Robot, chatbot và thực tế tăng cường: Tương lai của du lịch

Diễn đàn - Ngày đăng : 11:09, 19/06/2018

Sự bùng nổ của các công nghệ mới như chatbot, thực tế tăng cường không chỉ mang lại cuộc cách mạng trong ngành giải trí mà còn mang đến những trải nghiệm mới cho ngành công nghiệp du lịch.

Trong thế giới du lịch, cá nhân hóa và tốc độ xử lý là hai yếu tố cần thiết nhất. Tuy nhiên, các mục tiêu này có thể đạt được dễ dàng thông qua việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), nền tảng cho các robot và chatbot hiện đại. Thêm vào đó là sự hỗ trợ của thực tế tăng cường (AR -Augmented Reality), ngành công nghiệp du lịch sẽ mang lại cho khách hàng những trải nghiệm phong phú, giúp chuyến đi thú vị và thuận tiện hơn bao giờ hết. Hãy nghiên cứu những trải nghiệm số mới mà các chuyên gia AI và AR mang tới ngành du lịch và khách sạn, đồng thời khám phá vai trò của robot, chatbot và các giải pháp AR trong việc cung cấp cho du khách chính xác những gì họ đang tìm kiếm.

Trải nghiệm đặt phòng/đặt chỗ hoàn toàn mới

Hiện nay có rất nhiều tùy chọn hỗ trợ trực tuyến, kết quả là du khách không phải phụ thuộc quá nhiều vào các đại lý du lịch. Thị trường dịch vụ du lịch số toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng từ 629,81 tỷ USD năm 2017 lên 817,4 tỷ USD vào năm 2020. Chỉ tính riêng tại Mỹ, doanh thu đặt phòng trực tuyến dự kiến đạt 80 tỷ USD vào năm 2018. Những con số này cho thấy ngành công nghiệp khách sạn cũng đang chuyển đổi số.

Thực tế, việc ứng dụng các giải pháp trí tuệ nhân tạo và thực tế tăng cường trong ngành du lịch ngày càng trở nên phổ biến, mở ra kỷ nguyên đi du lịch hoàn toàn mới. Số lượng người dùng sử dụng điện thoại thông minh và thiết bị đeo để khám phá các địa điểm du lịch đang tăng lên. Điện thoại di động chiếm 37% các hoạt động mua sắm du lịch và 43% tổng số đơn đặt phòng. Điều đó cho thấy du khách muốn sự đơn giản, các tùy chọn đặt phòng/chỗ có sẵn, các khuyến nghị cá nhân hóa dựa trên hành vi trong quá khứ của họ và các gói du lịch trong tầm tay của họ.

Các thiết bị được sử dụng trong mua sắm/đặt vé máy bay và chỗ ở

Các ứng dụng tư vấn du lịch ảo

Giao diện thoại hỗ trợ các ứng dụng du lịch - xu hướng này ngày càng trở nên phổ biến khi ứng dụng công nghệ chatbot. Cũng giống như trợ lý ảo Siri và Cortana, nó bắt đầu nhận ra các mô hình giao tiếp thông qua chat. Dựa trên thông tin này, nó đưa ra các đề xuất có khả năng thu hút người gửi yêu cầu.

Đầu năm 2017, công ty du lịch Anh Thomson Holidays hợp tác với hãng IBM, ra mắt trang tư vấn du lịch ảo (chatbot.thomson.co.uk), nhằm giúp người dùng “chọn được kỳ nghỉ hoàn hảo” thông qua việc chat với trợ lý ảo, đưa ra các yêu cầu và nhận được gợi ý tương thích từ dữ liệu có sẵn.

Điều tuyệt vời nhất về chatbot được hỗ trợ bởi AI là bạn sử dụng ứng dụng càng nhiều thì nó càng hiểu về bạn hơn. Kết quả là, mức độ phù hợp của các đề xuất sẽ tăng cao hơn nữa.

Nhân viên phục vụ robot? Không còn là khoa học viễn tưởng

Bạn đã nghe nói về Connie – robot chuyên đón khách, tư vấn cho khách về điểm du lịch, chỗ ăn uống mua sắm của địa phương với “bộ não” là phần mềm IBM Watson? Một nhân viên phục vụ robot như Connie có khả năng thu thập dữ liệu phong phú, từ đó tư vấn cho khách lưu trú tại khách sạn về các điểm du lịch hấp dẫn, các dịch vụ của khách sạn cũng như các lựa chọn ăn uống để khám phá trong thời gian lưu trú. Mục tiêu chính của nó là cá nhân hóa trải nghiệm cho du khách và trao quyền cho họ thông qua việc cung cấp các thông tin có liên quan.

