Các công ty hàng tiêu dùng đẩy mạnh áp dụng blockchain

Diễn đàn - Ngày đăng : 16:02, 21/06/2018

Việc áp dụng blockchain sẽ gia tăng trong ngành công nghiệp hàng tiêu dùng khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp sử dụng công nghệ này để giải quyết vấn đề gian lận và cải thiện quản lý chuỗi cung ứng.

Theo Ernst & Young, ngày càng nhiều công ty hàng tiêu dùng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) sẽ theo sát các công ty dịch vụ tài chính và áp dụng công nghệ blockchain trong vòng 5 đến 10 năm tới.

Ông Chandan Joshi, người đứng đầu về các sản phẩm tiêu dùng và bán lẻ tại các thị trường mới nổi toàn cầu của Ernst & Young, cho biết công nghệ blockchain sẽ được triển khai trên toàn ngành công nghiệp tài chính trong vòng 5 đến 6 năm tới. Ngành công nghiệp hàng tiêu dùng cũng có tiềm năng lớn trong việc triển khai công nghệ này do giá trị mà blockchain có thể mang lại trong các lĩnh vực như nâng cao sự trung thành của khách hàng, bán lẻ và quản lý chuỗi cung ứng.

Cụ thể, tại các thị trường mà gian lận là một vấn đề lớn, Joshi cho biết blockchain sẽ cung cấp cho các công ty hàng tiêu dùng thông tin thời gian thực trên toàn bộ chuỗi cung ứng của họ - từ mua sắm và sản xuất đến vận chuyển và phân phối. Dựa trên thông tin này, các công ty có thể đưa ra những phản ứng nhanh hơn, đồng thời thực hiện các hành động chủ động để xác định và loại bỏ những sản phẩm bị lỗi hoặc giả mạo ra khỏi chuỗi cung ứng của họ.

Hiện tại, theo ông Joshi, các công ty đa quốc gia ở APAC là những công ty đi tiên phong trong việc áp dụng blockchain - mặc dù mới chỉ dừng lại ở mức thử nghiệm và thí điểm, giới hạn giá trị của blockchain trong quy mô nhỏ.

Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), tỷ lệ chấp nhận blockchain vẫn thấp, do thiếu nhân lực có trình độ và mức độ dám chấp nhận thất bại thấp. Do blockchain là một công nghệ mới nổi nên một số SME còn do dự và chần chừ trước khi nhảy vào cuộc đua này.

Theo ông Joshi, chính phủ có vai trò quan trọng, ảnh hưởng đến việc chấp nhận blockchain thông qua các chính sách ưu đãi và khuyến khích. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng, có áp dụng công nghệ hay không, vẫn phụ thuộc vào phía các công ty, tức là họ có dũng cảm vượt qua những rủi ro thất bại.

Đối với các doanh nghiệp đang có kế hoạch áp dụng công nghệ blockchain, ông Joshi cho biết cần xem xét một yếu tố quan trọng là bảo mật dữ liệu. Ví dụ, khi giao dịch tài sản trong hệ thống blockchain mở có thể giúp cắt giảm đáng kể chi phí, tuy nhiên đây có thể không phải là một giải pháp thiết thực cho các doanh nghiệp quan tâm đến quyền riêng tư về dữ liệu vì mọi giao dịch đều được giám sát bởi tất cả các bên liên quan trong hệ thống.

Khác với ngành công nghiệp hàng tiêu dùng, các ngành công nghiệp khác sẽ đẩy mạnh áp dụng blockchain để tăng cường an ninh mạng, giảm hoặc loại bỏ vai trò của các cơ quan quản lý tập trung.

Theo công ty nghiên cứu thị trường Netscribes, thị trường công nghệ blockchain toàn cầu dự báo ​​sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 42,8% và đạt gần 14 tỷ USD vào năm 2022. Bắc Mỹ có tỷ lệ áp dụng blockchain lớn nhất trong năm 2016 và dự kiến ​​sẽ thống trị toàn bộ thị trường trong tương lai gần. Tuy nhiên, APAC được đánh giá là khu vực ​​sẽ áp dụng công nghệ này với tốc độ nhanh hơn do sự áp dụng rộng rãi tại Trung Quốc và Ấn Độ.

TH