Vai trò và ảnh hưởng của IoT đối với hệ thống ERP
Sách và cuộc sống - Ngày đăng : 09:14, 26/06/2018
Hiện nay, việc điều hành một doanh nghiệp sản xuất mà không có hệ thống ERP hay hệ thống kinh doanh là gần như không thể. Trong những năm gần đây, khi công nghệ liên tục phát triển và đổi mới, dữ liệu ngày càng nhiều và có sẵn, các hệ thống ERP đã được cải tiến thông minh và hữu ích hơn. Sự bùng nổ của IoT đã bắt đầu tác động đến các khả năng ERP cũng như ngành công nghiệp và cuộc sống nói chung.
IoT thực chất là một mạng lưới các thiết bị máy tính có thể truyền dữ liệu mà không cần sự tương tác của con người. Sử dụng IoT, các doanh nghiệp hiện đại có khả năng tiếp cận với những mô hình kinh doanh mới và đem lại lợi nhuận cao hơn, như việc coi “sản phẩm như một dịch vụ” với các dòng lợi nhuận định kì. Nhờ các bộ cảm biến được gắn vào sản phẩm, các tổ chức, doanh nghiệp có thể hiểu hơn về trải nghiệm của khách hàng, từ đó xác định tình hình của các dòng lợi nhuận.
Cũng nhờ có IoT, họ còn có thể kiểm soát chặt chẽ các tài sản phân tán và khấu hao chúng một cách hợp lý, thay vì không thể liệt kê phần tài sản này trong bảng cân đối tài chính do không có khả năng theo dõi. Ngoài ra, việc tự động hóa các công việc không có giá trị gia tăng sẽ đảm bảo một cách làm việc có hệ thống và chặt chẽ hơn, cũng như quá trình xử lý nhanh hơn. Từ đó, doanh nghiệp sẽ có thể quản lý và giám sát các hoạt động một cách toàn diện, năng suất và hiệu quả, từ các công tác hậu trường tại văn phòng đến chuỗi chung ứng thông qua trải nghiệm khách hàng và có tác động tích cực trong việc cắt giảm chi phí, cải thiện dòng tiền và khả năng dự báo.
IoT và ERP hoạt động cùng nhau như thế nào?
Hệ thống ERP giúp các doanh nghiệp hoạt động như một đơn vị duy nhất với một nguồn dữ liệu duy nhất, khiến cho doanh nghiệp hiệu quả hơn và có lợi nhuận cao hơn. Về cơ bản, những gì IoT có thể làm là thu thập thêm dữ liệu có sẵn cho ERP để sử dụng và phân tích. Chính việc này sẽ giúp các tổ chức, doanh nghiệp đưa ra quyết định tốt hơn, do đó hoạt động hiệu quả hơn và nâng cao khả năng sinh lợi mà không cần gia tăng sự nỗ lực của con người. Hãng IDC ước tính rằng 40% dữ liệu được tạo ra bởi máy móc vào năm 2020, điều đó cho thấy IoT đang trở thành một trong những khía cạnh quan trọng nhất trong việc điều hành một doanh nghiệp. Khi các thiết bị có thể giao tiếp với các thiết bị khác và chia sẻ kết nối hai chiều, dữ liệu có thể được thu thập nhiều hơn và được sử dụng để giúp ERP quản lý tốt hơn các sản phẩm và dịch vụ cung cấp. Với IoT, doanh nghiệp còn có thể cung cấp các dịch vụ mới mà trước đây họ không thể hoặc không có khả năng cung cấp.
Theo kiến trúc sư giải pháp Joost Maliepaard của hãng của Oracle, IoT cho phép hệ thống ERP của tương lai kết nối mọi người, quy trình, dữ liệu và mọi thứ một cách thông minh để kích hoạt mô hình kinh doanh mới và đưa ra quyết định tốt hơn.