Robot Connie của khách sạn Hilton không phải là ví dụ duy nhất về robot du lịch thông minh.  Nổi tiếng trong giới “robot khách sạn” phải kể đến Relay, sản phẩm của nhà sản xuất robot Savioke (Mỹ). Ra mắt lần đầu năm 2015, Savioke tuyên bố robot của họ hiện được nhiều chuỗi khách sạn danh tiếng như Hilton, Marriott, InterContinental sử dụng. Relay không có tay chân, chỉ là thân hình trụ với phần đầu được thiết kế như hộp đựng đồ kèm màn hình cảm ứng. Khi khách yêu cầu được cung cấp bàn chải đánh răng hay các vật dụng khác, nhân viên lễ tân sẽ cho hàng vào ngăn đựng của Relay, nhập số phòng cần giao và “nhân viên người máy” sẽ tự di chuyển đến đúng phòng của khách, lên tiếng gọi và mở ngăn chứa cho khách nhận hàng.

Nhân viên phục vụ robot còn được sử dụng trong các sân bay. Kate của SITA có thể di chuyển đến các hàng đợi sân bay với mục đích đẩy nhanh quá trình đăng ký. Dữ liệu về lưu lượng hành khách được sử dụng để định vị hiệu quả và kết quả là thời gian xếp hàng chờ đợi của hàng khách có thể giảm đáng kể.

Các ứng dụng thực tế tăng cường trong ngành du lịch

AR đang mở ra kỷ nguyên đi du lịch hoàn toàn mới. Nhiều khách sạn đã áp dụng công nghệ tân tiến này để mang đến cho người dùng những trải nghiệm không thể thú vị hơn.

Hub by Premier Inn là một ví dụ về một khách sạn đã tích hợp trải nghiệm AR trong một căn phòng cụ thể. AR được sử dụng kết hợp với bản đồ tường, cung cấp thông tin số về địa điểm cụ thể mà khách du lịch quan tâm. Để sử dụng bản đồ tiên tiến này, khách lưu trú tại khách sạn chỉ cần tải ứng dụng Hub Hotel về điện thoại thông minh của họ. Ngoài việc cung cấp thông tin để sử dụng dễ dàng, AR còn có thể tăng cường môi trường khách sạn.

Vào năm 2016, tất cả các khách sạn của Mỹ trong chuỗi Best Western đã được trang bị “Trải nghiệm thực tế ảo Best Western”. Thông qua ứng dụng này, du khách có thể nhìn thấy và khám phá từng phòng và tiện nghi trong môi trường trực tuyến ảo trước khi đến khách sạn tương ứng. Hơn 1,7 triệu bức ảnh của các khách sạn Best Western ở Mỹ đã được thu thập và sử dụng để giúp du khách đưa ra lựa chọn. Các bức ảnh được sử dụng để tạo một video 360 độ có thể chuyển đổi vào AR thông qua việc sử dụng bộ tai nghe.

Việc sử dụng AR không chỉ giới hạn cho khách sạn. Paris Then and Now là một giải pháp AR cho phép du khách "đi dạo" trên các đường phố của Paris giống như họ đang đi ngược trở về vào quá khứ. Theo một nghĩa nào đó đây là một trải nghiệm AR du lịch thời gian, cho phép khách du lịch có thể một so sánh giữa thủ đô Pháp trước kia và hiện nay.

Công nghệ số đang phát triển không ngừng và những xu hướng mới này không phải là những xu hướng duy nhất sẽ định hình trải nghiệm du lịch cá nhân, với khả năng tương tác cao hơn và dễ tiếp cận hơn. Công nghệ blockchain, nội dung video tương tác và các công nghệ đeo cũng có thể được sử dụng, nhằm mang lại những trải nghiệm hấp hẫn cho du khách. Làn sóng công nghệ đang ùa vào ngành du lịch và dường như mọi người đều rất hào hứng chào đón những trải nghiệm mà ngành du lịch 4.0 mang đến.

TH