Phải làm gì nếu nhà cung cấp dữ liệu đám mây của bạn ngừng cung cấp dịch vụ

Tin tức - Ngày đăng : 15:31, 17/07/2018

Bất kỳ nhà cung cấp dịch vụ đám mây nào cũng có thể dừng hoạt động hoặc ngừng cung cấp dịch vụ, vì vậy kế hoạch dự phòng cho trường hợp đó xảy ra là điều quan trọng cần phải làm.

iotecosystem_icon_final_0.png

Ảnh minh họa (Nguồn: doimoisangtao.vn)

Doanh nghiệp của bạn sẽ làm gì nếu nhà cung cấp dịch vụ đám mây cho bạn dừng hoạt động? Điều gì sẽ xảy ra nếu nhà cung cấp đám mây của bạn đột nhiên ngừng cung cấp các dịch vụ quan trọng mà doanh nghiệp của bạn cần để duy trì hoạt động thường ngày? Các doanh nghiệp cần phải bắt đầu hỏi những câu hỏi như thế và phát triển các kế hoạch để giải quyết các tình huống trên.

Dữ liệu đám mây là một thị trường mới đang tiếp tục phát triển và ngày càng nhiều người chơi nhỏ tham gia cung cấp dịch vụ. Theo Gartner, dịch vụ cơ sở hạ tầng hệ thống đám mây (IaaS) dự kiến sẽ tăng từ 45,8 tỷ USD doanh thu năm 2018 lên 72,4 tỷ USD vào năm 2020. Khi thị trường đạt đến trạng thái cân bằng, hiển nhiên là một số tổ chức cung cấp dịch vụ sẽ biến mất hoặc ngừng cung cấp một số dịch vụ nhất định. Vào năm 2013, Nirvanix ngừng cung cấp dịch vụ đám mây và chỉ cho khách hàng hai tuần để chuyển dữ liệu của mình ra khỏi nền tảng của họ.

Vấn đề này không nghiêm trọng nếu bạn sử dụng mô hình CNTT thông thường. Với một trung tâm dữ liệu truyền thống, bạn thực sự sở hữu phần cứng bạn mua, vì vậy ngay cả khi nhà sản xuất ngừng hoạt động, bạn vẫn có thiết bị và có thể tiếp tục sử dụng và chỉ có thể có vấn đề với sự hỗ trợ. Bạn vẫn có cơ hội lên kế hoạch di chuyển đến máy chủ hoặc cơ sở hạ tầng của nhà cung cấp mới.

Ngược lại, khi sử dụng công nghệ dữ liệu đám mây, các bảo đảm như vậy không tồn tại. Nếu các nhà cung cấp dịch vụ cung cấp cho bạn máy chủ đám mây hoặc thiết bị cơ sở hạ tầng ngừng hoạt động, máy chủ của bạn sẽ biến mất. Dữ liệu của bạn cũng có thể bị mất. Ví dụ: nếu hệ thống của bạn được tích hợp sâu với với bộ nhớ của nhà cung cấp trên đám mây, khi nhà cung cấp đó ngừng hoạt động, sẽ rất khó khăn khi di chuyển dữ liệu của bạn, ngay cả khi nhà cung cấp gia hạn thời gian cho bạn.

Giảm rủi ro bằng các kế hoạch dự phòng

Điều quan trọng trước khi quyết định lựa chọn nhà cung cấp cần thực hiện là thực hiện thẩm tra nhà cung cấp về mặt pháp lý, thương mại và tài chính. Rủi ro đối với nhà cung cấp cũng phải được đánh giá. Ngoài ra, phòng CNTT phải đảm bảo các người dùng chủ chốt tham gia vào quá trình ra quyết định và hiểu rủi ro trong việc di chuyển dữ liệu lên đám mây cũng như sự khác nhau giữa rủi ro của các nhà cung cấp khác nhau.

Các kế hoạch dự phòng cần phải được tạo lập hoặc cập nhật để xử lý các tình huống thảm họa có thể xảy ra nếu có vấn đề với nhà cung cấp dịch vụ đám mây. Kế hoạch phải bao gồm các viễn cảnh sau: Điều gì xảy ra nếu nhà cung cấp dịch vụ đám mây chuyển sang ngoại tuyến? Điều gì sẽ xảy ra nếu nhà cung cấp phải dừng hoạt động ngay lập tức hoặc ngừng cung cấp dịch vụ đám mây? Nhà cung cấp dịch vụ đám mây của bạn cung cấp những dịch vụ nào mà bạn cần để điều hành doanh nghiệp của mình và bạn sẽ làm gì nếu nhà cung cấp không thể cung cấp những dịch vụ đó? Càng có nhiều kịch bản được xem xét trong kế hoạch thì mức độ ảnh hưởng đến doanh nghiệp càng nhỏ nếu nhà cung cấp có vấn đề trong việc cung cấp dịch vụ của họ.

