Công đoàn ngành TTTT Việt Nam: đổi mới cả về chất và lượng
Diễn đàn - Ngày đăng : 13:32, 09/08/2018
Đại hội Công đoàn XV ngành TTTT Việt Nam đã diễn ra ngày 8/6/2018 tại Hà Nội. Đại hội đã thông qua Nghị quyết Đại hội. Công đoàn Thông tin và Truyền thông Việt Nam quán triệt đến từng tổ chức công đoàn các cấp cần tập trung đổi mới tổ chức và hoạt động theo hướng thiết thực hiệu quả; xác định rõ nhiệm vụ của mỗi cấp công đoàn; chú trọng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tăng cường phát triển lợi ích đoàn viên, lấy lợi ích làm điểm tập hợp thu hút đoàn viên và người lao động; hoàn thiện phương thức hoạt động phục vụ, phát huy vai trò tập thể đoàn viên tham gia xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh; tích cực xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn; tích cực tham gia xây dựng Đảng, các cơ quan, đơn vị của ngành TTTT trong sạch, vững mạnh góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Đại hội Công đoàn TTTT Việt Nam lần thứ XV thành công tốt đẹp
Tại Đại hội, Ban Chấp hành Công đoàn TT&TT Việt Nam khóa XIV đã báo cáo trước Đại hội về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn TTTT Việt Nam lần thứ XIV, Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2013 - 2018 và mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và những giải pháp của Công đoàn TTTT Việt Nam khóa XV, nhiệm kỳ 2018 – 2023. Với phương châm hướng về cơ sở, nhiệm kỳ 2013 - 2018, các cấp công đoàn ngành TTTT Việt Nam đã luôn sâu sát nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp, tư tưởng, đời sống, việc làm của người lao động, kịp thời tháo gỡ hó khăn, phối hợp với các cấp chính quyền, doanh nghiệp đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, thu hút đông đảo người lao động tham gia. Qua đó khẳng định Nghị quyết Đại hội XI Công đoàn Việt Nam, Nghị quyết Đại hội XIV Công đoàn TTTT Việt Nam là phù hợp với thực tế hoạt động của tổ chức công đoàn. Các mục tiêu nhiệm vụ chủ yếu và các chỉ tiêu phấn đấu đã được cụ thể hoá bằng cuộc vận động và 4 chương trình hành động đã được các cấp công đoàn triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, kế hoạch sản xuất kinh doanh đề ra, đáp ứng được yêu cầu phát triển của Ngành và đất nước trong thời kỳ hội nhập.
Đại hội Công đoàn TTTT Việt Nam lần thứ XV đã bầu ra 38 đồng chí vào Ban Chấp hành Công đoàn khóa mới, nhiệm kỳ 2018- 2023. Đồng chí Chu Văn Bình, Ủy viên Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giữ chức Chủ tịch Ban Chấp hành; các Phó Chủ tịch gồm các đồng chí: Trần Văn Sỹ, Trần Vũ Hà và Tăng Thị Hoa.
Ban Chấp hành Công đoàn khóa mới, nhiệm kỳ 2018- 2023
Đại hội đổi mới - dân chủ - đoàn kết - trách nhiệm
Đại hội lần thứ XV, giai đoạn 2018 - 2023 của Công đoàn TT&TT Việt Nam diễn ra trong tình hình thế giới dự báo có nhiều biến đổi, xu thế toàn cầu hoá, hội nhập khu vực và quốc tế diễn ra sâu rộng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng đan xen nhiều khó khăn, thách thức cho lĩnh vực TTTT. Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ 6, Ban chấp hành Trung ương Khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” đã nêu rõ quan điểm chỉ đạo và các mục tiêu cụ thể, cũng như đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đối với các đoàn thể chính trị - xã hội nói chung và tổ chức công đoàn nói riêng. Ðây là một nghị quyết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Ðảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Trong bối cảnh đó, Công đoàn TTTT Việt Nam xác định phải tự đổi mới chính mình theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và trở thành nhân tố quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động người lao động trong Ngành tích cực học tập nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; làm tốt công tác tư tưởng, nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người lao động và phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo các đơn vị trong quá trình tiếp tục thực hiện đổi mới, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp của Bộ TTTT.
8 nhóm mục tiêu và 5 nhóm giải pháp được Đại hội thông qua đã thu hút sự quan tâm, chú ý của đông đảo đại biểu tham dự.
Xác định mục tiêu - quyết tâm đổi mới
Đại hội đã xác định các mục tiêu hướng tới sự đổi mới:
Một là, Chăm lo đời sống, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động. Các cấp công đoàn chủ động tham gia quá trình thực hiện các Đề án của Chính phủ về tái cơ cấu doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị của Bộ TTTT. Nâng cao trách nhiệm, vai trò của công đoàn trong việc tham gia với chuyên môn xây dựng các cơ chế, chính sách về lao động, việc làm, tiền lương và chính sách, pháp luật. Công đoàn các cấp cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật về lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và chế độ, chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho đoàn viên và người lao động, nhất là các vấn đề về quyền, nghĩa vụ của họ khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động.
Hai là,Tổ chức các phong trào thi đua góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của Ngành và đất nước. Trong các cơ quan, đơn vị tổ chức công đoàn cần đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị gắn với cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, liêm chính” nhằm góp phần thiết thực trong thực hiện thành công “Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp”.
