Tìm giải pháp cung - cầu nhân lực CNTT trong CMCN 4.0

Diễn đàn - Ngày đăng : 14:30, 08/08/2018

Số lượng công việc ngành CNTT đã tăng trung bình 47% mỗi năm. Tuy nhiên, số lượng nhân sự ngành này lại chỉ tăng ở mức trung bình 8%, cho thấy sự chênh lệch khá lớn giữa nguồn cung và cầu của ngành CNTT.

Ngày 8/8/2018, tại Hà Nội, Câu lạc bộ (CLB) Phần mềm Tự do Nguồn mở Việt Nam (VFOSSA) cùng CLB các Khoa-Viện-Trường CNTT-TT (FISU) và Trường Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội với sự bảo trợ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã tổ chức Hội thảo "Hợp tác Trường ĐH và Doanh nghiệp (DN) đào tạo nguồn nhân lực CNTT cho DN nhỏ và vừa (SME) trong xu thế chuyển đổi số.

Tham dự Hội thảo có PGS. TS Huỳnh Quyết Thắng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội; GS. TS. Nguyễn Thanh Thủy, Chủ tịch CLB các Khoa - Viện Trường CNTT-TT (FISU); ông Nguyễn Hồng Quang - Chủ tịch CLB Phần mềm Tự do Nguồn mở Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học Công nghệ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và nhiều đại biểu từ các Viện, Trường đào tạo CNTT và các DN nhỏ và vừa.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Hồng Quang, Chủ tịch CLB Phần mềm Tự do Nguồn mở Việt Nam cho biết: "Mục tiêu của Hội thảo là xác định nhu cầu và những khó khăn của các bên trong vấn đề đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực CNTT trong xu hướng chuyển đổi số, trao đổi những sáng kiến và kinh nghiệm đã có trong hợp tác ĐH-DN, thống nhất lộ trình xây dựng mô hình hợp tác ĐH-DN nhằm nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên CNTT".

Toàn cảnh Hội thảo

Chuyển đổi số (Digital Transformation) là xu thế tất yếu của mọi hoạt động kinh tế và xã hội trong cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đang được nhắc tới hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các DN CNTT nhỏ và vừa được đánh giá sẽ là lực lượng chủ lực thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số nhờ tính linh hoạt và dễ thích nghi trong bối cảnh thay đổi công nghệ hết sức mau lẹ đã và đang diễn ra trên quy mô toàn cầu cũng như tại Việt Nam. Nhân lực CNTT đang bước vào giai đoạn bùng nổ với nhu cầu rất lớn, trải đều cho tất cả mọi lĩnh vực. Theo khảo sát của VietnamWorks về ngành CNTT ở Việt Nam trong 3 năm qua, số lượng công việc của ngành CNTT đã tăng trung bình 47% mỗi năm. Tuy nhiên, số lượng nhân sự ngành này lại chỉ tăng ở mức trung bình 8%. Điều đó cho thấy sự chênh lệch khá lớn giữa nguồn cung và cầu của ngành CNTT.

Trước thực tế đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn 5444/BGDĐT-GDĐH hướng dẫn cơ chế đặc thù đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực CNTT trình độ đại học giai đoạn 2017 - 2020 để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập quốc tế, trong đó yêu cầu phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục ĐH với DN hoạt động trong lĩnh vực CNTT để chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực trong quá trình đào tạo là điều kiện bắt buộc để được thực hiện cơ chế đặc thù này. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy, học và quản lý giáo dục cũng là một trong 6 nhiệm vụ chủ yếu của giáo dục ĐH, bám sát khung 9 nhiệm vụ và 5 giải pháp chủ yếu của ngành giáo dục.

Trong những năm qua, tại một số trường ĐH lớn đã có sáng kiến lập CLB DN hoặc thông qua CLB cựu sinh viên (Alumni) để kêu gọi sự hỗ trợ của DN cho nhà trường. Ở chiều ngược lại, một số SME cũng đã chủ động thiết lập mối quan hệ hợp tác với Khoa CNTT của 1 - 2 trường ĐH thông qua ký kết nhận một số sinh viên đến thực tập ngắn hạn tại doanh nghiệp hàng năm. Ngoài ra, còn có thể kể đến sự tham ra của các công ty chuyên về tuyển dụng đóng vai trò cầu nối DN với các cử nhân/kỹ sư đã tốt nghiệp, có nhu cầu tìm kiếm việc làm thích hợp. Tuy nhiên, đây chỉ là những sáng kiến/mô hình cục bộ, nhỏ lẻ và thiếu bền vững, chưa có mô hình cho phép SME tham gia vào chương trình đào tạo của các ĐH nhằm tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng tốt cho nhu cầu của DN.

Số lượng SME là rất lớn. Nếu có một mô hình cho phép các SME có nhu cầu tìm kiếm nhân lực hoặc kỹ năng CNTT và các Khoa, Viện, Trường ĐH, nơi cung cấp nguồn nhân lực và kỹ năng này, có thể tương tác, trao đổi với nhau một cách khách quan, minh bạch và trực tuyến thì đó sẽ là một kho tài nguyên hết sức phong phú, đa dạng, đem lại lợi ích cho các SME, cho nhà trường, đặc biệt cho các em sinh viên đang tìm kiếm con đường đi cho riêng mình trong thời đại chuyển đổi số.

Tại Hội thảo cũng đã thảo luận về cơ hội nghề nghiệp và khai thác nguồn tuyển dụng để tìm việc hiệu quả, chương trình đào tạo CNTT và những khó khăn trong tìm việc làm thích hợp.

Hội thảo đã thảo luận các ý kiến và thống nhất chương trình khung hợp tác giữa CLB Các Khoa-Viện-Trường CNTT-TT (FISU) và CLB Phần mềm Tự do Nguồn mở Việt Nam (VFOSSA), khuyến khích các Khoa/Viện /Trường hợp tác với các DN nhỏ và vừa trong 6 nội dung: Tổ chức các hội nghị, hội thảo, báo cáo điển hình thành công trong hợp tác ĐH và DN, tư vấn và định hướng nghề nghiệp cho sinh viên; Các DN đề xuất đề tài và tổ chức tiếp nhận sinh viên CNTT đến thực tập để bổ sung kiến thức thực tế hoặc làm đồ án/luận văn tốt nghiệp theo quy trình của từng Khoa-Viện-Trường; Các DN cử chuyên gia hỗ trợ các Khoa - Viện-Trường đào tạo theo quy chế của từng đơn vị; Các DN cam kết cung cấp dịch vụ, sản phẩm cho các Khoa-Viện - Trường với mức ưu đãi cao nhất cho lĩnh vực giáo dục; Tổ chức các sự kiện thể thao, văn hoá giao lưu giữa thành viên hai Bên; Cùng xúc tiến việc xin các nguồn tài trợ cho việc phát triển nguồn nhân lực CNTT ngay trong quá trình đào tạo.

Hội thảo cũng đã nhất trí kêu gọi các đơn vị đào tạo CNTT và các DN nhỏ và vừa tiếp tục trao đổi và phát huy những sáng kiến và kinh nghiệm trong hợp tác ĐH - DN nhằm nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên CNTT.

Đỗ Thêu - Thu Hiền