Khi đánh giá nhà cung cấp dịch vụ đám mây, hãy đảm bảo bạn hiểu mô hình kinh doanh của họ. Đây có phải là mô hình bền vững không? Họ có thực sự tạo ra lợi nhuận không? Kế hoạch dài hạn của họ có tương thích với mục tiêu của tổ chức của bạn không? Họ có sẵn sàng làm việc với bạn trong kế hoạch kinh doanh liên tục nếu họ rơi vào thời kỳ khó khăn?

Trả lời những câu hỏi này sẽ giúp đảm bảo rằng bạn không hợp tác với nhà cung cấp sai.

Các nhà nghiên cứu từ Tạp chí Luật Công nghệ Stanford nhận thấy rằng hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ đám mây sẽ không cung cấp trách nhiệm pháp lý nếu dữ liệu bị mất vì mất điện tạm thời hoặc vĩnh viễn do ngừng kinh doanh.

Một điều quan trọng nữa là đảm bảo mọi hợp đồng bạn ký với nhà cung cấp dịch vụ đám mây đều có những điều khoản xảy ra với dữ liệu của bạn trong trường hợp phá sản, không đáp ứng yêu cầu, thay đổi dịch vụ, v.v. Các điều khoản cũng nên bao gồm các thỏa thuận chuyển dữ liệu sang nhà cung cấp dịch vụ đám mây khác hoặc trung tâm dữ liệu của bạn. Nếu một nhà cung cấp từ chối bổ sung một điều khoản hợp đồng bảo vệ bạn trong những tình huống này, bạn nên xem xét các nhà cung cấp khác.

Xem xét việc sử dụng đồng thời nhiều nhà cung cấp

Nhiều doanh nghiệp lớn sử dụng hai hoặc nhiều nhà cung cấp dịch vụ đám mây để giảm rủi ro của họ. Điều này có thể mang lại lợi ích đáng kể cho doanh nghiệp nếu một nhà cung cấp ngừng kinh doanh. Ngoài ra, đối với nhân viên CNTT, điều này có thể mang lại lợi ích nếu bạn gặp phải vấn đề với một nhà cung cấp vì họ sẽ quen thuộc với làm việc với nhà cung cấp khác, điều này có thể giúp di chuyển liền mạch hơn.

Ví dụ: Nếu một tổ chức sử dụng dịch vụ đám mây của Amazon cho một bộ ứng dụng và dịch vụ Microsoft Azure cho các ứng dụng khác. Khi họ có vấn đề với một trong số chúng và phải chuyển sang nhà cung cấp khác, nhân viên hỗ trợ sẽ quen thuộc với các hoạt động của nền tảng và việc di chuyển sẽ dễ dàng hơn bởi vì họ có kỹ năng ứng phó với sự thay đổi liên tục trong công nghệ.

Các tổ chức có hai hoặc nhiều nhà cung cấp phải ghi lại quy trình di chuyển ứng dụng, dữ liệu, v.v ... từ nhà cung cấp này sang nhà cung cấp khác trong trường hợp gián đoạn và quá trình này phải được kiểm tra hàng năm. Việc áp dụng khôi phục số liệu chính phải tương tự với kế hoạch khôi phục thảm họa cho trung tâm dữ liệu truyền thống. Mục tiêu thời gian khôi phục (RTO), Mục tiêu điểm khôi phục (RPO) và thời gian ngừng hoạt động tối đa (MTD) nên là một phần của kế hoạch giữa các nhà cung cấp dịch vụ đám mây khác nhau.

Với nhiều nhà cung cấp điện toán đám mây trên thị trường, nhiều khả năng một số nhà sẽ thất bại và phải dừng hoạt động. Một doanh nghiệp có biên lợi nhuận cao ngày hôm nay, không có nghĩa là nó sẽ có lợi nhuận trong tương lai, vì vậy bạn phải kết hợp các kịch bản đã vạch ra trong kế hoạch khôi phục thảm họa và duy trì kinh doanh liên tục.

Phạm Thu Trang - Thùy Linh - Lâm Thị Nguyệt