Kết hợp IoT và ERP: Nền tảng đưa doanh nghiệp đến thành công
Theo Công ty nghiên cứu thị trường Allied, giá trị của thị trường phần mềm ERP toàn cầu sẽ vượt mức 41 tỷ USD vào năm 2020. Cũng trong khoảng thời gian đó, IDC dự đoán chi phí dành cho IoT trên toàn cầu sẽ đạt gần 1,4 nghìn tỷ USD, do các tổ chức đang tiếp tục đầu tư vào phần cứng, phần mềm, các dịch vụ và những thiết bị kết nối cần thiết để kết nối với IoT. Sự gia tăng về số lượng của các thiết bị IoT sẽ là một động lực quan trọng cho việc chuyển đổi sang dữ liệu số, cho phép các doanh nghiệp tiếp cận với các thông tin chuyên sâu theo thời gian thực và đưa ra được những quyết định chính xác hơn. Đến năm 2022, hệ thống ERP được hỗ trợ bởi IoT sẽ mang đến cơ hội khổng lồ cho các doanh nghiệp khi thị trường này đang được kì vọng sẽ đạt gần 50 tỷ USD.
Công nghệ IoT sẽ cung cấp những thông tin chuyên sâu có chất lượng hơn tới tất cả các bộ phận trong doanh nghiệp. Từ nguồn cung nguyên liệu thô đầu vào tới hoạt động kiểm soát kho hàng, thông tin tài sản để đánh giá và chuẩn bị cho công tác bảo trì, dự báo chất lượng hàng hóa đang sản xuất, theo dõi chặt chẽ công tác giao vận và đội phương tiện chuyển hàng, đảm bảo chất lượng trải nghiệm dịch vụ khách hàng,… Đây chỉ là một vài trong số các trường hợp mà tại đó công nghệ IoT có thể phát huy khả năng vận hành hiệu quả của doanh nghiệp, đặc biệt ở mảng quản lý chuỗi cung ứng.
Ứng dụng IoT trên nền tảng đám mây cho phép các tổ chức, doanh nghiệp truy cập trực tiếp tới các dữ liệu bên ngoài cũng như nội bộ trong thời gian thực, giúp việc đưa ra quyết định nhanh chóng hơn. Ví dụ, nhờ có các bộ cảm biến được gắn trên các máy móc trong nhà máy và tại điểm bán hàng, các tổ chức, doanh nghiệp sẽ luôn nhận được những phân tích đa chiều mới nhất về hoạt động sản xuất cũng như nhu cầu thị trường, từ đó dễ dàng xác định và giải quyết các vấn đề gây ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh. Trước kia, họ thường không nhận được các thông tin này một cách kịp thời thông qua công tác quản lý chuỗi cung ứng - nhưng nhờ những tính năng của công nghệ đám mây và IoT, họ có thể chủ động tiếp cận nguồn thông tin chuyên sâu lớn hơn về tổng quan toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp một cách nhanh chóng hơn.
Sự “kết hợp” giữa ERP và IoT dường như là tất yếu. Dữ liệu từ IoT sẽ nâng cao hiệu suất, trong khi thông tin chuyên sâu từ trí tuệ nhân tạo và công nghệ học máy sẽ củng cố hơn nữa các hệ thống ERP. Sự kết hợp này sẽ cho phép lãnh đạo doanh nghiệp đưa ra những quyết định sáng suốt hơn dựa vào những thông tin chuyên sâu từ dữ liệu số. Ví dụ, các bộ cảm biến có thể đưa ra thông tin chi tiết về những trường hợp thiếu hụt hay dư thừa hàng hóa lưu kho, giúp nhà quản lý kiểm soát tốt hơn việc đặt hàng và bổ sung hàng hóa, đồng thời giảm thiểu lỗi do con người.
Đồng thời, sự kết hợp giữa IoT và ERP còn đem đến những lợi ích cho tất cả các bộ phận trong doanh nghiệp - liên quan đến hiệu quả sản xuất, hoạt động kiểm soát chất lượng, dịch vụ khách hàng, v.v.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần cân nhắc một số vấn đề khi lựa chọn tích hợp ERP và IoT. Các nền tảng ERP cần phải xử lý được lượng thông tin khổng lồ cung cấp bởi các cảm biến IoT, bên cạnh các dữ liệu mà hệ thống này vẫn luôn xử lý. Bên cạnh đó, khả năng bảo mật thông tin trên cả hai nền tảng cũng cần được xét đến. Để có thể vừa cung cấp những số liệu hỗ trợ tích cực cho các quyết định của nhà quản lý, cũng như đảm bảo tính bảo mật, doanh nghiệp cần phải thắt chặt công tác bảo vệ đầu cuối, đặc biệt khi các dữ liệu có khả năng chuyển từ hệ thống này sang hệ thống khác.