loan, 27 tuổi, đang nghiên cứu khoa học tại Hàn Quốc về chuyên ngành công nghệ sinh học ứng dụng trong y sinh với hướng nghiên cứu chính là nghiên cứu chip sinh học để chẩn đoán bệnh, người cũng đã sở hữu hai bằng sáng chế ở lĩnh vực nghiên cứu của mình đã bày tỏ vui mừng, bất ngờ trở về quê hương lần này được tham gia Chương trình mạng lưới kết nối đổi mới sáng tạo Việt Nam.
Nữ Phó giáo sư tin rằng, các nhà khoa học đang nghiên cứu tại nước ngoài như chị có thể đóng góp ý chí nhỏ của mình cho CMCN 4.0. Cộng đồng CNTT tại Hàn Quốc, đặc biệt là đội ngũ làm việc tại những công ty hàng đầu như Samsung, LG… rất lớn, họ có thể có đóng góp lớn cho cuộc CMCN 4.0 tại Việt Nam. Cá nhân Chị cũng sẵn sàng có những đóng góp, trao đổi, chuyển giao công nghệ khi có cơ hội thích hợp và động viên các bạn trẻ tham gia.
Trong khi đó, GS. TS. Nghiêm Đức Long, Giám đốc Trung tâm công nghệ môi trường nước, Đại học Kỹ thuật Sydney (Australia), đã công bố hơn 250 bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế, đã hướng dẫn thành công 21 tiến sỹ, được phong giáo sư năm 36 tuổi, một trong những giáo sư trẻ nhất ở Australia, bày tỏ sự trân trọng trước cơ hội mà Chính phủ, các Bộ Ngành dành cho cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài để cùng đồng hành với đồng nghiệp, nhân dân Việt Nam trong cuộc CMCN 4.0.
Còn rất nhiều nhà khoa học, chuyên gia đã trao đổi, chia sẻ những tâm huyết tại buổi Lễ này cũng như các sự kiện trong chuỗi Chương trình mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018 mà trong bài viết nhỏ không thể liệt kê hết. Xin kết thúc bài viết bằng chia sẻ của GS. Ngô Bảo Châu, một trong hơn 100 nhà khoa học tham gia Chương trình - chương trình này là công cuộc vĩ đại, đánh thức tiềm lực và sẽ thành công, làm cho tiềm lực sáng tạo của người Việt Nam cả trong và ngoài nước được phát triển đơm hoa kết trái, đem lại sự giàu có cho đất nước.
Với khát vọng vươn lên, độc lập, tự chủ về khoa học công nghệ, cùng chung mục tiêu xây dựng đất nước phát triển bền vững và phồn vinh, các nhà khoa học, trí thức trẻ Việt Nam trong và ngoài nước đã có cơ hội tuyệt vời cùng nhau chia sẻ, chung một tầm nhìn, chung nhịp bước trong những ngày thu tháng Tám lịch sử này.