Hoàn thiện Đề án hỗ trợ thôn, bản khó khăn xây dựng nông thôn mới

Diễn đàn - Ngày đăng : 09:52, 15/08/2018

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Đề án hỗ trợ thôn, bản thuộc các xã khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững.

Tại Thông báo kết luận Hội nghị về xây dựng nông thôn mới các thôn, bản khó khăn gắn với giảm nghèo bền vững, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu ý kiến và phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Đề án hỗ trợ thôn, bản thuộc các xã khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững.

Mục tiêu Đề án nhằm nâng cao vai trò chủ thể và năng lực của người dân, cộng đồng tham gia thực hiện xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững thông qua thực hiện các công trình, dự án ở cấp thôn, bản góp phần hoàn thành mục tiêu phấn đấu cả nước không còn xã dưới 05 tiêu chí. Đề án sẽ hỗ trợ khoảng 3.513 thôn, bản, ấp của 363 xã khó khăn đạt dưới 10 tiêu chí khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo của 35 tỉnh, trong đó có 564 thôn, bản, ấp thuộc 52 xã dưới 5 tiêu chí.

Nội dung chính của Đề án là ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập bền vững. Tuy nhiên, Đề án cần chú trọng đến các tiêu chí nâng cao đời sống xã hội, trình độ nhận thức và hưởng thụ của người dân và cộng đồng, đặc biệt là trình độ học vấn, tay nghề (hoặc kỹ năng), hưởng thụ văn hoá và giữ gìn an ninh trật tự thôn bản; trong đó, chú ý rà soát nội dung hỗ trợ đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và hướng tới hoàn thành mục tiêu chung của Chương trình đến năm 2020.  

Ảnh:baogialai.com.vn

Về phạm vi của Đề án, cần lưu ý đối với những tỉnh trong phạm vi Đề án phải khẩn trương ban hành tiêu chí công nhận thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới và khảo sát nắm bắt các nhu cầu cụ thể của các thôn, bản để xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể từ nay đến năm 2020, phân công cụ thể cho từng ngành, bố trí lồng ghép từ các nguồn lực để đạt được các mục tiêu của Đề án và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đối với các tỉnh không thuộc phạm vi của Đề án, cần khẩn trương, chủ động rà soát lại hiện trạng các thôn, bản ấp, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, có điều kiện khó khăn, các xã mới đạt dưới 10 tiêu chí để tập trung chỉ đạo thực hiện theo các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án.

Các địa phương tập trung chỉ đạo và phát động các phong trào thi đua để huy động tối đa các nguồn lực thực hiện phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đăng ký theo kế hoạch đến năm 2020, trong đó, ưu tiên phấn đấu không còn xã dưới 5 tiêu chí (hoàn thành trong năm 2019) và giảm nhanh các xã dưới 10 tiêu chí. Các địa phương phải chú trọng phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư để cộng đồng dân cư tự bàn bạc, thống nhất lựa chọn các công trình, nội dung thực hiện thiết thực, phục vụ trực tiếp cho đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân gắn với các chương trình ứng dụng khoa học kỹ thuật, mỗi xã một sản phẩm, các mô hình khuyến nông - khuyến công.

Để thực hiện Đề án, Phó Thủ tướng đề nghị các cấp uỷ, chính quyền xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình góp phần đạt được mục tiêu đến năm 2020, trong đó đặc biệt ưu tiên hỗ trợ các nguồn lực đầu tư cho các thôn, bản theo mục tiêu của Đề án đã đề ra; đồng thời phải phát huy vai trò chủ thể và tinh thần vươn lên của người dân và cộng đồng, tình làng nghĩa xóm trong phát triển thôn, bản; nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của Ban Phát triển thôn, bản.

Về nguồn lực thực hiện Đề án, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng phương án đề xuất bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển trong tổng số 10% vốn dự phòng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để thực hiện Đề án; báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Các Bộ, ngành Trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc chủ động phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh nghiên cứu, có phương án lồng ghép các nguồn lực của các chương trình, dự án triển khai trên cùng địa bàn để tập trung đầu tư cho các thôn, bản theo hướng thống nhất để tránh đầu tư dàn trải, chồng chéo, kém hiệu quả, để rút kinh nghiệm và làm cơ sở đề xuất cơ chế, chính sách cho giai đoạn sau năm 2020.

Các Ngân hàng thương mại và Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tạo điều kiện để người dân vùng khó khăn được vay vốn để sản xuất, kinh doanh góp phần tạo sinh kế và nâng cao thu nhập. Nghiên cứu, cung cấp dịch vụ tín dụng phục vụ cho Đề án này, tập trung vào các tiêu chí phục vụ sản xuất, cơ sở hạ tầng thiết yếu.

Trường Thanh