Ba là, Tuyên truyền, vận động, giáo dục đoàn viên và người lao động về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chủ trương công tác công đoàn. Phát huy truyền thống “Trung thành - Dũng Cảm – Tận tụy – Sáng tạo – Nghĩa tình” của Ngành, chủ động cùng với chuyên môn tập trung tuyên truyền về truyền thống vẻ vang của Ngành, các định hướng, chiến lược phát triển và các mục tiêu phấn đấu của Ngành trong giai đoạn tới. Tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động đoàn viên và người lao động thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X “Về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Tổ chức tốt các hoạt động trong “Tháng công nhân” hàng năm để đoàn viên, công nhân, lao động có “Quyền lợi đảm bảo, phúc lợi tốt hơn”.
Bốn là, Phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ công đoàn. Đổi mới phương thức hoạt động, cần tập trung hướng về cơ sở, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động của công đoàn cơ sở. Hàng năm tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn công tác tổ chức hoạt động của Công đoàn TTTT Việt Nam về các lĩnh vực như: Tổ chức, Chính sách - Pháp luật, Tuyên giáo, Tài chính, Nữ công, công tác kiểm tra công đoàn, đảm bảo đội ngũ cán bộ công đoàn có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, bản lĩnh chính trị và tư chất chỉ huy, lãnh đạo, điều hành hoạt động công đoàn một cách khoa học, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành TTTT.
Năm là, Công tác nữ công cần quan tâm tích cực đổi mới nâng tầm khu vực. Tiếp tục tuyên truyền, vận động nữ CB, CNVCLĐ triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các Chương trình hành động của Tổng Liên đoàn về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ gắn với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và phấn đấu rèn luyện các phẩm chất đạo đức Phụ nữ việt Nam “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” do Tổng Liên đoàn phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động. Chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nữ CNVCLĐ ngày càng lớn mạnh. Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Nữ công Công đoàn các cấp trong công tác tham mưu cho Ban Chấp hành chỉ đạo công tác nữ và công tác bình đẳng giới.
Sáu là, Công tác tài chính cần tiếp tục nghiêm túc thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo Nghị quyết 7b/NQ-TLĐ ngày 21/01/2016 về công tác tài chính công đoàn trong tình hình mới; Nghị quyết 09c/NQ-BCH ngày 18/10/2016 của Tổng Liên đoàn.
Bảy là, Công tác đối ngoại cần không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, tham gia các hoạt động của phong trào công đoàn quốc tế với phương châm “Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại”. Tiếp tục mở rộng, phát triển quan hệ hợp tác với các công đoàn quốc tế trong lĩnh vực công nghệ thông tin, báo chí, xuất bản. Tiếp tục tham gia và đóng vai trò là thành viên tích cực trong các hoạt động của UNI, UNI-Apro, ASETUC. Chú trọng quảng bá, giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam, về hoạt động của Công đoàn Việt Nam nói chung và Công đoàn Thông tin và Truyền thông Việt Nam nói riêng.
Tám là, Công tác thanh tra, kiểm tra yêu cầu Ủy ban Kiểm tra công đoàn các cấp, tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ của UBKT trong việc: Kiểm tra việc chấp hành điều lệ và các chỉ thị, nghị quyết của công đoàn; kiểm tra khi tổ chức và cá nhân có dấu hiệu vi phạm điều lệ, nghị quyết, chỉ thị và các quy định của Công đoàn;
Phương hướng rõ ràng - giải pháp quyết liệt
Mục tiêu, nhiệm vụ và quyết tâm đổi mới cả về chất và lượng của Công đoàn TTTT Việt Nam trong nhiệm kỳ 2018 - 2023 đã được Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường nhấn mạnh trong bài phát biểu chỉ đạo các cấp công đoàn của Ngành là phải tập trung ba đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ tới, đó là: Thiết thực chăm lo lợi ích đoàn viên, bảo vệ người lao động; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là người đứng đầu phải giỏi, ngang tầm nhiệm vụ; đổi mới phương thức hoạt động công đoàn theo hướng thiết thực, hiệu quả, cụ thể: Công đoàn đồng hành cùng sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, vì việc làm, đời sống của công nhân lao động, đồng thời xây dựng nguồn lực tài chính đủ mạnh để công đoàn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Ba đột phá này cần phải được cụ thể hóa bằng đề án để có các giải pháp khả thi.
Để thực hiện thắng lợi ba đột phá chiến lược trên, Công đoàn TTTT Việt Nam đã đề ra 5 nhóm giải pháp sau:
Một là, Ban Thường vụ Công đoàn TTTT Việt Nam bám sát sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ban Cán sự Đảng Bộ TTTT trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XV Công đoàn TTTT Việt Nam; Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam. Xây dựng chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành. Triển khai thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp công tác giữa Bộ TTTT và Công đoàn TTTT Việt Nam.
Hai là, Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở.Xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động phù hợp với điều kiện thực tế của cơ sở, hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi để cơ sở hoạt động đạt hiệu quả.
Ba là, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ công đoàn các cấp phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, cụ thể hoá bằng các kế hoạch, chương trình công tác hàng năm cho phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế tại cơ sở; đề ra các nội dung, chỉ tiêu, biện pháp để triển khai thực hiện.
Bốn là, Tăng cường mối quan hệ phối hợp với chuyên môn để tổ chức triển khai quy chế dân chủ tại cơ sở, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên và người lao động.
Năm là, Nâng cao chất lượng công tác báo cáo, thông tin trong hệ thống công đoàn; đề cao chế độ trách nhiệm và chế độ thực hiện công tác thông tin, báo cáo của lãnh đạo công đoàn các cấp. Tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong tổ chức và hoạt động công đoàn.